Những nhận thức lệch lạc về Bảo hiểm y tế

01/08/2012 03:30 AM




Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, bênh cạnh đó vẫn còn những nhận thức, suy nghĩ chưa đúng về BHYT của một bộ phận không nhỏ người dân, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách BHYT, nhất là việc thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.
Nguyên tắc của BHYT đó là có đóng có hưởng, cộng đồng cùng chia sẽ rủi ro, lấy số đông người đóng để bù cho những người không may mắc bệnh, phải điều trị tốn kém tiền bạc. Thế nhưng không ít người vẫn thờ ơ khi nói đến việc tham gia BHYT, trong suy nghĩ họ cho rằng đóng BHYT chỉ để người khác được hưởng, bản thân mình khỏe mạnh, lo gì? Thậm chí có những cán bộ, công chức còn cho rằng với mức đóng 4,5% lương hàng tháng như vậy thì BHYT sẽ có “lãi to”, vì bản thân họ đóng BHYT hàng mấy chục năm nhưng chưa sử dụng đến thẻ BHYT lần nào. Tệ hơn nữa đó là một số doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động cố trình trốn tránh, không thực hiện tham gia BHYT cho người lao động do mình quản lý, với họ đây là một gánh nặng chi phí, hơn nửa người lao động được tuyển dụng đã có chứng nhận sức khỏe tốt, tham gia BHYT thì khi nào mới được hưởng, lại tốn kém.
Ngược lại với lối suy nghĩ trên, không ít người coi BHYT như là “chùm khế ngọt”, tìm mọi cách để được hưởng, thậm chí còn trục lợi. Đã có những tình huống cười ra nước mắt, đó là nhiều người đang lúc khỏe mạnh không bao giờ nghỉ đến chuyện tham gia BHYT, đến khi mắc bệnh hiểm nghèo phải nhập viện thì bản thân và gia đình tìm mọi cách để có được chiếc thẻ BHYT; có những chị em khi mang thai gần đến kỳ sinh nở mới đi mua BHYT để khi đi sinh đỡ…tốn tiền; lại có những người tham gia BHYT với mục đích là “lấy thuốc”, tham gia BHYT một người để dùng cho nhiều người, thậm chí còn nhận thuốc để điều trị cả cho gia súc, gia cầm nhằm phục vụ chăn nuôi.
Một lối suy nghỉ rất lạc hậu, đó là ngại tham gia BHYT vì sợ bị phân biệt, đối xử khi đi khám chữa bệnh. Điều đó ít xảy ra trong thực tế, bởi vì hiện nay quỹ BHYT chiếm phần lớn trong chi phí hoạt động của các cơ sở y tế có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, có nơi chiếm đến 80 - 90% kinh phí KCB, do vậy các cơ sở y tế hết sức nhiệt tình, chăm lo đến sức khỏe của bệnh nhân có thẻ BHYT, thậm chí còn ưu ái hơn nhiều đối với những bệnh nhân đi khám chữa bệnh phải thu phí. Mặt khác, y bác sỹ khám bệnh không phải là người trực tiếp cấp thuốc và thu tiền, do vậy, khi người bệnh đến phòng khám thì trước mặt họ là bệnh nhân, họ có trách nhiệm phải thăm khám và chữa trị chứ không bào giờ nghỉ đến đó là bệnh nhân có thẻ hay không có thẻ BHYT, có chăng thì sự quan tâm đó nhằm tiên lượng khả năng chi phí điều trị của gia đình và người bệnh khi mắc phải bệnh nặng, điều trị tốn kém.
Trước đây cũng có những người tham gia BHYT nhưng sau đó lại thôi, vì theo họ mỗi lần ốm đau phải điều trị theo thẻ BHYT thì y, bác sỹ thường cho thuốc rất nhiều, và thường thuốc…nội; điều trị viêm họng, cảm cúm cũng phải mất 5 đến 7 ngày, trong khi đó họ chỉ cần đến tiệm thuốc tây mua bừa vài liều kháng sinh mạnh là có thể chữa trị nhanh chóng; và không ít người hồ nghi rằng chữa trị bệnh bằng quỹ BHYT sẽ lâu khỏi bệnh, lại rườm rà, tốn thời gian…Rõ ràng đây là suy nghĩ do không nhận thức đầy đủ về y học, do thói quen dùng thuốc không theo chỉ định của bác sỹ, rất có hại cho sức khỏe. Người ta ví chữa bệnh nhưng uốn thẳng một cành cây, người thầy thuốc chỉ có thể uốn nắn từ từ cho cây thẳng, còn nếu muốn cây thẳng nhanh thì sẽ bẻ ngược cành cong, như vậy cây sẽ gãy, hoặc chí ít cũng rạn nứt thân cây. Đối với y, bác sỹ, việc chữa trị bệnh phải tuân thủ theo phác đồ điều trị của Bộ y tế, chỉ định thuốc phải tùy thuộc bệnh tật, tiền sử bệnh tật và khả năng thích ứng của cơ thể người bệnh, do vậy việc điều trị bệnh theo chỉ định của bác sỹ là cách chữa trị bệnh khoa học.
Xuất phát từ tính nhân đạo của chính sách, nhà nước đã hỗ trợ mua thẻ BHYT cho một số đối tượng như trẻ em, người già, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng có nhiều khó khăn…nên cũng không ít người nhầm tưởng BHYT là chính sách hỗ trợ của nhà nước chứ không phải là sự đóng góp cá nhân, do đó thay vì trách nhiệm tham gia BHYT thì một số người “phấn đấu thành người nghèo” để được cấp thẻ BHYT.
Những nhận thức lệch lạc ấy gây trở ngại không nhỏ trong việc thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, mỗi người cần phải có trách nhiệm trước bản thân và cộng đồng đối với bệnh tật, đau ốm thì không ai mong muốn nhưng vòng đời sinh, lão, bệnh, tử mấy ai tránh khỏi được đâu. Chúng ta, tất cả những người tham gia BHYT mong mỏi rằng đóng BHYT nhưng ít được hưởng BHYT, đóng để phòng bị bản thân, để góp phần xoa dịu nỗi đau của những mảnh đời bất hạnh, đó mới là hạnh phúc của mỗi người và của toàn xã hội.  


Trương Văn Bá