Công tác tuyên truyền BHXH, BHYT: Cụ thể, thiết thực và dễ hiểu

09/08/2016 09:22 AM



Tuyên truyền gắn với phát triển đối tượng

Trong thời gian gần đây, công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Song thực tế vẫn còn nhiều người dân, nhóm đối tượng chưa nhận biết và hiểu hết được bản chất nhân văn, nhân đạo của chính sách này. Rất nhiều người ít có thời gian và điều kiện tiếp cận với các phương tiện truyền thông hiện đại nên kênh tuyên truyền chính vẫn là thông qua các tuyên truyền viên.

Thực tế, tuyên truyền trực tiếp thông qua các đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT tự nguyện (đại lý xã, đại lý bưu điện…) đã giúp ngành BHXH phát triển các đối tượng tham gia. Nhiều đại lý bám sát địa phương, nắm chắc đối tượng, xuống trực tiếp từng hộ dân để vận động người dân tham gia.

Tuy vậy, PGS.TS.Giang Thanh Long- Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý (ĐH Kinh tế quốc dân) cho rằng, tại một số địa bàn, hiệu quả tuyên truyền qua các đại lý thu ở xã, phường vẫn còn hạn chế. “Vừa qua, chúng tôi tiến hành điều tra tại 8 tỉnh về BHYT. Kết quả điều tra cho thấy, nhiều người dân nắm bắt thông tin về BHXH, BHYT chủ yếu nhờ vào chính quyền địa phương, từ các trạm y tế xã, tờ rơi, áp phích. Còn tỷ lệ người dân được tuyên truyền qua các đại lý thu đạt kết quả khá thấp. Có nơi, đại lý thu thuần túy chỉ là nơi tiếp nhận đăng ký đối tượng tham gia khi có nhu cầu”, PGS.TS.Giang Thanh Long dẫn chứng.

Không chỉ đại lý xã, phường, mà đại lý thu BHXH, BHYT của bưu điện cũng phát huy chưa tốt vai trò trong việc tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT tới người dân. Ông Tô Trung Phong- Giám đốc BHXH huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cho biết, ở huyện Phúc Thọ, các đại lý bưu điện chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc phát triển đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình. Toàn huyện hiện có 24 đại lý bưu điện nhưng việc mở rộng thêm được đối tượng còn chậm. Một trong những nguyên nhân là do số lượng cán bộ bưu điện ít, trong khi khối lượng công việc nhiều dẫn đến việc tuyên truyền, mở rộng đối tượng chưa hiệu quả.

Trước tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, cần có giải pháp vừa khuyến khích, vừa “ràng buộc” các đại lý thu BHXH, BHYT tự nguyện làm tròn trách nhiệm, thậm chí có thể thanh lý hợp đồng với cán bộ đại lý nếu không đạt chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia. Như tại huyện Phúc Thọ, BHXH huyện đã làm việc, yêu cầu Bưu điện huyện chấn chỉnh nhân viên các đại lý của mình, đồng thời Bưu điện huyện cần giao chỉ tiêu “cứng” mở rộng số đối tượng tham gia BHXH, BHYT cho từng đại lý.

Nhân rộng mô hình tuyên truyền

Nâng cao nhận thức về BHXH, BHYT cho người dân và DN là một trong những cách hiệu quả nhất để phát triển và mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Tại các địa phương, sự phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể trong việc thực hiện công tác tuyên truyền đã mang lại hiệu quả tích cực.

Ông Bùi Ngọc Hà- Phó Giám đốc BHXH TP.Hà Nội cho biết, trên địa bàn có số lượng công nhân, NLĐ di cư lớn nên công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho đối tượng này luôn được BHXH Thành phố, Sở LĐ-TB&XH, Công đoàn KCN&CX tổ chức hằng tháng ngay tại các KCN- KCX.
Qua các buổi tuyên truyền, mọi thắc mắc về quyền lợi BHXH, BHYT liên quan trực tiếp đến NLĐ sẽ được giải thích một cách thỏa đáng tại chỗ hoặc ghi nhận để nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết. Các buổi nói chuyện cũng là dịp giúp các DN quan tâm hơn tới quyền lợi của NLĐ, thực hiện đúng các chính sách pháp luật, từ đó góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại các DN.

“NLĐ thường quan tâm tới các vấn đề như: Hưởng trợ cấp một lần, mức bình quân tiền lương đóng BHXH, các khoản phụ cấp và trợ cấp, thủ tục để hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN, hưu trí... Nếu cán bộ phụ trách BHXH của DN không hiểu rõ, hiểu đúng, hoặc thiếu trách nhiệm sẽ khiến NLĐ vô cùng thiệt thòi, bởi bản thân họ thường ít hiểu biết về các thủ tục, chính sách và không trực tiếp làm việc với cơ quan BHXH. Cũng vì thiếu hiểu biết về chính sách BHXH, BHYT nên đôi khi NLĐ hiểu lầm, hiểu sai dẫn đến bức xúc, kiện cáo không đúng... Trên thực tế, việc đối thoại trực tiếp về chính sách BHXH, BHYT có kết quả khá tốt, công nhân, NLĐ nhiệt tình hưởng ứng tham gia, trao đổi với nhiều ý kiến rất chân thành, thẳng thắn về công tác BHXH, BHYT nói chung và đóng góp ý kiến với các cán bộ BHXH nói riêng; NLĐ từ chỗ được tuyên truyền đã trở thành người tuyên truyền cho các thành viên trong gia đình, bạn bè về BHYT, BHXH tự nguyện”, ông Hà nhận định.

Tương tự, thời gian qua tại các địa phương khác như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng…, các chương trình đối thoại chính sách cũng được tổ chức sâu rộng tại các KCN, KCX và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Tại Thanh Hóa, BHXH tỉnh và chính quyền địa phương đã có sự phối hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH, BHYT bằng các phương thức đa dạng. Không chỉ thực hiện thường xuyên việc đối thoại với NLĐ, BHXH tỉnh còn tổ chức các cuộc thi sân khấu hóa về chính sách và thi viết tìm hiểu về chế độ BHXH, BHYT tại các xã, phường, thị trấn.

Ông Nguyễn Văn Tám- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Thanh Hóa cho biết: Với mục đích truyền tải sâu hơn, rộng hơn đến mọi đối tượng, chúng tôi đã mở rộng hình thức tham gia tìm hiểu chính sách pháp luật về BHXH, BHYT. Người dân sẽ là người trực tiếp tìm hiểu về các chính sách, sau đó thể hiện ý kiến, nguyện vọng trong chính “tác phẩm” sân khấu của mình. Thông qua đó, họ không chỉ tự nâng cao nhận thức về BHXH, BHYT mà còn là “tuyên truyền viên” tích cực cho cộng đồng dân cư, cơ quan, gia đình nơi mình đang sinh sống.

Bên cạnh đó, sự quan tâm, đồng hành của chính quyền địa phương cũng là một trong những yếu tố quan trọng để kết nối người dân với cơ quan BHXH. Ông Nguyễn Ngọc Thức- Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) chia sẻ: Ở nông thôn, nhận thức của người dân về các chính sách, pháp luật trong đó có chính sách BHXH, BHYT cũng như lợi ích mà các chính sách này mang lại còn hạn chế. Vì vậy, rất khó để thuyết phục họ tham gia BHXH tự nguyện hay tham gia BHYT cho bản thân và gia đình. Chỉ khi tự họ hiểu, tự trải nghiệm mới có thể tự giác tham gia, vừa đảm bảo quyền lợi cho mình, vừa sẻ chia vì cộng đồng- cũng là mục đích và ý nghĩa nhân văn cốt lõi của BHXH, BHYT. Hay nói cách khác, sân khấu hóa các chính sách sẽ giúp người dân tiếp cận một cách trực quan sinh động, trực tiếp, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.

Đơn cử, tại huyện Thọ Xuân, trong tháng phát động cuộc thi Tìm hiểu chính sách pháp luật về BHXH, BHYT đã có hơn 3.000 bài dự thi viết, 41 tiểu phẩm với sự hưởng ứng và tham gia của đông đảo bà con là nông dân, công nhân, cán bộ tại 41 xã, thị trấn trên địa bàn huyện…

Lan tỏa những giá trị cốt lõi

Như vậy, từ thực tiễn các địa phương cho thấy: Công tác tuyên truyền luôn giữ vai trò quan trọng, luôn đi trước một bước bởi có thay đổi nhận thức mới thay đổi được thái độ, hành vi. Người dân, NLĐ và DN có nhận thức đầy đủ về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp mới tự giác, tích cực và chủ động tham gia. Vấn đề là cần tuyên truyền cụ thể và dễ hiểu để tăng số người tham gia, tăng diện bao phủ về BHXH, BHYT thực hiện lộ tình tiến tới BHXH cho mọi NLĐ và BHYT toàn dân.

Tuy nhiên, hiện nay trên thực tế, vẫn còn một số chủ SDLĐ chưa nhận thức đầy đủ về chính sách BHXH, BHYT. PGS.TS.Giang Thanh Long chia sẻ: “Trong quá trình khảo sát, có những chủ cơ sở sản xuất kinh doanh mặc dù vẫn đóng BHXH, BHYT cho NLĐ nhưng lại thắc mắc không hiểu số tiền đóng đấy đi đâu và làm gì? Nhất là ở khu vực lao động phi chính thức, nhiều trường hợp NLĐ có khả năng và sẵn sàng tham gia BHXH, BHYT, nhưng họ chưa được tuyên truyền một cách thấu đáo, nên chưa hiểu rõ và vẫn chưa biết tìm đến ai, đến đâu để được tư vấn, hướng dẫn”.

Vì vậy, trong vận động chính sách, tuyên truyền BHXH, BHYT nhất thiết phải rõ ràng, minh bạch, có hệ thống tư vấn, giám sát và có tính giải trình với mọi người dân, nhất là với nhóm đối tượng như: Lao động tự do, HSSV, đối tượng cận nghèo, hộ nông, lâm, ngư nghiệp.

Đồng quan điểm, PGS.TSKH.Phạm Mạnh Hùng- nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng gợi ý, muốn tuyên truyền tốt thì phải làm cho dân biết, dân hiểu, dân tin và dân làm theo. Tuyên truyền cần cụ thể hơn và dễ hiểu hơn. Do đó, tuyên truyền viên tránh dùng những lời sáo rỗng, chung chung, quên truyền tải các vấn đề thiết thân, giá trị của 2 chính sách nhân văn BHXH và BHYT- đây chính là “mấu chốt” để người dân chủ động, tích cực tham gia BHXH, BHYT./.


Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội