Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 04/2016

07/04/2016 12:33 AM



Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chuyên gia nước ngoài làm việc tại VN đến 90 ngày/năm không phải xin phép lao động

Có hiệu lực từ 01/04/2016, Nghị định số 11/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 03/02/2016 về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam (VN) quy định chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc lao động kỹ thuật  nước ngoài vào VN làm việc dưới 30 ngày và thời gian cộng dồn không quá 90 ngày/năm không thuộc diện cấp Giấy phép lao động.

Đối với các trường hợp không phải xin cấp Giấy phép lao động trên phải được Sở Lao động Thương binh và Xã hội xác nhận trước khi làm việc 7 ngày, thời hạn xác nhận tối đa là 2 năm. Với các trường hợp còn lại nếu không có Giấy phép lao động sẽ bị trục xuất ra khỏi VN trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện.

Điều kiện làm việc với chuyên gia nước ngoài làm việc tại VN phải có bằng đại học hoặc tương đương trở lên, có ít nhất 03 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành được đào tạo. Trước khi tuyển dụng lao động nước ngoài, nhà thầu phải kê khai số lượng, trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm của người lao động với Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh nơi nhà thầu thực hiện gói thầu.

Hướng dẫn khai thuế GTGT với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên

Ngày 05/02/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 21/2016/TT-BTC hướng dẫn về khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) và ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp từ sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Theo đó, tổ chức sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển trên lãnh thổ Việt Nam được thực hiện khai thuế GTGT theo quý, không phân biệt có doanh thu trên hay dưới 50 tỷ đồng/năm. Trường hợp người nộp thuế có thêm doanh thu từ các hoạt động sản xuất kinh doanh khác cũng áp dụng hình thức khai thuế GTGT theo quý như trên.

Riêng đối với cá nhân có phát sinh doanh thu của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên phát triển, thực hiện khai thuế theo năm và nộp thuế GTGT theo quý.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/04/2016

Từ 1/7/2018, cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải gắn thiết bị in chứng từ

Từ 1/7/2018, cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải gắn thiết bị in chứng từ để in và cung cấp chứng từ bán hàng cho khách là một trong những yêu cầu được quy định tại Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 25/08/2015 về kinh doanh xăng dầu.

Ngoài việc phải gắn thiết bị in chứng từ như trên, thương nhân bán lẻ xăng dầu còn phải xây dựng kế hoạch và định kỳ theo tháng tự kiểm tra ít nhất 01 lần đối với phương tiện đo, điều kiện thực hiện phép đo để bảo đảm lượng xăng dầu bán lẻ cho khách hàng có sai số đo không quá 1,5 lần giới hạn dương của sai số cho phép. Hồ sơ thực hiện việc định kỳ tự kiểm tra phải được lưu giữ tại cửa hàng cho tới khi hoàn thành lần kiểm định tiếp theo của phương tiện đo.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/04/2016.

Tăng mức bồi thường bảo hiểm bắt buộc lên 100 triệu đồng/người/vụ

Theo Thông tư số 22/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 16/02/2016 về bảo hiểm (BH) bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới quy định doanh nghiệp BH phải trả tối đa 100 triệu đồng/người/vụ tai nạn nếu có thiệt hại về người do ô tô, xe máy gây ra (trước đây là 70 triệu đồng); Trường hợp thiệt hại về tài sản sẽ bồi thường tối đa 50 triệu đồng/vụ tai nạn nếu do xe mô tô hai bánh, xe gắn máy gây ra và 100 triệu đồng/vụ tai nạn nếu do xe ô tô gây ra (trước đây là 40 và 70 triệu đồng/vụ).

Chủ xe được yêu cầu doanh nghiệp BH bồi thường trong 1 năm, từ ngày xảy ra tai nạn. Doanh nghiệp phải thanh toán bồi thường trong tối đa 30 ngày.

Thông tư cũng điều chỉnh tăng mức phí BH bắt buộc TNDS với xe ô tô dưới 6 chỗ không kinh doanh vận tải lên 437.000 đồng/năm, tăng 40.000 đồng. Đối với xe máy vẫn giữ nguyên mức phí từ 55.000 đến 60.000 đồng/năm tùy dung tích.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/04/2016.

Chế độ với người đăng ký, khám nghĩa vụ quân sự

Công dân đi khám, đăng ký nghĩa vụ quân sự (NVQS) được thanh toán tiền xe; tiền ăn hoặc hưởng nguyên lương nếu thuộc cơ quan Nhà nước là nội dung nổi bật tại Nghị định số 13/2016/NĐ-CP ngày 19/02/2016 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đăng ký và chế độ, chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Tương tự, công dân không thuộc cơ quan Nhà nước được đảm bảo tiền ăn bằng mức tiền một ngày ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh; được thanh toán tiền tàu xe đi, về theo quy định. Trong đó, thời gian đi, về và thực hiện đăng ký NVQS hoặc khám, kiểm tra sức khỏe từ 04 giờ trở lên trong 01 ngày được tính là cả ngày, dưới 04 giờ được tính là 1/2 ngày.

Cũng theo Nghị định này, công dân đã đăng ký NVQS khi dời khỏi nơi cư trú từ 3 tháng trở lên phải làm thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 08/04/2016;

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


Vay trung, dài hạn nước ngoài phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước

Theo quy định tại Thông tư số 03/2016/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 26/02/2016, hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp, khi thực hiện các khoản vay trung, dài hạn nước ngoài; khoản vay ngắn hạn nhưng tổng thời hạn vay trên 1 năm, doanh nghiệp phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước.

Việc khai báo thông tin đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay có thể được thực hiện theo hình thức trực tuyến (sử dụng trang điện tử) hoặc theo hình thức truyền thống (không sử dụng trang điện tử). Bên đi vay có thể thay đổi việc lựa chọn từ hình thức truyền thống sang hình thức trực tuyến; khi đã thay đổi sẽ không được thay đổi ngược lại.

Thông tư cũng quy định doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được vay bằng đồng Việt Nam từ lợi nhuận được chia của nhà đầu nước ngoài góp vốn.

Các quy định trên có hiệu lực từ ngày 15/04/2016.

Nâng mức tạm ứng khoản chi ngân sách đến 50% giá trị hợp đồng

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 39/2016/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 01/03/2016, sửa đổi, bổ sung quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.

Cụ thể, từ ngày 15/04/2016, mức tạm ứng ngân sách Nhà nước đối với những khoản chi có giá trị hợp đồng từ 20 triệu đồng trở lên được thực hiện theo quy định tại hợp đồng đã ký kết của đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước và nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ nhưng tối đa không quá 50% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết, thay vì mức 30% dự toán bố trí cho khoản mua sắm đó theo quy định hiện hành.

Quy định về mức tạm ứng này không áp dụng đối với trường hợp thanh toán hàng hóa nhập khẩu thiết bị chuyên dùng do đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước phải nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài (hoặc thông qua đơn vị nhập khẩu ủy thác).

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/04/2016.

NLĐ tại cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ được khám sức khỏe ít nhất 1 lần/năm

Theo Thông tư số 57/2015/TT-BCT ngày 31/12/2015 của Bộ Công Thương quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương quy định, chủ cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ phải tổ chức khám sức khỏe cho chính mình và những người tham gia trực tiếp sản xuất định kỳ ít nhất 01 lần/năm tại cơ sở y tế cấp quận/huyện trở lên. Chủ cơ sở và người sản xuất trực tiếp tại cơ sở phải có Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm và Giấy xác nhận đủ sức khỏe để sản xuất thực phẩm do cơ sở y tế cấp quận/huyện trở lên cấp. Các Cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ phải lưu giữ đầy đủ hồ sơ khám sức khỏe của chủ cơ sở và người lao động tại cơ sở sản xuất.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/04/2016.

Chính thức triển khai thực hiện thủ tục biên phòng điện tử tại cảng biển

Có hiệu lực từ ngày 18/04/2016, Quyết định số 10/2016/QĐ-TTg  ngày 03/03/2016 của Thủ tướng Chính phủ chính thức triển khai thực hiện thủ tục biên phòng điện tử tại cảng biển.

Thủ tục biên phòng điện tử được thực hiện 24/24 giờ hàng ngày. Thời hạn khai báo chậm nhất là 04 giờ trước khi tàu, thuyền dự kiến đến cảng và 02 giờ trước khi dự kiến rời cảng. Thời hạn nộp và xuất trình các loại giấy tờ theo quy định cho Biên phòng cửa khẩu cảng đối với tàu, thuyền nhập cảnh và tàu, thuyền quá cảnh đến cảng chậm nhất là 10 giờ sau khi tàu, thuyền neo đậu an toàn tại cảng. Trường hợp neo đậu tại cảng dưới 24 giờ, không thay đổi về thuyền viên, hành khách, người làm thủ tục được phép khai báo thủ tục xuất cảnh cho tàu, thuyền ngay sau khi khai báo thủ tục nhập cảnh; nộp, xuất trình hồ sơ giấy của thủ tục nhập cảnh và thủ tục xuất cảnh cho Biên phòng cửa khẩu cảng 01 lần.

Ngoài ra, còn nhiều quy định về việc Quản lý, sử dụng tiền thu được từ sắp xếp nhà, đất tại đơn vị thuộc Bộ Công an; Vẫn xác định thôn đặc biệt khó khăn theo tiêu chí cũ; Quy định giá cước phát hành báo chí công ích; Cho thuê trực tiếp với trụ sở làm việc Nhà nước có giá trị dưới 100 triệu; Quy định mới về lệ phí cấp Giấy phép lái xe trong ngành công an; Khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng dùng trong thăm dò, phát triển mỏ dầu khí; Quản lý cam kết chi ngân sách Nhà nước thường xuyên; ... cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 04/2016

Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam