Tăng cường kiểm soát nguồn gốc, chất lượng dược liệu y học cổ truyền

15/09/2016 07:24 AM


Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền đưa ra số thống kê: hằng năm nước ta sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại, trong đó khoảng 80-85% dược liệu sử dụng có nguồn gốc nhập khẩu. Dược liệu trong nước có nguồn gốc tự nhiên đang dần cạn kiệt do quá trình khai thác tràn lan; trong khi việc trồng, chế biến dược liệu thay thế chưa đáp ứng nhu cầu; đa số người dân tự trồng, chế biến chưa bảo đảm chất lượng, quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún; các doanh nghiệp tham gia phát triển dược liệu còn hạn chế, chỉ chuyên canh một loại, đáp ưng nhu cầu chế biến ở một giai đoạn nhất định… Nhu cầu của thị trường với các loại dược liệu vì vậy rất lớn, trong khi nguồn cung trong nước khó đáp ứng, phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu. Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát nguồn gốc dược liệu cũng đang rất hạn chế, tình trạng nhập lậu còn diễn ra tại nhiều địa phương.

Tại hội nghị, nhiều tham luận, ý kiến phát biểu cũng đã phân tích cụ thể hơn tình hình thực tế; tập trung vào các vấn đề như  nuôi trồng, khai thác dược liệu trong nước, kiểm soát chất lượng dược liệu trên thị trường vào trong các cơ sở khám, chữa bệnh, công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại trong lĩnh vực dược liệu; chính sách hỗ trợ cá nhân, tổ chức nuôi, trồng dược liệu, thu hút doanh nghiệp đầu tư, công tác đấu thầu, kiểm soát nguồn gốc dược liệu trong bệnh viện....

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: phát triển dược liệu, y học cổ truyền là một nội dung quan trọng cần quan tâm, chú trọng thực hiện. Cụ thể, cần có giải pháp khuyến khích việc trồng, phát triển dược liệu trong nước, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu từ nước ngoài, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, hàng không nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, công tác đầu thầu dược liệu, thuốc y học cổ truyền cần thực hiện chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả sử dụng Quỹ BHYT. Từ thực tiễn, có thể nghiên cứu, ban hành riêng Thông tư quy định về đấu thầu dược liệu, thuốc y học cổ truyền, bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh cho người dân cũng như khuyến khích phát triển các cơ sở y tế doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y, dược học cổ truyền. Tại hội nghị, một số các cơ sở y tế, doanh nghiệp đã tham gia ký cam kết trong việc cung ứng, sử dụng dược liệu bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ có chất lượng tốt./.



Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội