Quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp có 5 hình thức đầu tư

05/05/2016 03:33 AM



Nghị định nêu rõ, hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp phải bảo đảm minh bạch, an toàn, hiệu quả và thu hồi được vốn đầu tư.


5 hình thức đầu tư

Hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được thực hiện thông qua 5 hình thức theo thứ tự ưu tiên: 1- Mua trái phiếu Chính phủ; 2- Cho ngân sách nhà nước vay; 3- Gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; 4- Cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội vay theo hình thức mua trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do các ngân hàng này phát hành; 5- Đầu tư vào các dự án quan trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Việc đầu tư vào hình thức 4 và hình thức 5 ở trên chỉ áp dụng đối với Quỹ BH thất nghiệp; số tiền đầu tư vào hai hình thức này không được vượt quá 20% số dư Quỹ BH thất nghiệp của năm trước liền kề.

Được gửi tiền tại các NHTM không quá 3 năm

Liên quan đến hoạt động gửi tiền tại các ngân hàng thương mại (NHTM) có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nghị định quy định, mức gửi tiền tại các NHTM do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quyết định căn cứ vào phương án đầu tư quỹ đã được HĐQL BHXH Việt Nam thông qua. Thời hạn gửi tiền được tính kể từ ngày gửi đến ngày thu hồi. Thời hạn cụ thể do BHXH Việt Nam lựa chọn căn cứ vào từng loại kỳ hạn gửi tiền của NHTM nhưng tối đa không quá 3 năm.

Mức lãi suất gửi tiền thực hiện theo lãi suất tiền gửi có kỳ hạn của NHTM nhưng phải đảm bảo không thấp hơn mức trung bình lãi suất tiền gửi cùng kỳ hạn tại thời điểm gửi tiền của 4 chi nhánh trên địa bàn Hà Nội thuộc 4 NHTM: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Việc lựa chọn 4 chi nhánh thuộc 4 NHTM nói trên do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quyết định.

Trích Quỹ Dự phòng rủi ro không quá 2%

Nghị định cũng quy định, toàn bộ số tiền sinh lời thu được hằng năm của hoạt động đầu tư theo quy định tại Nghị định này và số tiền lãi phát sinh trên tài khoản tiền gửi phản ánh các khoản thu, chi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định của pháp luật về cơ chế quản lý tài chính về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được sử dụng để trích lập Quỹ Dự phòng rủi ro và phân bổ vào các quỹ.

Trong đó, Nghị định quy định mức trích Quỹ Dự phòng rủi ro hằng năm tối đa không quá 2% số tiền sinh lời của hoạt động đầu tư cho đến khi số dư Quỹ Dự phòng rủi ro bằng 5% số dư nợ đầu tư vào hình thức 3 và hình thức 5 của năm trước liền kề. Mức trích cụ thể hằng năm do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quyết định.

Quỹ dự phòng rủi ro trong thời gian chưa sử dụng, được sử dụng đầu tư vào các hình thức 1 và hình thức 2.

Nghị định 30/2016/NĐ-CP cũng quy định HĐQL BHXH Việt Nam quyết định và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về các hình thức đầu tư và cơ cấu đầu tư của các Quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên cơ sở đề nghị của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.

BHXH Việt Nam thực hiện đầu tư phải theo đúng hình thức đầu tư, cơ cấu đầu tư, phương thức đầu tư quy định tại Nghị định này và phương án đầu tư đã được HĐQL BHXH Việt Nam thông qua. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu xét thấy cần thiết phải điều chỉnh hoặc bổ sung phương án đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, BHXH Việt Nam báo cáo HĐQL xem xét quyết định./.


Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội