Diễn đàn đối thoại chính sách Luật BHXH mới

14/07/2016 01:04 AM




Tham dự diễn đàn có lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, đại diện BHXH Việt Nam, Liên đoàn Lao động, Sở LĐ-TB&XH, BHXH một số tỉnh, thành phố.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Minh Huân- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Chính sách BHXH là một trong những trụ cột quan trọng của ASXH. Luật BHXH 2014 đã giải quyết 6 vấn lớn hiện nay. Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, nhưng 3/4 số người trong độ tuổi lao động chưa có lưới an sinh (cả nước mới có 12,5 triệu người tham gia BHXH), do đó việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH là nhiệm vụ quan trọng nhất Luật BHXH hướng tới…

Thông tin về Luật BHXH 2014, ông Trần Hải Nam- Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Từ khi có hiệu lực, Luật BHXH cơ bản đáp ứng nhu cầu của NLĐ, người SDLĐ và các bên liên quan. Trong đó, đã mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT; tăng mức trợ cấp ốm đau; mở rộng chế độ thai sản cho nam giới khi vợ sinh con; thay đổi tham số tính lương hưu theo hướng tăng dần thời gian đóng BHXH để đạt tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa; tăng tỉ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi… Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc về yêu cầu mở rộng đối tượng thụ hưởng, phạm vi áp dụng của BHXH, việc chuyển đổi tiền lương tháng đóng BHXH (bao gồm cả phụ cấp) làm tăng chi phí cho người SDLĐ, thay đổi quyền và trách nhiệm, lợi ích của các bên tham gia, một số quy trình thủ tục và hồ sơ mới gây lúng túng cho NLĐ và DN…

Cũng theo ông Trần Hải Nam, việc hình sự hóa tội danh trốn đóng BHXH chỉ áp dụng với những DN cố tình chây ì, trốn đóng BHXH cho NLĐ; còn các DN vì khó khăn hoặc vì nguồn tiền kinh doanh chưa về kịp nên chậm đóng BHXH cho NLĐ thì cơ quan BHXH từ trước tới nay vẫn tạo điều kiện để DN từng bước thực hiện. Tuy nhiên, việc chậm đóng hay trốn đóng sẽ rất khó phân biệt. “Vụ BHXH sẽ tham mưu với Bộ Tư pháp để có hướng dẫn rõ ràng, phù hợp, tránh áp dụng máy móc vấn đề này”- ông Nam cho biết.

Đánh giá về những cải cách BHXH của Việt Nam, bà Celine Peyron Bista- chuyên gia cao cấp về ASXH (văn phòng ILO) cho biết: Tốc độ già hóa dân số tại Việt Nam tăng nhanh, số người trong  độ tuổi nghỉ hưu cũng tăng rất nhanh (năm 2030 đạt 21 triệu người) điều đó có nghĩa tỉ lệ phụ thuộc của NCT sẽ tăng 35,6% (1/3 dân số Việt Nam sẽ là NCT). So với các nước Đông Nam Á thì tốc độ già hóa của Việt Nam cao hơn rất nhiều và hậu quả của già hóa dân số quá nhanh là vào năm 2022, số tiền đóng vào quỹ BHXH sẽ không còn đủ để chi trả cho người nghỉ hưu. Bà Celine Peyron Bista phân tích: “Hệ thống BHXH Việt Nam là thực thu thực chi, có nghĩa từ năm 2022 phần đóng góp từ NLĐ, người SDLĐ sẽ không còn đủ để chi trả lương hưu cho NLĐ và phải sử dụng quỹ dự trữ. Như vậy, vào năm 2034, ngân sách nhà nước sẽ phải bù phần thiếu hụt này”.

Cũng theo bà Celine Peyron Bista, một trong những kết quả đạt được lớn nhất của Việt Nam là mở rộng diện bao phủ BHXH đối với lao động là người nước ngoài và đây cũng là xu hướng chung của các nước ASEAN. Tuy nhiên, Việt Nam cần hướng đến công bằng trong tiếp cận BHXH cho tất cả mọi người dân, bình đẳng trong việc đóng- hưởng BHXH, cải cách các thông số liên quan đến tính bền vững của hệ thống hưu trí mà cụ thể là tuổi nghỉ hưu và tỉ lệ hưởng hằng năm./.


Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội