Đóng góp quan trọng của BHYT học sinh, sinh viên phát triển y tế trường học

24/11/2011 12:35 AM




Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý phát biểu tại Hội nghị

70,4% kinh phí hoạt động y tế trường học (YTTH) do Quỹ BHYT đảm bảo

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy: Trong năm học 2010-2011, nếu tính cả số HSSV thuộc hộ nghèo, cận nghèo và thân nhân sỹ quan Quân đội, Công an, số HSSV có thẻ BHYT trong cả nước đạt khoảng 12 triệu em (bằng 70,5% tổng số HSSV phải tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT, với số thu trên 2.610 tỷ đồng. Nguồn kinh phí từ Quỹ BHYT dành cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV tại YTTH ngày càng tăng, cụ thể: năm 2007 khoảng 100 tỷ đồng; năm 2008 khoảng 150 tỷ đồng; năm 2009 khoảng 143 tỷ đồng; năm 2010 con số này đã lên tới trên 215 tỷ đồng.

Theo báo cáo của 27 Sở Giáo dục&Đào tạo, trong đó có 10 đơn vị có thống kê chi tiết về kinh phí cho thấy: Tổng kinh phí sử dụng cho công tác YTTH tại các trường của năm 2006 là trên 26 tỷ đồng, năm 2011 là trên 34 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí dành cho YTTH của các trường mầm non và phổ thông tăng từ trên 10 tỷ đồng năm 2006 lên tới trên 16 tỷ đồng năm 2011. Tỷ lệ phân bổ kinh phí tại các trường phổ thông giữa hai năm 2006 và 2011 cũng có sự khác biệt theo hướng tăng dần tỷ lệ kinh phí từ nguồn Quỹ BHYT, cụ thể: năm 2006, kinh phí phân bổ cho công tác YTTH từ BHYT chỉ chiếm 39,4% thì đến năm 2011 con số này đã tăng lên 70,4%, trong khi tỷ lệ kinh phí từ ngân sách nhà nước giảm từ 52,3% xuống còn 25,6%. Kết quả thống kê tại 229 trường đào tạo trong cả nước cho thấy, BHYT đang giữ vai trò chủ yếu trong nguồn kinh phí hoạt động của YTTH: Năm 2006, kinh phí phân bổ cho công tác YTTH từ BHYT chiếm tỷ lệ cao nhất là 48,1% và đến năm 2011 con số này là 66,9%. Tỷ lệ này cao hơn ở các trường có HSSV tham gia BHYT đông và thấp hơn ở những trường có HSSV tham gia BHYT ít. BHYT đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với công tác YTTH nói riêng và công tác chăm sóc sức khỏe cho HSSV nói chung, vì nền giáo dục phát triển toàn diện, hướng tới một thế hệ tương lai có đủ đức - trí - thể - mỹ.

Bên cạnh đó, với sự quan tâm của các Bộ, ngành chức năng, chính quyền các cấp, mạng lưới y tế trường học và đội ngũ cán bộ y tế học đường đang từng bước được xây dựng và củng cố: Đối với bậc học phổ thông và mầm non, tỷ lệ số trường có cán bộ chuyên trách làm công tác YTTH tăng từ 17,38% (năm 2006) lên 36,72% (năm 2011). Số lượng cán bộ chuyên trách làm công tác YTTH ở các trường đào tạo đã tăng lên 22,19%. Hệ thống phòng y tế, trạm y tế trong các cơ sở giáo dục được kiện toàn và thành lập mới, tỷ lệ trường có phòng y tế đã tăng từ 44,79% (năm 2006) lên 51,54% (năm 2011), số trường đào tạo có trạm y tế tăng từ 55,9% lên 70,3%; một số trạm y tế còn phát triển trở thành trung tâm y tế chăm sóc sức khỏe. các trường đại học y còn có cả bệnh viện thực hành, không chỉ thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV mà còn tham gia khám, chữa bệnh BHYT.

BHYT chăm sóc sức khỏe HSSV vì một nền giáo dục phát triển toàn diện

Báo cáo của Sở Giáo dục&Đào tạo TP. Hà Nội cho biết: Trung bình mỗi năm, Quỹ BHYT trích lại kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV tại các trường học khoảng 20 tỷ đồng. Nguồn kinh phí từ BHYT đang chiếm tỷ trọng chủ yếu trong kinh phí hoạt động của YTTH. Thực tế cho thấy, những trường triển khai BHYT không hiệu quả, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT thấp thì hoạt động YTTH cũng khó khăn hơn do không có nguồn kinh phí.

Cùng với nguồn hỗ trợ từ ngân sách và các nguồn huy động khác, nguồn kinh phí từ BHYT đã giúp cho y tế trường học triển khai các chương trình phòng, chống các bệnh học đường, vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý vệ sinh môi trường học đường; trang bị sách, tài liệu, dụng cụ phục vụ giảng dạy, tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, tư vấn sức khỏe cho HSSV; trang bị các dụng cụ y tế thiết yếu, các loại thuốc, dụng cụ y tế thông dụng phục vụ sơ, cấp cứu, xử lý ban đầu cho HSSV khi bị tai nạn, thương tích và các bệnh thông thường; tập huấn chuyên môn y tế cho cán bộ YTTH.

Không chỉ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động chăm sóc sức khỏe HSSV tại y tế nhà trường, BHYT còn đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho các em khi không may bị ốm đau, phải đi khám, chữa bệnh. Chỉ tính riêng trong năm 2010, trên cả nước đã có 8,5 triệu lượt HSSV đi khám, chữa bệnh BHYT, trong đó có 08 triệu HSSV khám, chữa bệnh ngoại trú và trên 500 nghìn lượt điều trị nội trú (tần suất khám, chữa bệnh là 0,8 lượt/năm). Tổng chi phí mà Quỹ BHYT đã chi trả cho HSSV đi khám, chữa bệnh là 807 tỷ đồng, trong đó chi khám, chữa bệnh ngoại trú là 439 tỷ đồng, chi khám, chữa bệnh nội trú là 368 tỷ đồng. Nhiều bệnh nhân là HSSV đã được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị suy thận bằng chạy thận nhân tạo với mức chi khoảng 80 triệu đồng/năm; điều trị thuốc chống ung thư, phẫu thuật tim mạch với chi phí từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. sự hỗ trợ từ Quỹ BHYT đối với các trường hợp này rất quan trọng đối với người tham gia BHYT nói chung và HSSV nói riêng.

Từ kinh nghiệm tổ chức thực hiện YTTH tại các nhà trường cho thấy: ở những địa phương có sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, trong đó Ngành Giáo dục - Y tế - BHXH giữ vai trò đầu mối, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT cao và công tác YTTH cũng đạt được nhiều kết quả khả quan. Có thể kể đến như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Thái Bình,…

Thực hiện 100% HSSV tham gia BHYT: Giải pháp quan trọng để phát triển YTTH

Nhận định về vai trò của BHYT học sinh, sinh viên trong công tác đổi mới cơ chế tài chính của YTTH, đồng chí Vũ Văn Thao, Trưởng phòng Y tế-Xã hội, Vụ Hành chính-Sự nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng: Thực hiện BHYT cho HSSV chính là giải pháp quan trọng không chỉ có ý nghĩa với lộ trình BHYT toàn dân mà còn nhằm tăng nguồn kinh phí hoạt động cho YTTH. Từ 01/01/2010, HSSV đã là đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT nhưng đến nay vẫn còn 30% HSSV chưa có thẻ BHYT. Để tăng tỷ lệ HSSV tham gia BHYT, bên cạnh việc cần tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng chính sách BHYT đến các bậc cha mẹ và HSSV thì cần có quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các nhà trường trong công tác triển khai thực hiện chính sách, đưa tỷ lệ HSSV tham gia BHYT (được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe thông qua BHYT) vào là một trong những tiêu chí đánh giá trường chuẩn, xét thành tích khen thưởng.

Khẳng định việc nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác YTTH theo tinh thần Chỉ thị 23/2006/CT-TTg là yêu cầu cấp thiết trong Chiến lược Phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020, PGS TS. Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ Giáo dục&Đào tạo khẳng định: Cùng với nguồn nhân lực, việc đầu tư và bảo đảm về tài chính cũng là điều kiện trọng yếu. Đẩy mạnh giáo dục, truyền thông sẽ giúp HSSV được trang bị thêm kiến thức và kỹ năng sống, tích cực thực hành để hình thành những hành vi tốt, an toàn, có lợi cho sức khỏe để các em có thể tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bản thân và cộng đồng xung quanh. Thực hiện tốt Luật BHYT trong trường học để BHYT học sinh, sinh viên có thể phát huy, hỗ trợ tốt hơn cho công tác YTTH, khám, điều trị kịp thời cho HSSV khi bị ốm đau, tạo sự công bằng trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho HSSV.

Đồng thuận với ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng Bộ Giáo dục&Đào tạo cũng như toàn thể đại biểu tham dự Hội nghị, PGS TS. Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Thực hiện BHYT học sinh, sinh viên trong trường học là huy động nguồn lực hết sức quan trọng phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho HSSV. Thời gian tới, Ngành Giáo dục – Y tế và BHXH cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT đến mọi người dân nói chung và HSSV nói riêng. Bộ Y tế, Bộ Giáo dục&Đào tạo tiếp tục chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành chức năng, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe HSSV nói chung và xây dựng hệ thống y tế học đường nói riêng; phát triển các chương trình y tế, giảm thiểu các bệnh học đường. Xây dựng cơ chế chính sách tuyển dụng cán bộ làm công tác YTTH, nghiên cứu đề xuất Chính phủ có chế độ ưu đãi thích hợp, thu hút cán bộ làm công tác này,… tăng cường công tác y tế trong các trường học vì mục tiêu phát triển nền giáo dục toàn diện./.

Nhân dịp này, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục&Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Y tế, Thứ trưởng Trần Quang Quý và Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 02 tập thể và 04 cá nhân; tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục&Đào tạo cho 53 tập thể và 62 cá nhân; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho 17 tập thể và 27 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong 05 năm thực hiện Chỉ thị 23/2006/CT-TTg.


Tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân
có thành tích xuất sắc

Theo Ngọc Ánh (TC BHXH)