Đấu thầu vật tư y tế phục vụ KCB BHYT: Nhiều khó khăn

27/06/2016 01:49 AM




Bà Nguyễn Thị Hồng Vân- Phó Trưởng ban Dược và Vật tư y tế (BHXH Việt Nam) cho biết: Trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để hướng dẫn, chỉ đạo, tháo gỡ các vướng mắc, góp phần đảm bảo tính thống nhất trong quá trình thực hiện thanh toán vật tư y tế (VTYT) giữa cơ quan BHXH và cơ sở KCB, đảm bảo cung ứng VTYT cho người bệnh theo đúng quy định và tiết kiệm, hiệu quả.

So với đấu thầu thuốc, thì việc đấu thầu tập trung VTYT chưa nhiều - ảnh minh họa

Đánh giá chi VTYT (thanh toán ngoài giá dịch vụ kỹ thuật) cho thấy, do ứng dụng, triển khai DVKT mới tại nhiều cơ sở KCB, chi VTYT đã gia tăng trong thời gian gần đây. Năm 2013, quỹ BHYT chi VTYT 1.738,8 tỷ đồng, bằng 3,9 % tổng chi phí KCB BHYT; năm 2014, con số này là 2.223,1 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 4,5%; năm 2015 chi 2.955,4 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 5,6%.

Trong năm 2015, VTYT sử dụng thực tế tập trung vào một số nhóm, loại lớn như: Thủy tinh thể nhân tạo; giá đỡ (stent); khớp, ổ khớp (khớp háng, khớp gối); bộ tim phổi nhân tạo (thường, ECMO); bóng nong (balloon); dù (amplatzer); máy tạo nhịp; dụng cụ (máy) cắt nối tự động sử dụng trong kỹ thuật Longo; dụng cụ (máy) cắt, khâu nối tự động; đinh, nẹp, ốc, vít, lồng dùng trong phẫu thuật xương các loại; van tim nhân tạo; van động mạch nhân tạo…

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc trong việc quản lý, cung ứng, giám định và thanh toán chi phí VTYT. Mặc dù, phần chi phí được chi trả bổ sung ngoài giá dịch vụ kỹ thuật không lớn, nhưng VTYT sử dụng trong KCB BHYT rất phức tạp, nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật, phụ thuộc vào cải tiến, công nghệ y tế của các hãng sản xuất (liên tục thay đổi). Cụ thể, tên gọi một số loại VTYT chưa quy chuẩn, khó quản lý, việc sử dụng phụ thuộc vào nhu cầu của thầy thuốc. Giá cả của một số loại VTYT thường có giá trị lớn; một số loại có nhiều chủng loại, có dải giá rộng; giá cả biến động nhiều giữa các địa phương, đòi hỏi phải tập trung tăng cường quản lý để đảm bảo hiệu quả sử dụng quỹ BHYT, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho người bệnh BHYT.

Việc tổ chức đấu thầu, hình thức đấu thầu VTYT cũng giống như đấu thầu thuốc, các địa phương và cơ sở KCB đấu thầu VTYT theo các hình thức đấu thầu tập trung tại Sở Y tế, đấu thầu đại diện tại một BVĐK tuyến tỉnh, đấu thầu riêng lẻ tại từng cơ sở KCB. Trong đó chủ yếu các địa phương thực hiện đấu thầu tập trung. Tuy nhiên, so với đấu thầu thuốc, thì việc đấu thầu tập trung VTYT chưa nhiều, dẫn đến khó khăn hơn cho công tác quản lý, thanh toán VTYT tại các cơ sở KCB, nhất là tại các địa phương đấu thầu đơn lẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Vân, việc đấu thầu còn khó khăn do có nhiều hội đồng đấu thầu; đồng thời việc đấu thầu VTYT phức tạp, gặp khó do chưa có Thông tư quy định riêng về đấu thầu VTYT. Thực tế cho thấy, giá VTYT giữa các địa phương có mức chênh lệch lớn (giữa các hãng, giữa các chủng loại của cùng một hãng…) hoặc cùng một loại của cùng một hãng, cùng nước giá cũng khác nhau giữa các cơ sở KCB trên cùng địa bàn hoặc giữa các tỉnh. Ví dụ, mặt hàng stent động mạch vành loại phủ thuốc Biomin, do hãng Meril Ấn Độ sản xuất trúng thầu ở BV 103, BV 19-8 (Hà Nội) là 37 triệu đồng/cái, trong khi đó trúng thầu ở Phú Thọ giá 58,6 triệu đồng/cái.

Do chưa có sự thống nhất, nên một số địa phương lại áp dụng mức giá tối đa khác nhau (ngay cả tại các cơ sở KCB trên cùng một địa bàn) đối với các VTYT đã được quy định mức giá thanh toán tối đa, dẫn đến quyền lợi người bệnh chưa thống nhất giữa các địa phương, cơ sở KCB. Chẳng hạn, việc thanh toán thủy tinh thể nhân tạo ở nhiều địa phương thống nhất mức giá tối đa khác nhau theo từng cơ sở KCB, khác nhau giữa các địa phương, như Kiên Giang, Cà Mau, Thái Bình, Ninh Bình, Tuyên Quang, Tiền Giang, Thanh Hóa, Gia Lai, An Giang, Bình Định, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Long An, Đồng Nai, Quảng Bình… Điều này dẫn đến quyền lợi của người bệnh khác nhau nhiều giữa các địa phương.

BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các địa phương chủ động đánh giá, báo cáo kịp thời các bất cập, hạn chế trong kết quả đấu thầu VTYT tại địa phương về BHXH Việt Nam; phối hợp với cơ sở KCB, Sở Y tế, đơn vị đấu thầu tập trung cấp địa phương khắc phục các tồn tại của đấu thầu VTYT; thực hiện giám định điều kiện thanh toán VTYT và phối hợp với cơ sở KCB trong kiểm soát việc mua VTYT căn cứ kết quả đấu thầu.

Ngoài ra, BHXH Việt Nam đề nghị cơ sở KCB tổ chức đấu thầu, mua sắm VTYT kịp thời đáp ứng yêu cầu chẩn đoán, điều trị, không để người bệnh BHYT phải tự mua ngoài./.


Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội