Thực hiện BH thất nghiệp: Các cơ quan tăng cường phối kết hợp

16/06/2016 07:41 AM



Kết quả điều tra lao động việc làm vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, đến ngày 1/1/2016, cả nước có 54,61 triệu người thuộc lực lượng lao động, tăng 185.000 người so với cùng kỳ năm 2014, trong đó lao động nam chiếm 51,7%; lao động nữ chiếm 48,3%. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ước tính 48,19 triệu người, tăng 506,1 nghìn người so với cùng kỳ (lao động nam chiếm 54%; lao động nữ chiếm 46%). Đáng chú ý, tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2015 là 2,31% tăng 0,21% so với năm 2014 (năm 2014 là 2,10%), trong đó khu vực thành thị là 3,29% (năm 2014 là 3,40%); khu vực nông thôn là 1,83% (năm 2014 là 1,49%). Như vậy, tỉ lệ lao động thất nghiệp ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn.

Sau 7 năm triển khai thực hiện chính sách BH thất nghiệp, số lượng người tham gia BH thất nghiệp ngày càng tăng: Năm 2009, cả nước chỉ có 5,993 triệu người tham gia BH thất nghiệp với số thu 5.510,7 tỉ đồng; đến hết năm 2015, cả nước đã có 10,3 triệu người tham gia BH thất nghiệp với số thu 9.939,5 tỉ đồng và có hơn 1.921.819 lượt người hưởng trợ cấp BH thất nghiệp.

Theo nhận định của các chuyên gia, dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng trong quá trình thực hiện chính sách BH thất nghiệp vẫn còn những hạn chế như: Công tác tuyên truyền về chính sách BH thất nghiệp còn chưa được quan tâm đúng mức, do vậy nhiều NLĐ còn chưa rõ về chính sách BH thất nghiệp; thiếu cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cơ quan trong việc xác định đối tượng phải đóng BHXH nói chung và BH thất nghiệp nói riêng nên số lao động tham gia BH thất nghiệp còn thấp; nhiều DN trốn đóng, nợ đọng BHXH, dẫn đến quá trình hoàn thiện hồ sơ để giải quyết chính sách BH thất nghiệp cho NLĐ còn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn NLĐ mới chỉ quan tâm đến tiền trợ cấp thất nghiệp mà không chú ý đến quyền được tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề để quay trở lại thị trường lao động mới. Đặc biệt, sự phối kết hợp trong quá trình giải quyết chế độ BH thất nghiệp từ khâu tiếp nhận hồ sơ BH thất nghiệp đến việc chi trả TCTN cho NLĐ gặp nhiều khó khăn vì chưa có hệ thống phần mềm liên thông để kết nối dữ liệu về BH thất nghiệp giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm và cơ quan BHXH.

Để việc thực hiện tốt chính sách BH thất nghiệp và khắc phục những hạn chế cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách về BH thất nghiệp với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao nhận thức về BH thất nghiệp, nhất là NLĐ ở vùng sâu, vùng xa, ở các DN vừa và nhỏ.

Tổ chức các hội nghị tập huấn cho cán bộ thực hiện chính sách BH thất nghiệp, cán bộ nhân sự tại các DN. Xây dựng và thực hiện các biện pháp để quản lý lao động, làm cơ sở cho việc xác định và nắm chắc đối tượng tham gia BH thất nghiệp, thực hiện các chế độ BH thất nghiệp. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, hành vi lạm dụng chính sách BH thất nghiệp để trục lợi. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách BH thất nghiệp. Xây dựng phần mềm liên thông quản lý lao động để chống lạm dụng quỹ BH thất nghiệp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện BH thất nghiệp của DN. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan có liên quan: Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam, Bộ Tài chính, Liên đoàn Lao động Việt Nam… trong việc thực hiện chính sách BH thất nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho NLĐ khi tham gia và thụ hưởng chính sách BH thất nghiệp./.


Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội