Sẽ nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình

18/07/2016 03:40 AM




Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá: Phòng khám BSGĐ là một mô hình hay trên thế giới nhưng việc triển khai thực hiện ở nước ta còn vướng mắc và chưa thông suốt, tiến độ thực hiện còn chậm, chưa tạo được chuyển biến.

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, tính đến tháng 12/2015 đã thành lập được 240 phòng khám BSGĐ tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, vượt chỉ tiêu đề ra. Trong đó có 234 phòng khám BSGĐ công lập gắn với cơ sở khám chữa bệnh thuộc bệnh viện, phòng khám đa khoa công lập, trạm y tế (chiếm 98,33%), đã thực hiện thanh toán BHYT do các cơ sở KCB này đang được tham gia cung cấp dịch vụ KCB BHYT. Mặc dù mới thành lập, các phòng khám BSGĐ đã tổ chức hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám BSGĐ theo mô hình của Bộ Y tế quy định: Thực hiện KCB, phục hồi chức năng, khám sàng lọc và bước đầu quản lý sức khỏe cho các cá nhân và gia đình và cộng đồng, hướng tới quản lý toàn diện và liên tục. Tại các phòng khám BSGĐ, người dân được tư vấn chu đáo, hướng dẫn tận tình.

Theo Bộ Y tế, một số Phòng khám BSGĐ có hoạt động rất tốt, như Phòng khám đa khoa tư nhân Thành Công, Phòng khám BSGĐ tại Bệnh viện Quận 2, TP.Hồ Chí Minh đã sử dụng bệnh án điện tử, phần mềm quản lý phòng khám, thường xuyên tổ chức hội chẩn trực tuyến...

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, hiện nay, mô hình bệnh tật ở nước ta là mô hình bệnh tật kép, các bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng vẫn ở mức khá cao, trong khi nhóm các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích tăng nhanh dẫn đến nhu cầu KCB của người dân ngày càng tăng; việc sàng lọc, theo dõi, quản lý, điều trị bệnh mạn tính tại cộng đồng là hết sức cần thiết, đòi hỏi việc nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở ngày càng trở nên cấp bách. Từ thực tiễn bước đầu tiếp cận mô hình BSGĐ ở nước ta và kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy, nếu phát triển mô hình BSGĐ sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp tư vấn, sàng lọc bệnh tật cho người dân ngay tại cộng đồng, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.

Để tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình, giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu chung của Kế hoạch là đến năm 2020, nhân rộng và phát triển phòng khám BSGĐ trên phạm vi toàn quốc nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm quá tải bệnh viện.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Mô hình BSGĐ trước mắt được tích hợp vào hoạt động của các trạm y tế xã, phường là hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện, từ đầu, liên tục, gần dân nhất, chăm sóc toàn bộ các thành viên trong gia đình theo nhóm dân cư. Điều đó không có nghĩa là BSGĐ chỉ đến tận nhà dân khám chữa bệnh mà chỉ là một trong những hoạt động khi bệnh nhân già yếu hoặc không đi lại được, BSGĐ có quyền chuyển tuyến khi cần thiết.

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo và đầu tư hơn nữa cho y tế cơ sở nói chung và phát triển bác sỹ gia đình nói riêng theo định hướng, kế hoạch của Bộ Y tế; Chủ tịch UBND 8 tỉnh, thành phố: TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Tiền Giang tiếp tục chỉ đạo Sở Y tế phát huy kết quả bước đầu, triển khai quyết liệt mô hình phòng khám BSGĐ tại địa phương, lựa chọn một số đơn vị (trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám BSGĐ tư nhân) để xây dựng mô hình phòng khám BSGĐ hoàn chỉnh, làm điển hình nhân rộng tại địa phương và cả nước…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, vấn đề cần làm hiện nay là tăng cường năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu (bao gồm cả phòng bệnh, khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe theo đúng quy định của pháp luật) cho trạm y tế cơ sở. Đồng thời có mức độ phân biệt rõ ràng giữa các trạm y tế ở nông thôn, đặc biệt là miền núi với trạm y tế ở thành phố. Hiện nay, ở TP, nhiều nơi có trạm y tế xây dựng khang trang nhưng không có bệnh nhân đến khám, còn ở miền núi không có trạm y tế./.


Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội