Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với BHXH Việt Nam: Minh bạch thông tin, đảm bảo an toàn quỹ

16/08/2016 02:54 AM



Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc với BHXH Việt Nam

Nỗ lực cắt giảm TTHC

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cho biết, Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ đã giao BHXH Việt Nam triển khai các nhiệm vụ, như: Rà soát, cắt giảm, đơn giản hồ sơ, quy trình và thủ tục kê khai thu- chi BHXH, BHYT; rút ngắn thời gian thủ tục nộp BHXH bắt buộc; ứng dụng CNTT, kết nối mạng, tạo cơ sở dữ liệu tập trung trong toàn Ngành, tiến tới thực hiện giao dịch điện tử đối với các thủ tục kê khai, thu nộp và giải quyết chính sách BHXH, BHYT; xây dựng quy trình, thủ tục thanh tra, kiểm tra đối với DN; phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế và các địa phương thống nhất thẩm quyền, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra.

Kết quả, trong 7 tháng đầu năm nay, BHXH Việt Nam tiếp tục rà soát toàn bộ TTHC thuộc phạm vi quản lý của Ngành, qua đó giảm xuống còn 32 TTHC; thành phần hồ sơ giảm 38%; các tiêu thức trên tờ khai, biểu mẫu giảm 42%; quy trình, thao tác thực hiện thủ tục giảm 54%...

Bên cạnh đó, Ngành đã thiết kế phần mềm và lắp đặt xong hệ thống theo dõi trực tuyến tình hình giải quyết TTHC; triển khai giao nhận, chuyển phát hồ sơ, giải quyết các TTHC với các đơn vị SDLĐ thông qua dịch vụ bưu chính; xây dựng quy trình, kế hoạch triển khai việc trả sổ BHXH cho NLĐ quản lý theo đúng quy định của Luật BHXH.

Ngành cũng mở rộng mạng lưới đại lý thu BHYT theo hướng tạo điều kiện để các tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật tham gia; phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương về thủ tục, trình tự tạo thuận lợi cho người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình.

BHXH Việt Nam cũng đã triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2016- 2020. Đến nay, hạ tầng cơ sở đã đảm bảo ổn định, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hoạt động quản lý của Ngành; đồng thời đang tiếp tục nâng cấp, cải tiến các phần mềm nghiệp vụ; xây dựng và triển khai thí điểm phần mềm lõi của Ngành; triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu người tham gia BHYT tập trung, thống nhất trong cả nước. Tính đến hết tháng 7, đã có 99% dân số cả nước được thu thập, nhập thông tin hộ gia đình tham gia BHYT, trong đó có 58,2 triệu người được đồng bộ mã thẻ BHYT (bằng 86,2% số người có thẻ BHYT). Hiện nay, BHXH Việt Nam đang tiếp tục rà soát, điều chỉnh dữ liệu hộ gia đình đã thu thập được để tích hợp, đồng bộ và xây dựng quy trình khai thác, quản lý, sử dụng có hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu này.

Từ tháng 6, BHXH Việt Nam đã xây dựng, đưa vào sử dụng Cổng thông tin giám định BHYT. Tính đến 15/8, đã có 99,5% cơ sở KCB tại 63 tỉnh, thành phố kết nối được dữ liệu với hệ thống này; chỉ còn 66 trạm y tế xã tại 11 tỉnh chưa kết nối được do không có điện lưới và internet, nên sẽ chuyển hồ sơ qua TTYT huyện để nhập dữ liệu.

BHXH Việt Nam cũng phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH xây dựng nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH. Đến nay, dự thảo nghị định đã được các chuyên gia, bộ ngành liên quan cho ý kiến và hoàn thiện để gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng giúp Ngành thực hiện giao dịch điện tử đối với tất cả các TTHC về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Với những nỗ lực trên, tính đến hết 31/7, cả nước đã có 12.406.463 người tham gia BHXH bắt buộc; 10.574.309 người tham gia BH thất nghiệp; 192.340 người tham gia BHXH tự nguyện. Riêng BHYT đã đạt 72.990.801 người tham gia (đạt tỉ lệ bao phủ 79,2% dân số cả nước và đạt 100,3% so với chỉ tiêu được giao theo Quyết định 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Mặc dù hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, song Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cũng cho biết, BHXH Việt Nam luôn xác định cải cách TTHC là mục tiêu sống còn. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan BHXH liên quan đến rất nhiều bộ, ngành, đơn vị khác; do đó, để hoạt động này đạt hiệu quả, rất cần sự quan tâm của Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương.

Phải kết nối liên thông dữ liệu để minh bạch

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao kết quả BHXH Việt Nam đạt được, đặc biệt là mục tiêu trong năm 2016 giảm số giờ thực hiện TTHC xuống bằng mức các nước ASEAN+4 và hướng đến mục tiêu năm 2018 bằng các nước ASEAN+3. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, thời gian thực hiện TTHC có thể được rút ngắn trên các văn bản hướng dẫn, quy định; song trong thực tế, nếu Ngành không sát sao, sẽ khó tránh khỏi tình trạng cán bộ BHXH làm khó cho người dân do muốn “an toàn”.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, tỉ lệ người tham gia BHXH mới đạt khoảng 24%- 25% lực lượng lao động như hiện nay không phải là con số khả quan. “Chính sách ASXH là thước đo trình độ phát triển của một đât nước. Một xã hội ít người dân tham gia BHXH, BHYT là không ổn định, bởi chỉ cần một bất trắc xảy ra như bệnh tật, mất sức lao động... bản thân người dân và gia đình của họ sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề. Trong khi ở những nước phát triển, tuyệt đại đa số người dân đều tham gia BHXH, BHYT dù mức phí cao”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng về vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực BHXH, nhất là về giải pháp tăng số người tham gia BHXH, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết: Bộ LĐ-TB&XH đang triển khai nhiều giải pháp như ban hành văn bản hướng dẫn, phối hợp với BHXH Việt Nam sửa đổi những vướng mắc phát sinh. Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng thừa nhận, việc nắm thông tin về tình hình sử dụng lao động vẫn còn khó khăn do thiếu cơ chế liên thông dữ liệu giữa các cơ quan liên quan. Vì vậy, hiện nay, Bộ đang tìm các giải pháp, công nghệ quản lý; đồng thời tăng cường sự tuân thủ pháp luật của DN.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng cho rằng, bên cạnh quyết tâm tăng độ bao phủ BHXH cũng cần phải có chỉ đạo đúng, chứ không thể nói mục tiêu, giải pháp chung chung; phải xác định nguyên nhân tại sao tỉ lệ người dân tham gia BHXH thấp? Do vậy, Bộ LĐ-TB&XH cần nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ về các cơ chế phù hợp nhằm đạt mục tiêu phát triển BHXH.

Về phát triển đối tượng BHYT, Phó Thủ tướng đánh giá cao con số 79,2% dân số có thẻ BHYT; đồng thời cho rằng, mục tiêu bao phủ ít nhất 90% dân số vào năm 2020 mà Chính phủ đề ra là rất khả thi, bởi chúng ta đang có nhiều điều kiện để thực hiện, như: Chuyển dần hỗ trợ cơ sở y tế sang hỗ trợ trực tiếp người dân tham gia BHYT; triển khai lộ trình tăng giá dịch vụ y tế... Tuy nhiên, để tăng độ bao phủ BHYT nhanh và bền vững, ngành BHXH và Y tế phải làm sao để người dân thấy được rõ ích lợi của chính sách này; giúp họ thấy mình đang được chăm sóc sức khỏe như thế nào, nguồn quỹ BHYT đang được quản lý hiệu quả ra sao...

Liên quan đến việc thực hiện chính sách BHYT, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cũng báo cáo với Phó Thủ tướng về sự quan ngại của BHXH Việt Nam đối với tình hình KCB BHYT. Theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, trong bối cảnh thực hiện thông tuyến KCB như hiện nay, việc kiểm soát tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT càng trở nên khó khăn. Tuy hệ thống giám định BHYT điện tử là công cụ hữu hiệu giúp quản lý hiệu quả chi phí KCB BHYT, song nhiều cơ sở y tế vẫn chưa thực hiện liên thông chuyển dữ liệu chuẩn lên Cổng thông tin giám định BHYT vì chưa mã hóa được danh mục dùng chung đã được ban hành. Đặc biệt, nhiều nhân viên y tế có trình độ CNTT rất yếu, mà theo ông Sơn, sự “yếu” này liên quan đến cả trình độ và trách nhiệm của họ.

Chia sẻ những lo ngại trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cần kiểm tra lý do thực sự tại sao việc liên thông dữ liệu KCB BHYT lại khó thực hiện tại cơ sở. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc liên thông dữ liệu cần phải sớm thực hiện, để chi phí KCB BHYT được minh bạch, tránh việc người dân nghi ngờ vào hiệu quả sử dụng quỹ BHYT; từ đó họ mới yên tâm tham gia BHYT. Đồng thời, cần phải tập huấn, hướng dẫn và có chế tài bắt buộc các cơ sở y tế phải kết nối, liên thông dữ liệu để thanh quyết toán.

Đặc biệt, ngành BHXH và y tế phải thực hiện tốt một yêu cầu cực kỳ quan trọng, đó là đảm bảo tính bền vững của quỹ. “Nếu tình trạng quỹ bị bội chi kéo dài, dẫn đến “vỡ” sẽ là vấn đề rất lớn của xã hội. Nhiệm vụ của các cơ quan quản lý và thực hiện chính sách là cần phải xác định rõ nhiệm vụ, điều chỉnh chính sách cụ thể, đề xuất các giải pháp hiệu quả để cân đối Quỹ mà vẫn đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.


Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội