Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ: Quyết liệt nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT

09/06/2016 02:04 AM



Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh phát biểu tại buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh; các Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và một số Bộ, Ngành; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.

Chủ động thực hiện nhiệm vụ

Báo cáo với Phó Thủ tướng về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành BHXH, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương cho biết, BHXH Việt Nam đã bám sát chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thực hiện quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Đối tượng tham gia BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng và tăng nhanh qua từng năm.

Giai đoạn 2011 - 2015, số người tham gia BHXH bắt buộc tăng 19,6%; số người tham gia BHXH tự nguyện tăng 133%; số người tham gia BH thất nghiệp tăng 29,3%; số người tham gia BHYT tăng 22,6% ; toàn Ngành thu đạt 817,3 nghìn đồng, trong đó: thu BHXH bắt buộc đạt 535,2 nghìn tỷ đồng, BHXH tự nguyện đạt trên 3 nghìn tỷ đồng, thu BH thất nghiệp đạt 47,9 nghìn tỷ đồng và thu BHYT đạt 231,6 nghìn tỷ đồng; giải quyết cho trên 35 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH; lương hưu và trợ cấp BHXH của các đối tượng hưởng BHXH được chi trả kịp thời; thanh toán chế độ BHYT cho 630 triệu lượt người với chi phí lên đến trên 189 nghìn tỷ đồng; Quỹ BHXH được quản lý, đầu tư theo đúng quy định của Nhà nướcvà chỉ đạo của Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam; Công tác cải cách hành chính được triển khai quyết liệt, đồng bộ theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ; Công tác ứng dụng CNTT vào quản lý được BHXH Việt Nam đặc biệt quan tâm.

Tính đến hết tháng 5/2016, ước số người tham gia BHXH bắt buộc là 12,3 triệu người; BH thất nghiệp là 10,5 triệu người, BHXH tự nguyện là 194 nghìn người và BHYT là 71,1 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 77,1% dân số; thu 85.872,4 tỷ đồng, đạt 36,5% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 8.936,2 tỷ đồng (11,6%) so với cùng kỳ năm 2015; giải quyết chế độ BHXH cho 4,2 triệu lượt người, tăng 1,3 triệu lượt người (54,4%) so với cùng kỳ năm 2015; thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho 54 triệu lượt người, tăng 4,7 triệu lượt người (7,5%) so với cùng kỳ năm 2015; toàn Ngành ước chi BHXH, BHYT là 99.912,8 tỷ đồng (tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2015), trong đó: chi BHXH 74.229,2 tỷ đồng, chi BH thất nghiệp 1.672,9 tỷ đồng, chi BHYT 24.010,7 tỷ đồng.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn báo cáo tại buổi làm việc

Gỡ vướng

Phát biểu tại cuộc làm việc, Lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, BHXH Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn.

Cụ thể, một số quy định, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT chưa được các cơ quan có thẩm quyền kịp thời xây dựng, ban hành như: Nghị định hướng dẫn thi hành Luật BHXH về bảo hiểm hưu trí bổ sung; Nghị định hướng dẫn Luật An toàn, vệ sinh lao động; Thông tư hướng dẫn về BHXH bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân,...; Mẫu và thẩm quyền cấp các loại hồ sơ giấy tờ: Trích sao bệnh án; Danh mục bệnh khác nguy hiểm đến tính mạng làm căn cứ giải quyết chế độ BHXH một lần; “Giấy xác nhận” của cơ sở KCB có thẩm quyền làm căn cứ để giải quyết chế độ thai sản…

BHXH Việt Nam đề nghị, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế sớm ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ ban hành các nội dung này. BHXH Việt Nam cũng đề nghị Bộ Y tế trình Chính phủ phương án đấu thầu giá thuốc công khai; Ban hành, cập nhật đầy đủ bộ mã dịch vụ y tế dùng chung về thuốc tân dược, thuốc y học cổ truyền, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế, mã bệnh và các thông tin phục vụ công tác quản lý KCB và thanh toán BHYT; Chỉ đạo Sở Y tế các địa phương, y tế các Bộ, ngành phê duyệt đồng bộ, đầy đủ danh mục dịch vụ kỹ thuật tại các cơ sở KCB đúng quy định.

Về cơ cấu tổ chức, bộ máy của Ngành, lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết, tốc độ gia tăng các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Ngành đã vượt quá các định mức khối lượng công việc theo danh mục vị trí việc làm. Trong khi đó, theo Đề án xác định vị trí việc làm ngành BHXH xây dựng năm 2011 đã được Bộ Nội vụ phê duyệt, biên chế theo vị trí việc làm của toàn Ngành được xác định là 27.000 người, nhưng đến nay ngành mới chỉ được giao gần 21 nghìn người. Vì vậy, áp lực trong công việc đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng tăng, trong khi đó tỉ lệ chuyển ngành, xin thôi việc có chiều hướng gia tăng. BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Nội vụ xem xét giao bổ sung biên chế cho BHXH Việt Nam theo tính toán tại Đề án vị trí việc làm đã được Bộ Nội vụ phê duyệt để đáp ứng nguồn nhân lực triển khai thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.

Đặc biệt, việc thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH và 35% lực lượng lao động tham gia BH thất nghiệp theo Nghị quyết số 21-NQ/TW còn hết sức khó khăn do các giải pháp mở rộng đối tượng này chưa thực sự hiệu quả, nhất là đối với số lao động ở khu vực phi chính thức. Đến hết tháng 5/2016, mới có 12,3 triệu người tham gia BHXH, chiếm 23,3% lực lượng lao động và 10,5 triệu người tham gia BH thất nghiệp, chiếm 19,6% lực lượng lao động. Riêng đối tượng tham gia BHYT hàng năm đều vượt kế hoạch được giao nhưng việc phát triển và mở rộng đối với 23% dân số còn lại là hết sức khó khăn do phần lớn trong số này là những đối tượng không được Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng.

Việc tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT của nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm, biểu hiện là tình trạng trốn đóng BHXH, đăng ký số người tham gia BHXH và mức tiền lương, tiền công tham gia BHXH thấp hơn so với lương thực tế; tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH xảy ra ở tất cả các địa phương. Trong đó có trên 2 nghìn tỷ đồng nợ BHXH, BHYT là nợ khó hoặc không có khả năng thu hồi khi doanh nghiệp phá sản, giải thể, rút giấy phép kinh doanh, không giao dịch với cơ quan BHXH hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn,...

Về vấn đề này, lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng kiến nghị với Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương sớm ban hành Nghị định về xử lý nợ bảo hiểm của các doanh nghiệp giải thể, phá sản, bị thu hồi giấy phép hoạt động… để có cơ sở giải quyết quyền lợi cho người lao động.

Tình trạng lạm dụng quỹ BHYT chưa được khắc phục triệt để do thiếu công cụ để giám định, đánh giá việc chỉ định điều trị; việc đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế đã được triển khai nhưng kết quả vẫn còn hạn chế; việc triển khai ứng dụng nghệ thông tin trong lĩnh vực BHYT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ còn gặp khó khăn do chưa nhận được sự phối hợp của đa số các cơ sở KCB....

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính

Đại diện lãnh đạo của các Bộ, ngành tham gia cuộc họp đều đánh giá cao nỗ lực và chia sẻ với những khó khăn của BHXH Việt Nam trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, các cấp công đoàn đang nỗ lực triển khai việc khởi kiện các đơn vị nợ BHXH. Thông qua giám sát tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT, còn một số địa phương, số người tham gia BHXH dưới 10% số lao động. Một số địa phương chưa thực sự vào cuộc trong thực hiện chính sách này, do vậy, mục tiêu, năm 2020 đạt 50% số người lao động tham gia BHXH là vô cùng cùng khăn.

Để đạt 50% số người lao động tham gia BHXH, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho rằng, Nhà nước cần xem xét tạo điều kiện cho người lao động, “giữ” người lao động không rời khỏi lưới an sinh, đặc biệt trong khu vực phi kết cấu. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đề xuất, đối với những người đến tuổi về hưu và chưa đủ điều kiện hưởng lương thì cho phép họ dùng lương hưu để “thế chấp”, tức là các khoản phải đóng sẽ được trừ dần vào lương hưu sau này.

Quyết liệt triển khai chức năng thanh tra chuyên ngành

Phát biểu kết luận, Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao nỗ lực của BHXH Việt Nam trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT – hai trụ cột trong chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Ngành BHXH đã chú trọng cải cách thủ tục hành chính, kiện toàn bộ máy, tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, Luật BHXH, Luật BHYT, Phó Thủ tướng chỉ đạo, lãnh đạo Ngành BHXH tiếp thu các ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, chủ động rà soát các văn bản hướng dẫn thi hành còn thiếu, đặc biệt về Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về hưu trí bổ sung, Nghị định về Giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; Nghị địnhhướng dẫn giải quyết nợ đọng của doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán theo Khoản 7 Điều 10 của Luật BHXH (sửa đổi); trợ cấp cho các nhóm đối tượng hưởng lương hưu ở mức thấp…

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao nỗ lực của BHXH Việt Nam
trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT

Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nội vụ, BHXH Việt Nam tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong cấp chữ ký số cho các cơ quan hành chính sự nghiệp.

Về công tác thu, chi BHXH, Phó Thủ tướng yêu cầu BHXH Việt Nam phân loại các địa phương đang có tỷ lệ tham gia BHXH thấp, có giải pháp đôn đốc cụ thể theo tình hình thực tế; đề xuất Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển BHXH đến từng địa phương; Quyết liệt trong việc triển khai thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế thực hiện tốt ủy nhiệm thu, liên thông dữ liệu nhằm hạn chế tối đa việc trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT; với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong cung cấp thông tin để khởi kiện doanh nghiệp vi phạm theo tội danh quy định trong Bộ Luật Hình sự (có hiệu lực từ 1/7/2016); Phối hợp chặt chẽ với Tổng Công ty Bưu điện đảm bảo chi trả an toàn cho người hưởng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị BHXH Việt Nam và Bộ Y tế phối hợp xây dựng đề án đấu thầu giá thuốc trong danh mục chi trả của BHYT để góp phần giảm, minh bạch giá thuốc, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.

Trước những khó khăn trong việc đảm bảo điều kiện làm việc tập trung cho các đơn vị trực thuộc và phục vụ công tác lưu trữ hồ sơ, bố trí hệ thống máy chủ, trung tâm dữ liệu của Ngành, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ đề nghị UBND các thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh rà soát quỹ đất, cấp cho BHXH Việt Nam hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh bày tỏ mong muốn các Bộ, cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ và tích cực hơn với cơ quan BHXH trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Toàn Ngành BHXH sẽ phấn đấu, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp an sinh xã hội của đất nước./.


Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam