Học sinh - sinh viên tham gia BHYT: Trách nhiệm và sự sẻ chia

23/08/2016 01:41 AM



* PV: Thưa ông, chính sách BHYT HSSV đã triển khai được hơn 20 năm, góp phần tích cực vào sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe thế hệ trẻ ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của BHYT đối với công tác chăm sóc sức khỏe HSSV?

- TS.Bùi Sỹ Lợi:


HSSV là thế hệ tương lai của đất nước. Vì vậy, chăm lo để các em phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. BHYT HSSV là một giải pháp cơ bản để chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho HSSV. Với trên 22,2 triệu HSSV, tương đương gần 1/4 dân số, ngành Giáo dục đang đóng vai trò quan trọng trong giáo dục, rèn luyện, chăm sóc sức khỏe trẻ em thông qua hệ thống y tế trường học (YTTH). Làm tốt công tác CSSK cho HSSV là góp phần xây dựng cộng đồng dân số khỏe mạnh, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước.

Trước đây, do điều kiện kinh tế, nguồn ngân sách hạn hẹp nên chưa hình thành mạng lưới YTTH riêng mà phải phụ thuộc vào y tế cơ sở. Từ năm học 1994- 1995, chính sách BHYT HSSV chính thức được triển khai, với quy định trích lại một phần kinh phí từ nguồn thu BHYT phục vụ phát triển YTTH, cùng với nguồn NSNN.

Hiện nay, quỹ BHYT là nguồn tài chính chủ yếu đáp ứng phần lớn kinh phí của hoạt động YTTH. Số kinh phí từ quỹ BHYT dành cho YTTH tăng dần qua các năm học; mạng lưới YTTH từ “trắng” đã dần được xây dựng và hoàn thiện.

Sự phát triển YTTH cũng tỉ lệ thuận với mức tăng độ bao phủ BHYT HSSV. Cụ thể, nếu năm học 2006- 2007, cả nước có chưa đầy 45% HSSV tham gia BHYT thì đến hết năm học 2015- 2016 đã có khoảng 90% HSSV tham gia.

Từ nguồn kinh phí quỹ BHYT, hệ thống YTTH được củng cố, phát triển cũng như bổ sung trang thiết bị, sổ theo dõi sức khỏe, tủ thuốc… cho các em. Nguồn kinh phí từ quỹ BHYT đã góp phần giảm gánh nặng chi từ NSNN cho YTTH.

Bên cạnh đó, do có nguồn kinh phí ổn định để hoạt động, YTTH đã đảm trách khá tốt nhiệm vụ CSSKBĐ cho HSSV tại nhà trường. HSSV được YTTH quản lý sức khỏe, sơ cấp cứu, xử trí các tai nạn, thương tích vốn hay xảy ra ở lứa tuổi học đường. Ngoài ra, HSSV tham gia BHYT còn có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế tại tất cả các cơ sở KCB trong cả nước với phạm vi quyền lợi ngày càng được mở rộng do quỹ BHYT chi trả.

* Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của việc HSSV tham gia BHYT bắt buộc hiện nay?

- Xét trên phương diện xã hội, khi HSSV tham gia BHYT sẽ tạo sự yên tâm cho chính bản thân các em, cha mẹ và gia đình nếu không may xảy ra tai nạn thương tích, bệnh tật. Các nhà trường cũng yên tâm trong quản lý sức khỏe HSSV, có thêm cơ hội, thêm điều kiện để nâng cao chất lượng dạy và học. Thực hiện BHYT đối với HSSV còn là trách nhiệm bảo đảm sức khỏe đối với bản thân các em và sau đó là với cộng đồng, xã hội.

Lứa tuổi thanh niên, SV cũng cần quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe cho mình, có sức khỏe tốt thì mới có thể phát triển toàn diện về trí lực và thể chất, nhân cách. Ai cũng có lúc bị ốm đau, bệnh tật, thậm chí tai nạn bất ngờ, không lường trước được, nếu không có sự chia sẻ, hỗ trợ từ quỹ BHYT thì gánh nặng chi phí y tế sẽ là rất lớn đối với nhiều gia đình.

Do vậy, việc tham gia BHYT chính là cơ chế “bảo đảm an toàn” cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng xã hội khi gặp rủi ro về sức khỏe. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đã có nhiều trường hợp HSSV không may bị ốm đau, bệnh tật, tai nạn…, được quỹ BHYT chi trả đến hàng trăm triệu đồng mỗi đợt điều trị, không ít trường hợp được thanh toán tới trên dưới 1 tỷ đồng mỗi năm.

Thông qua việc tham gia, hiểu đúng ý nghĩa của BHYT, HSSV sẽ học được cách chia sẻ, đồng cảm với những người không may gặp rủi ro sức khỏe xung quanh, có thể đó là bạn bè, anh em gần gũi với chúng ta. Từ đó, góp phần định hình nhân cách sống tốt đẹp của thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước: Một thế hệ không chỉ biết sống có trách nhiệm với bản thân mình mà còn sống có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

* Ông có thể phân tích rõ hơn về cơ sở pháp lý, tại sao BHYT đối với HSSV phải là chính sách bắt buộc?

- Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện tư tưởng mới về chính sách an sinh xã hội đối với người dân, tại Điều 34 đã quy định: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”. Điều 58 cũng xác định Nhà nước và xã hội “thực hiện BHYT toàn dân” và Điều 15 quy định “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân”.

HSSV có quyền và nghĩa vụ tham gia BHYT theo quy định của pháp luật- ảnh minh họa

Như vậy, Hiến pháp đã xác định rõ trách nhiệm Nhà nước bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Bên cạnh đó, người dân và xã hội cũng có trách nhiệm hay nghĩa vụ tham gia an sinh xã hội, cụ thể là BHXH, BHYT và BH thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

Tại Khoản 1, Điều 2 Luật BHYT đã quy định: “BHYT là hình thức bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện”.

Do đó, HSSV là công dân Việt Nam, là đối tượng tham gia BHYT theo luật định thì đương nhiên phải có quyền và nghĩa vụ tham gia BHYT theo quy định của pháp luật. Ngoài các em HSSV là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng kinh tế- xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, người nghèo và các đối tượng chính sách khác được NSNN bỏ toàn bộ kinh phí mua thẻ BHYT thì các em HSSV còn lại tham gia BHYT cũng được hỗ trợ ít nhất 30% mệnh giá thẻ BHYT. Đây là sự quan tâm, nỗ lực rất lớn của Nhà nước đối với công tác CSSK thế hệ tương lai của đất nước.

* Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 10% HSSV chưa tham gia BHYT. Theo ông đâu là nguyên nhân và làm thế nào để 100% HSSV có thẻ BHYT?

- Nhìn ở thời điểm hiện tại, BHYT, HSSV là nguồn hỗ trợ tài chính khi HSSV bị ốm đau, bệnh tật, nhưng nhìn xa hơn thì đấy chính là công tác CSSK cho nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai. Nếu nhìn nhận như thế, để chính sách BHYT cho HSSV thật sự phát huy hiệu quả, cần có sự chỉ đạo đồng bộ của các cấp, các ngành, từ chính quyền địa phương đến các đoàn thể. Ngành BHXH được Chính phủ giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Ngành Giáo dục đóng vai trò rất quan trọng trong thành công của chính sách. Thực tế ở địa phương nào có sự đồng lòng vào cuộc của lãnh đạo ngành Giáo dục cũng như các trường thì nơi đó đạt hiệu quả cao trong công tác BHYT HSSV.

Ngành BHXH cần phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương tới địa phương, mở rộng nhiều hình thức tuyên truyền in ấn nhiều tờ rơi, tờ gấp, tổ chức lồng ghép các hội nghị, hội thảo… để tuyên truyền tới các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân về BHYT HSSV.

Bên cạnh đó nhà trường, các thầy cô giáo có vai trò rất quan trọng trong tuyên truyền vận động và thúc đẩy việc thu đóng BHYT HS kịp thời, đầy đủ. Nếu đội ngũ giáo viên và lãnh đạo nhà trường không thực sự vào cuộc mà coi đây là công việc của riêng ngành BHXH, không định hướng tốt để phụ huynh và HS tích cực tham gia BHYT sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các em.

Hiện nay, cấp uỷ đảng và chính quyền nhiều địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên ngành, giao chỉ tiêu cho từng đơn vị trường học, quận huyện, tổ chức tuyên truyền về quyền lợi của HS tham gia BHYT. Nhiều địa phương đang khẩn trương tổ chức các hội nghị tổng kết đánh giá, biểu dương khen thưởng cá nhân và tập thể tích cực trong vận động phụ huynh và HS tham gia BHYT.

Bên cạnh đó, ngành BHXH cũng phải tăng cường nhân lực để rà soát danh sách, triển khai thu BHYT; cấp thẻ BHYT cho HSSV kịp thời; chuyển kinh phí đúng và đủ để nhà trường chủ động triển khai các nội dung YTTH; phối hợp với ngành Y tế tổ chức tốt công tác KCB BHYT, nâng cao chất lượng, làm hài lòng người bệnh, có vậy mới tạo sự tin tưởng yên tâm cho các em đi KCB BHYT.

* Trân trọng cảm ơn ông!


Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội