Nâng cao vai trò cơ quan BHXH trong quản lý giá thuốc

10/05/2016 01:25 AM


Ảnh minh họa

Luật Dược (sửa đổi) quy định nguyên tắc quản lý nhà nước về giá thuốc. Theo đó, quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo quy định của pháp luật. Bảo đảm công khai, minh bạch giá thuốc khi lưu hành thuốc trên thị trường.
Các biện pháp quản lý giá thuốc bao gồm:  Đấu thầu thuốc dự trữ quốc gia theo quy định tại Luật đấu thầu và pháp luật về dự trữ quốc gia; đấu thầu thuốc mua từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế công lập theo quy định tại Luật đấu thầu;  Đấu thầu hoặc đặt hàng hoặc giao kế hoạch đối với các thuốc phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia, thuốc phòng chống dịch bệnh, thiên tai, thảm họa theo quy định của pháp luật về cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích; Kê khai giá thuốc trước khi lưu hành trên thị trường và kê khai lại khi thay đổi giá thuốc đã kê khai…
Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giá thuốc; Công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế về các thông tin về Giá bán buôn, bán lẻ thuốc đã kê khai, Giá thuốc trúng thầu do BHXH Việt Nam và cơ sở y tế cung cấp;
Về trách nhiệm của BHXH Việt Nam trong quản lý giá thuốc, Luật Dược (sửa đổi) quy định: Công khai giá thuốc trúng thầu trên cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam và cung cấp giá thuốc trúng thầu đến Bộ Y tế chậm nhất 05 ngày kể từ ngày nhận được kết quả lựa chọn nhà thầu của các cơ sở thực hiện đấu thầu.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có kết quả trúng thầu, các cơ sở thực hiện đấu thầu thuốc thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải gửi đến Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh; các cơ sở y tế  khác có thực hiện đấu thầu thuốc gửi kết quả trúng thầu thuốc đến Bộ Y tế và BHXH Việt Nam.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có kết quả trúng thầu thuốc đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức đấu thầu thuốc tập trung, Sở Y tế phải báo cáo kết quả trúng thầu thuốc đến Bộ Y tế và BHXH Việt Nam.

Luật Dược (sửa đổi) có 14 chương, 116 điều sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017. So với Luật Dược 2005, Luật Dược (sửa đổi) có một số điểm mới liên quan đến chính sách nước về lĩnh vực dược và phát triển công nghiệp dược; hành nghề dược; kinh doanh dược; đăng ký thuốc;  Phát triển dược liệu, thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền; dược lâm sàng; thử thuốc trên lâm sàng; quản lý nhà nước về giá thuốc...


Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội