Đảm bảo tài chính y tế bền vững: Phải đẩy mạnh BHYT toàn dân

15/09/2016 07:39 AM



BHYT là nguồn tài chính quan trọng trong chăm sóc sức khỏe người dân

Trong gần 20 năm qua, tổng chi cho y tế tại Việt Nam đã tăng từ 5,2% GDP lên 6,9% GDP, tương đương 190.000 tỉ đồng. Nguồn chi này được cung cấp từ 5 nguồn: NSNN, BHYT, viện trợ nước ngoài, chi trực tiếp từ hộ gia đình và các nguồn kinh phí tư khác. Trong đó, tỉ trọng tài chính công (bao gồm NSNN và BHYT) tăng dần, chiếm 42,6% tổng chi cho y tế; chi từ tiền túi hộ gia đình có xu hướng giảm, hiện còn khoảng 48,8%. Tuy nhiên, tỉ lệ chi từ tiền túi người dân vẫn được cho là đang ở mức cao, bởi cao hơn mức trung bình của các nước có thu nhập trung bình thấp, nhất là gánh nặng do chi trả các chi phí y tế “thảm họa” đã khiến cho nhiều gia đình rơi vào đói nghèo.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, chi tiêu của Nhà nước cho y tế phần lớn vẫn là đầu tư trực tiếp cho cơ sở KCB (đầu tư cơ sở hạ tầng, trả lương cho cán bộ y tế…). Tuy nhiên, phương thức đầu tư này đã cho thấy nhiều bất cập khi chưa khuyến khích được chất lượng; chưa khuyến khích cung ứng dịch vụ tại y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu có chi phí thấp và đảm bảo công bằng.

Chính vì vậy, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, định hướng của Chính phủ trong đổi mới tài chính y tế hiện nay là phải chuyển dần hỗ trợ cơ sở KCB sang hỗ trợ trực tiếp người dân, thông qua việc tăng mức hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia BHYT, chuyển BHYT thành nguồn chi chủ yếu trong cơ cấu chi phí y tế. Chủ trương này đang được hiện thực hóa với nhiều văn bản pháp luật, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước như: Nghị quyết 21/NQ-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020, Luật BHYT 2014, Thông tư 37 quy định tăng giá DVYT… Mặc dù đây là một định hướng đúng, nhưng trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ không ít khó khăn, thách thức.

TS.Trần Thị Mai Oanh- Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) đã chỉ ra yếu tố chưa thực sự bền vững trong tạo nguồn tài chính y tế công, đó chính là những khó khăn trong cân đối thu- chi BHYT như: Mở rộng tỉ lệ bao phủ BHYT trong nhiều nhóm chưa đạt yêu cầu; tăng giá viện phí; tăng tần suất sử dụng dịch vụ; gia tăng chi phí KCB...

Việc sử dụng kinh phí này cũng còn bất cập, thể hiện trong lãng phí sử dụng thuốc, kỹ thuật y tế, đặc biệt là trong xác định phạm vi quyền lợi do BHYT chi trả. Theo tính toán, mức phí BHYT ở Việt Nam hiện nay tương đương 30 USD/người, nhưng phạm vi quyền lợi rất rộng, khó có khả năng cân đối. TS.Nguyễn Thị Mai Oanh dẫn chứng, hiện có tới 177 DVKT cao chi phí lớn được BHYT chi trả, thuốc điều trị ung thư cũng có 65 hoạt chất; danh mục thuốc BHYT cũng được đánh giá nhiều hơn nhiều nước có thu nhập cao hơn…

Trong khi đó, nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế cũng chỉ rõ, việc xác định các thuốc, DVKT và VTYT trong gói quyền lợi BHYT chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thiếu bằng chứng về tính chi phí hiệu quả (chi phí bỏ ra và hiệu quả thu được từ các DVKT). Đơn cử, cùng điều trị hiệu quả bệnh lý gan mật, nếu mổ nội soi thì chi phí hết 5 triệu đồng, nhưng nếu mổ bằng Robot có chi phí tới 90 triệu đồng… Điều đáng nói, các danh mục này được xây dựng chưa dựa trên quy trình minh bạch với sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan, chưa sử dụng công cụ giá một cách chiến lược để điều chỉnh số lượng, chất lượng dịch vụ cung ứng…

Dẫn chứng thực trạng sử dụng quỹ BHYT tại Việt Nam, ông Vũ Xuân Bằng- Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho rằng có nhiều lo ngại về khả năng cân đối quỹ BHYT, nhất là chi KCB BHYT liên tục gia tăng trong những năm qua. Đặc biệt, trong nửa đầu năm 2016 có sự gia tăng đột biến khi một số quy định mới có hiệu lực như: Tăng giá DVYT, thông tuyến KCB ở tuyến huyện…

“Dù chỉ thực hiện tăng giá DVYT từ 1/3/2016, chi KCB 6 tháng đầu năm đã tăng 40% so với 2015. Với tốc độ sử dụng quỹ như hiện nay, ước tính năm 2016 quỹ không có khả năng cân đối, mà có thể bội chi tới 7.000 tỉ đồng”- ông Bằng dẫn chứng. Cũng theo ông Bằng, đến năm 2017, các yếu tố tăng chi cùng tác động của việc tăng giá DVYT theo Thông tư 37 sẽ khiến mức chi KCB BHYT tăng thêm 23.000 tỉ đồng, dẫn tới cạn kiệt cả nguồn quỹ dự phòng vừa được kết dư trong mấy năm qua…

Chính vì vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho rằng, để xây dựng hệ thống tài chính y tế bền vững, Việt Nam cần phải tăng nhanh đầu tư công cho y tế; phát triển BHYT toàn dân; đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính ngành y tế; sử dụng nguồn tài chính hiệu quả. Đặc biệt, cần huy động nguồn tài chính đa dạng và bền vững, trong đó phải đảm bảo nguồn thu BHYT ở khu vực lao động chính quy, đổi mới phương thức bao phủ BHYT theo hộ gia đình; sử dụng nguồn NSNN hợp lý để hỗ trợ các nhóm dân cư yếu thế và nhóm dân cư khó có khả năng đóng phí BHYT…/.




Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội