Vận động bầu cử: Điểm “cộng” cho ứng cử viên

04/05/2016 06:43 AM




Vai trò quan trọng


Đối với các ứng cử viên thì vận động bầu cử là dịp để thể hiện hình ảnh mình trước cử tri. Những đại biểu tái cử ít nhiều đã có kinh nghiệm nhưng các ứng viên lần đầu được giới thiệu ra ứng cử chắc chắn sẽ rất bỡ ngỡ với các công việc chuẩn bị và vận động bầu cử. Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND có những đặc điểm rất khác biệt so với các cuộc bầu cử khác. Đây là cuộc bầu cử có số ứng viên rất cao so với số lượng đại biểu được bầu, ít nhất số dư tới 60-70%. Cử tri là người có quyền bầu cử thường cư trú trên một địa bàn rộng, có thể nói là hoàn toàn xa lạ, có rất ít thông tin về các ứng cử viên. Do vậy, công tác vận động bầu cử đóng vai trò rất quan trọng đối với mỗi ứng cử viên.

Những ứng cử viên lần đầu được giới thiệu ra ứng cử nên tìm hiểu những thông tin ban đầu về HĐND và đại biểu HĐND như tổ chức, bộ máy, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ… của HĐND; thẩm quyền và trách nhiệm của đại biểu HĐND… bằng cách tìm đọc Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu HĐND, Quy chế hoạt động của HĐND các cấp… những tài liệu này có thể lấy trên mạng hoặc có thể gặp cơ quan Văn phòng HĐND địa phương mình đề nghị cung cấp. Nghĩa là tự mình trang bị những kiến thức cơ bản nhất về tổ chức và hoạt động của cơ quan dân cử để từ đó chuẩn bị chương trình hành động của cá nhân vận động bầu cử.

Cử tri cân nhắc trước khi lựa chọn người đại diện     

Tạo ấn tượng trước cử tri

Để có được một chương trình hành động tốt, sát thực, có thể sử dụng hiệu quả trong các cuộc TXCT và vận động bầu cử qua các phương tiện thông tin đại chúng là điều các ứng cử viên cần hết sức quan tâm. Các ứng cử viên cũng phải dành thời gian tìm hiểu các thông tin về địa phương nơi mình ứng cử như các đặc điểm về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa; truyền thống cách mạng; tình hình KT - XH địa phương; tiềm năng, thế mạnh cũng như những khó khăn, thách thức của địa phương; đặc điểm dân cư; đời sống nhân dân; những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân (nếu có)… và nếu trúng cử thì mình có thể sẽ làm gì để góp phần giải quyết những vấn đề đó. Sẽ là một điểm “cộng” quan trọng cho ứng viên nếu trình bày trước cử tri những nội dung sát, đúng với tình hình thực tế KT - XH của địa phương nơi ứng cử.

Ứng cử viên cũng nên suy nghĩ về những khả năng, kinh nghiệm công tác của bản thân và việc sử dụng nó trong quá trình hoạt động đại biểu nếu trúng cử: Sở trường của mỗi ứng viên ứng cử viên là gì, kiến thức kinh nghiệm công tác ra sao, sử dụng nó thế nào để đóng góp vào hoạt động của cơ quan dân cử. Ứng cử viên quan tâm đến vấn đề gì mà mình sẽ tập trung suy nghĩ và hành động để cùng với tập thể HĐND giải quyết trong nhiệm kỳ.

Ví dụ, nếu ứng cử viên là nữ có thể suy nghĩ, trình bày hành động của mình liên quan đến các vấn đề về thúc đẩy bình đẳng giới, đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, đến giải quyết chỗ ở cho nữ công nhân các khu công nghiệp tập trung… Ứng cử viên trẻ tuổi sẽ làm gì để cơ quan dân cử trong nhiệm kỳ tới quan tâm hơn đến những vấn đề của tuổi trẻ như giải quyết việc làm cho thanh niên, vấn đề đời sống văn hóa tinh thần của lớp trẻ, đến hoạt động đoàn và thanh thiếu niên… Ứng cử viên là doanh nhân hay nhà kinh tế có thể trình bày trong chương trình hành động của mình các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, tháo gỡ các nút thắt để sản xuất kinh doanh phát triển. Ứng viên cũng có thể trình bày những ý tưởng để khắc phục các vấn đề nổi cộm ở địa phương nơi mình ứng cử như việc xây dựng NTM, khắc phục vấn nạn ô nhiễm môi trường, vấn đề sản xuất sản phẩm sạch, an toàn; đến việc giải quyết nợ đọng trong XDCB, thu hút đầu tư để phát triển KT - XH…

Trong vòng khoảng một tháng trước khi bầu cử, mỗi ứng viên đều sẽ được tham gia khoảng 5-6 cuộc tiếp xúc với cử tri để vận động bầu cử. Đây là cơ hội rất quan trọng, ứng cử viên đừng bao giờ đến muộn trong các cuộc TXCT này. Tốt nhất có mặt trước 5-10 phút, tranh thủ gặp người tổ chức TXCT hoặc đại diện MTTQ, Thường trực HĐND, UBND để tìm hiểu thông tin về nơi tổ chức TXCT, số lượng, thành phần dự TXCT đại diện cho những xã, thôn nào. Đừng ngại trò chuyện với các cử tri trước giờ TXCT, trong giờ giải lao…

Ứng cử viên phải chú ý đến tác phong, tư thế, trang phục lịch sự, gọn gàng, đúng mực, phù hợp với nơi TXCT. Luôn quan tâm, chú ý lắng nghe ý kiến phát biểu của người khác, nhất là của cử tri. Khi được mời lên trình bày chương trình hành động, ứng viên cần ý thức đây là cơ hội rất quan trọng để mình thể hiện, xây dựng hình ảnh bản thân trước cử tri. Nên nói rõ cho cử tri biết mình là ai; trình độ đào tạo; khả năng và kinh nghiệm công tác; được tổ chức nào giới thiệu ra ứng cử; những công tác đã kinh qua, thành tích đã đạt được; khả năng của bản thân đóng góp với hoạt động của HĐND; hứa với cử tri những việc có thể làm nếu được bầu. Như: Lắng nghe và chuyển tải những kiến nghị của cử tri và nhân dân đến HĐND và UBND; tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng nghị quyết của HĐND; thực hiện giám sát và chất vấn… Đặc biệt, nên nói với cử tri những gì có thể thực hiện được trong khả năng trên cương vị là đại biểu HĐND để đóng góp vào việc phát triển KT - XH, xây dựng địa phương nơi mình ứng cử.

Khi phát biểu với cử tri cần cố gắng bớt phụ thuộc vào tài liệu đã chuẩn bị sẵn càng nhiều càng tốt. Thời gian phát biểu nên ngắn gọn, thường khoảng 10-15 phút. Tự nghiền ngẫm, rút kinh nghiệm ngay sau mỗi lần TXCT, qua những người cùng dự buổi TXCT như đại diện cấp ủy, Thường trực HĐND, UB MTTQ, UBND để tiếp nhận những thông tin nhận xét đánh giá của cử tri đối với bản thân mình.

Ngoài tham gia thật tốt các cuộc TXCT vận động bầu cử, ứng cử viên đừng từ chối nếu được các cơ quan thông tin đại chúng mời phỏng vấn và cần chuẩn bị chu đáo cho những cuộc phỏng vấn này./.



Nguồn: Theo Báo điện tử đại biểu nhân dân