Giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH: Giảm chi phí, bớt phiền hà

15/08/2016 07:09 AM




Đáp ứng nhu cầu của người dân

Ông Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, nguyên Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: Hiện nay, BHXH Việt Nam đang phục vụ gần 73 triệu người tham gia BHYT; 12,2 triệu người tham gia BHXH; 10 triệu người tham gia BH thất nghiệp; hơn 3 triệu người hưởng chế độ hưu trí và trợ cấp BHXH hng tháng… Số liệu trên cho thấy, khối lượng công việc của ngành BHXH rất lớn, đòi hỏi phải có sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và người dân. Và giao dịch điện tử được coi là chìa khóa cứu cánh cho vấn đề này.

Theo quy định, hồ sơ BHXH điện tử bao gồm tờ khai và các tài liệu pháp lý về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ở dạng điện tử. Các tài liệu kèm theo ở dạng giấy phải được chuyển đổi sang dạng điện tử. Khi tài liệu giấy không còn giá trị pháp lý, những nội dung liên quan tại thông điệp dữ liệu giao dịch điện tử cũng không còn giá trị pháp lý.

Ông Sinh chia sẻ thêm, sau khi hoàn thành hồ sơ, người nộp hồ sơ BHXH điện tử được thực hiện các giao dịch điện tử qua Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam hoặc Cổng giao dịch điện tử của Tổ chức I-VAN 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần. BHXH Việt Nam hoặc Tổ chức I-VAN gửi thông báo nhận hồ sơ đến địa chỉ thư điện tử của người nộp chậm nhất 15 phút sau khi nhận được hồ sơ BHXH điện tử của người nộp gửi đến. BHXH Việt Nam đã triển khai thí điểm giao dịch bằng phần mềm hỗ trợ kê khai thủ tục BHXH, BHYT tại 36 tỉnh, thành phố với hơn 30.000 doanh nghiệp. Với hình thức kê khai này, thời gian thực hiện các TTHC trong lĩnh vực BHXH giảm thêm 45 giờ.

Đánh giá ban đầu cho thấy, nếu thực hiện giao dịch điện tử, lượng thời gian mà người sử dụng lao động (SDLĐ) cần bỏ ra để thực hiện thủ tục BHXH sẽ giảm nhiều và đặc biệt là giảm được các chi phí phát sinh cho các bên tham gia. Từ đó, người SDLĐ có được công cụ lập thủ tục tham gia đúng quy định. Bên cạnh đó, giao dịch điện tử được hỗ trợ nhiều chức năng tự động giúp giảm thiểu sai sót khi kê khai, xem được kết quả giao dịch ngay qua mạng, giảm phiền hà cho người lao động cũng như người SDLĐ…

Cần xã hội hóa

Một trong những nội dung cần quan tâm trong giao dịch điện tử là chữ ký số. Theo ông Sinh, hiện nay Việt Nam đang thực hiện theo 2 hình thức là chữ ký số công cộng và chữ ký số chuyên dùng. Chữ ký số công cộng có thể dùng cho bất cứ đối tượng nào, kể cả cá nhân. Còn chữ ký số chuyên dùng được sử dụng cho các tổ chức trong hệ thống chính trị. Chữ ký số chuyên dùng phải do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp. Tuy nhiên, trong năm qua, Ban Cơ yếu cấp được hơn 1.000 chữ ký số loại này.

Hiện nay, ngành BHXH đang thực hiện giao dịch với khoảng 350.000 đơn vị SDLĐ, trong đó có hơn 100.000 đơn vị thuộc hệ thống chính trị. Do đó, việc cấp hơn 100.000 chữ ký số chuyên dùng sẽ rất khó cả về kinh phí lẫn năng lực triển khai, do phải phụ thuộc vào Ban Cơ yếu Chính phủ. Vì vậy, ngoài mở rộng chữ ký số công cộng, cần phải xã hội hóa nguồn kinh phí triển khai. Đồng thời, Chính phủ cũng nên có chính sách hỗ trợ đối với những DN quá khó khăn trong thực hiện chữ ký số.

Muốn giao dịch điện tử thành công, rất cần phải có sự phối hợp của các đối tác giao dịch. Đơn cử: Đến nay, giao dịch điện tử với các đơn vị SDLĐ mới chỉ đạt 75%; còn 25% nữa rơi vào những DN nhỏ ít có giao dịch. Vì vậy, Nhà nước cần phải có giải pháp hỗ trợ để làm sao toàn bộ 100% DN thực hiện giao dịch.

Ông Điều Bá Được, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH nhấn mạnh: Để giao dịch điện tử có hiệu quả, các bộ, ngành (kế hoạch đầu tư, tài chính, thuế) cũng phải phối hợp chặt chẽ để liên thông và đồng bộ hóa dữ liệu với ngành BHXH. Đơn cử: Ngành thuế đang quản lý trên 500.000 DN, nhưng ngành BHXH chỉ quản lý trên 200.000 DN tham gia BHXH. Mới đây, BHXH Việt Nam phối hợp với cơ quan thuế rà soát DN (làm thí điểm ở TP Hồ Chí Minh). Rà soát này là cơ sở giúp BHXH Việt Nam kiểm soát việc khai báo tiền lương, thu nhập… để xác định các khoản thu nhập phải đóng BHXH.

Theo thống kê, hiện nay ngành BHXH đang phục vụ hơn 71 triệu người tham gia BHYT. Tần suất KCB khoảng 140 triệu lượt người/năm đang đặt ra yêu cầu rất lớn cho ngành trong việc phối hợp với hệ thống y tế để phục vụ tốt người bệnh. Theo tính toán, nếu một bộ hồ sơ bớt đi được một chữ ký, cả nước sẽ bớt được 140 triệu chữ ký… Vì vậy, cần phải triển khai rất quyết liệt việc này, ông Được nhấn mạnh./.


Nguồn: Báo Đại biểu nhân dân