Triển khai thực hiện hiệu quả Luật BHXH, Luật BHYT

27/06/2016 01:38 AM



Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn phát biểu tại Hội nghị

Cùng dự hội nghị có đại diện các cơ quan Trung ương tại TP.HCM như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Ban Tôn giáo Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy khu vực phía Nam.

Phát biểu tại hội nghị ông Phạm Lương Sơn cho biết: Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã kịp thời bám sát các giải pháp điều hành của Chính phủ, chủ động chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, khắc phục những khó khăn, tháo gỡ những vướng mắc và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Ông Đỗ Ngọc Thọ- Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) thông tin: Tính đến tháng 6/2016, cả nước có 12.506.000 người tham gia BHXH; trong đó, tham gia BHXH bắt buộc 12.315.000 người, BHXH tự nguyện 191.000 người, BH thất nghiệp 10.477.000 người.

Sáu tháng đầu năm, số thu BHXH là 78.015 tỷ đồng đạt 49,24% so với kế hoạch cả năm Chính phủ giao. Tính đến 31/5/2016, số nợ BHXH bắt buộc là 9.918 tỷ đồng, nợ BH thất nghiệp là 623 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Đỗ Ngọc Thọ cũng nêu ra một số vướng mắt như: Việc văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH còn chậm dẫn đến một số quy định của Luật BHXH chậm được triển khai, ảnh hưởng đến quyền lợi NLĐ, tạo áp lực lớn lên cơ quan BHXH. Tuy số người tham gia BHXH có tăng so với năm 2015 (khoảng 220.000 người) nhưng tốc độ tăng chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và còn thấp so với yêu cầu đặt ra. Tình trạng trốn đóng BHXH vẫn diễn ra khá phổ biến, nợ BHXH vẫn ở mức cao…

Từ những vướng mắt trên, ông Thọ kiến nghị: Chính phủ giao các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện một số chính sách mới mà quy định tại Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chưa bao quát hết. Đề nghị các Bộ được giao chủ trì xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Luật sớm ban hành các văn bản còn thiếu để cơ quan BHXH có căn cứ tổ chức thực hiện. Các bộ, ngành liên quan sớm nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ giải pháp xử lý doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ (nợ kéo dài, giải thể, phá sản...) hoặc chủ bỏ trốn để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ.

Đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường vai trò đại diện tại các doanh nghiệp; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo vệ quyền lợi của NLĐ; hướng dẫn các cấp công đoàn thực hiện khởi kiện về BHXH theo quy định của Luật…

Toàn cảnh các đại biểu dự Hội nghị

Liên quan đến lĩnh vực BHYT, ông Lê Văn Phúc- Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT cho biết: Năm 2016, đã có trên 70,8 triệu đối tượng tham gia BHYT, tăng khoảng 0,83 triệu, tương đương với 1,2 % so với năm 2015.

Ông Lê Văn Phúc cũng nêu một số khó khăn vướng mắc trong phát triển đối tượng tham gia BHYT như: Việc huy động các nguồn lực tài chính để hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT, trước mắt là hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại. Lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế chưa đảm bảo sự công bằng giữa những người bệnh có thẻ BHYT và người chưa tham gia BHYT, chưa tạo được động lực khuyến khích người dân tham gia BHYT. Chưa có giải pháp phù hợp để đảm bảo quyền lợi được tham gia BHYT cho các đối tượng sinh sống ở các vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thuộc diện vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn đã có trong danh sách được phê duyệt theo Quyết định 539/QĐ-TTg ngày 01/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa được xác định lại trong danh sách được phê duyệt theo Quyết định số 1049/QĐ-TTG ngày 26/6/2014 và Quyết định số 12/QĐ-TTG ngày 11/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại hội nghị, một số ý kiến đại biểu đã thắc mắc về BHYT hộ gia đình, vấn đề thiệt thòi của đối tượng đóng BHXH là cán bộ không chuyên trách ở xã phường thị trấn..., đều được đại diện BHXH Việt Nam giải thích, trả lời.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn nhấn mạnh: Trong 6 tháng cuối năm, toàn Ngành tập trung phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và cấp ủy đảng, chính quyền địa phương để chủ động triển khai các giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật Vệ sinh an toàn lao động, Luật Dược... Xây dựng các giải pháp, chuẩn bị các nguồn lực để thực hiện mục tiêu bao phủ BHYT năm 2016 và giai đoạn 2015 – 2020 ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định điều chỉnh.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC; đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý, trong đó tập trung xây dựng và hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, hoàn thành việc lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT và vận hành hệ thống thông tin giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT trước ngày 30/6/2016.

BHXH Việt Nam cũng phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH, Thanh tra Chính phủ thực hiện giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH của DN tại một số địa phương.

Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tích cực phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn triển khai thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển đối tượng; thu đúng, đủ, kịp thờ; giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho NLĐ; ngăn ngừa hành vi lạm dụng, trục lợi; đảm bảo cân đối quỹ, phấn đấu hoàn thành kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao./.


Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội