Mở rộng đối tượng tham gia BHXH: Nhiều thách thức

19/08/2016 07:51 AM




Vẫn khó mở rộng đối tượng

Luật BHXH 2014 có nhiều bổ sung, điều chỉnh về chính sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân. Theo đó, Luật đã bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc có HĐLĐ từ 1- 3 tháng; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường; NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài- nhóm này được tham gia BHXH cho chế độ hưu trí và tử tuất.

Luật cũng mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện thông qua việc bỏ quy định khống chế trần tuổi tham gia; quy định mức sàn thu nhập tối thiểu đóng BHXH tự nguyện bằng chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn để phù hợp với khả năng tham gia của người dân; Nhà nước có chính sách hỗ trợ với một số nhóm đối tượng khi tham gia BHXH tự nguyện; linh hoạt phương thức đóng…

Tuy nhiên, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê, cả nước mới có trên 12,4 triệu người tham gia BHXH bắt buộc (chiếm khoảng 23,4% lực lượng lao động); gần 193.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Điều này cho thấy, các giải pháp mở rộng đối tượng tham gia BHXH chưa thực sự hiệu quả, nhất là đối với số lao động ở khu vực phi chính thức. Do thu nhập của người dân còn thấp, nên việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cũng rất khó khăn.

Bên cạnh đó, việc tuân thủ pháp luật về BHXH của nhiều đơn vị SDLĐ chưa nghiêm, tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT vẫn là vấn đề “nóng” trong nhiều năm qua. Đặc biệt, pháp luật về BHXH chưa quy định cơ chế xử lý nợ BHXH- khoản nợ không có khả năng thu hồi của DN đã giải thể, phá sản, dừng hoạt động, hoặc có chủ SDLĐ bỏ trốn, mất tích…

Nhận định về vấn đề này, Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, hiện nay số lao động có quan hệ lao động chỉ chiếm 41%, trong khi lao động thuộc khu vực phi chính thức lên tới 59%; mỗi năm cả nước chỉ có khoảng 2% lao động được tuyển dụng vào khu vực chính thức. Như vậy, đến năm 2020, số lao động trong khu vực chính thức (khối có tiền lương) vẫn chưa đạt tỷ lệ 50%; số lao động dừng tham gia BHXH cũng rất lớn (trong 7 tháng năm 2016 đã có trên 47.700 người nghỉ hưởng trợ cấp BHXH một lần). Do đó, mục tiêu đến năm 2020 đạt 50% số lao động tham gia BHXH là thách thức rất lớn.

Bảo toàn và tăng trưởng quỹ

Mặc dù mục tiêu đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH được coi là mặt tích cực, tiến bộ của Luật BHXH 2014, nhưng với những bất cập, hạn chế như hiện nay thì để đạt được mục tiêu này cũng là thách thức không nhỏ.

Đặc biệt, hiện nay cơ quan BHXH không còn “giải pháp mạnh” là khởi kiện với những đơn vị, DN nợ lớn. Trong khi đó, dù Nghị định 21/2016/NĐ-CP giao cho ngành BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH (đã có hiệu lực), nhưng đến nay cơ quan BHXH vẫn chưa thể tiến hành thanh tra được, dẫn đến số nợ BHXH đang có xu hướng tăng lên. Do đó, nếu không có những giải pháp hữu hiệu, thì những tiến bộ quan trọng của Luật BHXH khó đi vào cuộc sống.

Ông Phạm Minh Huân- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, để thực hiện Luật BHXH 2014 cũng như thu hút đối tượng tham gia BHXH, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành các văn bản hướng dẫn, phối hợp với BHXH Việt Nam xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh. Tuy nhiên, việc nắm đầy đủ thông tin về NLĐ vẫn đang “bỏ ngỏ” do thiếu cơ chế liên thông dữ liệu giữa các cơ quan liên quan do ngành LĐ-TB&XH quản lý. Cũng theo ông Huân, hiện Bộ LĐ-TB&XH đang tích cực tìm các giải pháp quản lý lao động, đồng thời tăng cường tính tuân thủ pháp luật của các DN.

Ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng: Nhà nước cần có chính sách bảo toàn, cân đối và tăng trưởng quỹ BHXH nhằm tạo sự hấp dẫn cũng như niềm tin của người dân. Phải làm sao để người dân thực sự tin tưởng khi tham gia BHXH sẽ được hưởng chế độ chính sách về sau… Cùng với đó, trong tổ chức thực hiện cần phải quan tâm đến công tác tuyên truyền và cải cách TTHC nhằm mở rộng thêm nhiều đối tượng tham gia BHXH.

Ông Nguyễn Ngọc Phương- đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh: Trong tổ chức thực hiện, cần phải quan tâm đến công tác tuyên truyền để NLĐ, người SDLĐ chủ động tham gia BHXH; mở rộng đối tượng tự nguyện khác tham gia BHXH, bởi hiện nay nhiều người đang thực sự có nhu cầu tham gia. “Đây là việc làm rất tốt, vừa mang ý nghĩa an sinh; vừa mang tính định hướng về chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Do vậy, phải tuyên truyền, giải thích để mọi người yên tâm về lộ trình thực hiện luật cũng như không làm ảnh hưởng đến chế độ của những người nghỉ hưu”- ông Phương cho biết./.


Nguồn: 9doden.com Báo Bảo hiểm xã hội