"Gỡ vướng" cho BHYT hộ gia đình

15/06/2016 08:20 AM




Tăng cường tuyên truyền, vận động

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 412 đại lý thu BHYT tại 184 xã, phường, thị trấn. Hằng năm, BHXH tỉnh đều tổ chức tập huấn, sát hạch, cấp thẻ cho số đại lý mới nhằm bảo đảm các chủ đại lý đều nắm vững chủ trương, chính sách, lợi ích khi tham gia BHYT hộ gia đình, tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Chị Nguyễn Thị Thúy, nhân viên Bưu điện tỉnh, làm đại lý thu BHYT tại Bưu cục khách hàng lớn (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) từ đầu năm 2015 cho biết, bên cạnh việc tuyên truyền về BHYT hộ gia đình tại đại lý thì trong những lần đi cấp phát lương hưu, trợ cấp xã hội hằng tháng tại các phường trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột chị cũng tranh thủ phát tờ rơi, tuyên truyền về BHYT hộ gia đình. Tuy nhiên, từ đầu năm 2016 đến nay, do bắt buộc phải mua BHYT theo hộ gia đình nên số thẻ bán được ít vì phần lớn các hộ còn khó khăn về kinh tế.

Chị Hoàng Thị Mỹ (bên phải), đại lý thu tại Bưu điện văn hóa xã Cư Kty (huyện Krông Bông) tư vấn mua BHYT hộ gia đình cho người dân.

Không chỉ tại TP. Buôn Ma Thuột mà ở nhiều địa phương khác trong tỉnh, việc bán BHYT theo hộ gia đình hiện đang gặp khó khăn do kinh phí để mua thẻ cùng một lúc cho tất cả các thành viên trong gia đình khá cao. Do vậy, nhiều hộ vẫn chần chừ chưa tham gia. Chị Hoàng Thị Mỹ, quản lý Bưu điện Văn hóa xã Cư Kty (huyện Krông Bông), làm đại lý BHYT từ tháng 10-2015 cho biết: xã Cư Kty có 1.120 hộ, trong đó có hơn 500 hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí mới. Tuy thủ tục mua thẻ BHYT hộ gia đình đã đơn giản hóa hơn trước, người dân không cần phô tô sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy kết hôn, thẻ BHYT (nếu có)… của các thành viên trong gia đình mà chỉ cần kê khai và ký xác nhận vào mẫu đơn KD01 nhưng việc bán thẻ BHYT theo hộ gia đình vẫn chậm, số lượng ít. Từ đầu năm đến nay, đại lý mới chỉ bán được 70 thẻ.

Mặc dù vậy, có nhiều người dân đã nhận thấy lợi ích của BHYT hộ gia đình và sẵn sàng tham gia. Gia đình chị Phạm Thị Như Nga (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) có 5 người, ngoài bố, mẹ chị đã có BHYT theo đối tượng hưu trí, cả 3 người còn lại đều chưa có thẻ. Chị Nga chia sẻ: “Trước đây chỉ mình tôi mua BHYT vì bản thân thường xuyên đau ốm, có thẻ giúp giảm nhiều chi phí khám chữa bệnh, thuốc men. Sau khi được tuyên truyền về BHYT hộ gia đình chính là để chia sẻ rủi ro giữa cộng đồng những người tham gia, tuy điều kiện kinh tế còn khó khăn tôi vẫn mua cho cả 3 người”.

Cần lộ trình phù hợp

Ông Lê Xuân Khánh, Trưởng phòng Khai thác và thu nợ, BHXH tỉnh cho biết, trong năm 2015, toàn tỉnh bán được 121.000 thẻ BHYT tự nguyện, chỉ tăng 7.000 thẻ so với năm 2014, trong khi các năm trước đều tăng từ 10.000 – 20.000 thẻ/năm. Sở dĩ như vậy là vì phải mua theo hộ gia đình, một số người có nhu cầu mua thẻ để chữa bệnh, xong rồi không mua nữa. Điều này dẫn đến việc quỹ BHYT cho đối tượng tự nguyện luôn bội chi, mục đích chia sẻ rủi ro của bảo hiểm chưa đạt được. BHYT là hình thức bảo hiểm “lúc khỏe mua thẻ để tích lũy cho lúc ốm”, nhưng từ trước đến nay, đa số người dân đều “lựa chọn ngược”, tức là đến lúc ốm hoặc ốm nặng mới đi mua BHYT. Vì vậy phải “luật hóa” việc tham gia BHYT theo hộ gia đình nhằm khắc phục tình trạng trên và chia sẻ rủi ro với người khác.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, để thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân, ngành Y tế và BHXH Việt Nam đang tập trung tuyên truyền, tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục cho nhóm đối tượng hộ gia đình. Các địa phương trong cả nước đã tiến hành phát tờ kê khai đến các hộ để nắm thông tin những ai đã tham gia BHYT và những ai chưa tham gia, từ đó có cơ sở quản lý, theo dõi và vận động các gia đình tham gia BHYT trong thời gian tới. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đã ban hành Công văn số 2085/BHXH-BT, ngày 8-6-2015 về việc đơn giản thủ tục tham gia BHYT theo hộ gia đình, giảm bớt thủ tục hành chính rườm rà cho người dân; xây dựng phương thức đóng theo định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần thông qua đại lý thu và mức giảm trừ vẫn được áp dụng. Nhưng trên thực tế, có không ít hộ gia đình không khó khăn về kinh tế nhưng vẫn chưa tham gia BHYT. Do vậy về tổng thể cần có lộ trình phù hợp đối với diện tham gia BHYT hộ gia đình.

Có thể nói, thực hiện lộ trình BHYT toàn dân là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước, mang tính cộng đồng, nhân đạo cao nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân được tốt hơn. Vì vậy, mặc dù còn một số khó khăn nhưng nếu mỗi người dân cùng cộng đồng trách nhiệm thì chủ trương này sẽ sớm đi vào cuộc sống./.


Nguồn: Báo Đắk Lắk điện tử