Bảo hiểm xã hội tự nguyện đem lại lợi ích thiết thực

04/08/2016 09:21 AM




Đóng BHXH một lần là có sổ hưu

Ông Trần Văn Lụa, 64 tuổi, ở xã Bình Hòa, H.Krông Ana (Đắk Lắk), từ năm 1996 tham gia công tác ở địa phương, giữ các vị trí lãnh đạo đảng ủy, UBND xã. Tháng 11.2011, ông Lụa đến tuổi nghỉ hưu theo quy định, về làm thành viên Hợp tác xã dịch vụ Quảng Tân cho đến tháng 12.2013. Ông có 17 năm 10 tháng đóng BHXH bắt buộc trong thời gian công tác. Trong hai tháng 1 và 2.2014 ông Lụa không đóng BHXH nhưng từ tháng 3.2014 đến tháng 4.2016 đã tham gia BHXH tự nguyện theo hình thức đóng hàng tháng. Đầu tháng 5.2016, ông Lụa nhận chế độ hưu trí.

Từ năm 2016, khi có những quy định mới về BHXH tự nguyện (Nghị định 134/2015/NĐ - CP của Chính phủ), nhiều người đã chọn hình thức đóng BHXH 1 lần để có thể hưởng lương hưu ngay sau đó. Bà Nguyễn Thị Xuân, 58 tuổi, ở phường Tân Lợi, TP.Buôn Ma Thuột, trước đây là giáo viên THCS, đóng BHXH liên tục từ tháng 10.1997 đến tháng 1.2013 thì đủ tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, bà Xuân chỉ mới đóng BHXH bắt buộc được 15 năm 4 tháng. Tính ra, để hưởng chế độ hưu trí, đến tháng 9.2017, bà Xuân mới đóng tròn 20 năm BHXH. Nhưng từ tháng 2.2013, bà Xuân tham gia BHXH tự nguyện, với hình thức đóng hàng tháng; đến tháng 5.2016, bà đóng 1 lần 21 tháng với số tiền hơn 20 triệu đồng. Từ tháng 6.2016, bà Xuân đã có sổ hưu theo quyết định của BHXH tỉnh.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Sâm, ở phường Khánh Xuân, TP.Buôn Ma Thuột, làm giáo viên từ tháng 5.1996, đến tháng 7.2013 đủ 55 tuổi nghỉ công tác. Tuy nhiên, bà Sâm chỉ mới đóng BHXH bắt buộc được 17 năm 3 tháng. Để đủ 20 năm tính lương hưu, bà Sâm tham gia BHXH tự nguyện từ tháng 8.2013 đến tháng 4.2016 và từ tháng 5.2016 bà đã nhận lương hưu.

Bà Nguyễn Thị Khoa, Trưởng phòng Chế độ BHXH - BHXH tỉnh Đắk Lắk, cho biết đối với lao động đã tham gia BHXH bắt buộc, không có điều kiện đi làm nữa (đã hết tuổi lao động) thì đóng BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm. Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng: đóng hàng tháng, đóng 3 tháng một lần, đóng 6 tháng một lần, đóng 12 tháng một lần, đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần.

Theo Nghị định 134/2015/NĐ-CP, từ năm 2016, nếu người tham gia thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng), thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Việc đóng sẽ được thực hiện một lần cho những năm còn thiếu đối với điều kiện người tham gia BHXH đã đủ tiêu chuẩn về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định. “BHXH tự nguyện đem lại thuận lợi cho người hưởng, người lao động không phải chờ đợi lâu. Trước đây, người có 10 năm công tác thì phải giải quyết chế độ một lần, hoặc đóng tiếp BHXH hàng tháng, hàng năm để nghỉ hưu, còn hướng mới là đóng một lần có thể nghỉ hưu nên được người lao động rất ủng hộ”, bà Khoa nói.

Theo bà Khoa, nếu người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm thì được tiếp tục đóng BHXH tự nguyện theo một trong các phương thức quy định trên cho đến khi thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm. Lúc đó, người tham gia BHXH được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu (theo diện thiếu không quá 10 năm như trên).

Mở rộng diện tham gia BHXH tự nguyện

Theo Phòng Quản lý thu BHXH tỉnh Đắk Lắk, năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 1.556 người tham gia BHXH tự nguyện với số tiền đóng gần 6,6 tỉ đồng. Ông Huỳnh Kim Tưởng, Phó trưởng Phòng Quản lý thu, cho biết qua thống kê, phần lớn người tham gia BHXH tự nguyện trước đó đã tham gia BHXH bắt buộc, đến tuổi nghỉ hưu (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) nhưng không đủ 20 năm đóng BHXH.

Theo ông Tưởng, phần lớn người dân chưa tham gia BHXH tự nguyện do chưa thấy hết lợi ích của loại hình BHXH này. “Còn những hạn chế trong việc triển khai BHXH tự nguyện do chính sách còn mới, công tác tuyên truyền, phổ biến chưa sâu rộng, người dân chưa mạnh dạn tham gia. Các đại lý BHXH ở cơ sở cũng chưa tích cực, chủ động, chưa có biện pháp đẩy mạnh khai thác việc tham gia BHXH tự nguyện ở người dân”, ông Tưởng đánh giá. Ngoài ra, ông Tưởng cho rằng bản thân chính sách BHXH tự nguyện cũng có mặt hạn chế, chưa thực sự hấp dẫn người dân do bó hẹp trong 2 chế độ hưu trí và tử tuất. Trong khi đó, thu nhập phần lớn người lao động chưa ổn định, mức đóng còn cao (22%) khiến không ít người ngần ngại tham gia.

Để mở rộng diện tham gia BHXH tự nguyện, theo ông Tưởng, trong thời gian tới, BHXH các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, chế độ liên quan. BHXH tỉnh sẽ tham mưu với UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo rộng rãi đến các ngành, các địa phương về triển khai thực hiện BHXH tự nguyện; cùng các sở, ngành liên quan tổ chức đối thoại, trao đổi, tư vấn với người dân. Mặt khác, BHXH các cấp cũng tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng của đội ngũ đại lý thu BHXH ở các xã, phường; nhất là kỹ năng tiếp xúc, tuyên truyền, giới thiệu chính sách BHXH, thuyết phục người dân tham gia BHXH tự nguyện. “BHXH cũng đang kiến nghị các bộ, ngành liên quan mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện ngoài hai chế độ hưu trí và tử tuất, thêm các chế độ, quyền lợi như người đóng BHXH bắt buộc hiện nay như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”, ông Tưởng chia sẻ.

Luật BHXH quy định: BHXH tự nguyện là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Nhiều điểm mới về BHXH tự nguyện
Nghị định 134/2015/NĐ-CP về BHXH tự nguyện có hiệu lực từ ngày 1.1.2016 ngoài quy định tỉ lệ hưởng hưu trí và tử tuất giống Nghị định 115/2015/NĐ-CP về BHXH bắt buộc, còn có nhiều ưu điểm: phương thức và thời gian đóng BHXH linh hoạt, không giới hạn tuổi tham gia, người tham gia được hỗ trợ của Nhà nước.

Đa dạng các mức đóng: Mức đóng BHXH tự nguyện được quy định: đóng hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

Mức đóng 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng một lần được xác định bằng mức đóng hàng tháng nhân với 3 đối với phương thức đóng 3 tháng; nhân với 6 đối với phương thức đóng 6 tháng; nhân với 12 đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.

Mức đóng một lần cho nhiều năm về sau được tính bằng tổng mức đóng của các tháng đóng trước, chiết khấu theo lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

Mức đóng một lần cho những năm còn thiếu được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng: Từ ngày 1.1.2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn. Cụ thể: bằng 30% đối với người thuộc hộ nghèo; 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ: 10 năm tham gia BHXH tự nguyện cho mỗi người./.


Nguồn: Theo thanhnien.vn