Mức độ nghiêm trọng của các bệnh không lây nhiễm ngày càng tăng

20/09/2016 03:41 AM



Khám, tư vấn sức khỏe cho người dân tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Cuộc điều tra các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (BKLN) tại Việt Nam do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phối hợp Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan liên quan thực hiện trong năm 2015 với 3.856 đối tượng nghiên cứu ở độ tuổi từ 18 đến 69. Đây là cuộc điều tra được thiết kế công phu, khoa học, áp dụng các quy trình và công cụ chuẩn của WHO, chọn mẫu đại diện quốc gia. Điều tra STEPS là công cụ quan trọng để giúp thực hiện giám sát toàn cầu về các BKLN, bởi công cụ này sẽ cung cấp cách đánh giá 11 chỉ số quan trọng nhất trong tổng số 25 chỉ số. Chúng bao gồm các yếu tố nguy cơ về hành vi quan trọng như sử dụng thuốc lá, lạm dụng rượu, bia, chế độ ăn uống không lành mạnh và ít vận động, cũng như các yếu tố nguy cơ về chuyển hóa như tăng huyết áp và tăng đường máu. Do đó, có thể coi STEPS là xương sống của hệ thống giám sát các yếu tố nguy cơ của BKLN. Cuộc điều tra lần này tại Việt Nam nhằm thu thập thông tin về các hành vi nguy cơ gồm hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, chế độ ăn không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực và mô tả thực trạng thừa cân béo phì, tăng huyết áp, tăng đường máu, rối loạn lipid máu và ước lượng mức tiêu thụ muối trung bình.

Cũng giống như nhiều nước đang phát triển khác, Việt Nam đang trải qua một quá trình chuyển đổi dịch tễ học một cách nhanh chóng, dẫn đến gia tăng gánh nặng về BKLN. Trong khi tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm đang giảm, thì tỷ lệ mắc các BKLN lại gia tăng, từ 40% (năm 1986), lên 60% (năm 2006) và 71,6% (năm 2012). Tử vong do BKLN hiện đã chiếm 73% tổng số trường hợp chết do tất cả các nguyên nhân, trong đó đứng đầu là do bệnh tim mạch, sau đó là các bệnh ung thư, đái tháo đường và bệnh đường hô hấp mãn tính. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 520 nghìn người chết do nguyên nhân bệnh tật thì BKLN chiếm hơn 360 nghìn ca. Hậu quả gia tăng của các BKLN làm tăng nhanh chi phí khám, chữa bệnh và quá tải bệnh viện. Các nghiên cứu cho thấy, chi phí điều trị cho BKLN cao gấp 40 đến 50 lần so điều trị các bệnh lây nhiễm, do đòi hỏi kỹ thuật cao, cần thuốc đặc trị, thời gian điều trị dài, dễ bị biến chứng…

Kết quả điều tra cho thấy, các BKLN tăng nhanh do liên quan đến hút thuốc lá, thiếu vận động thể lực, lạm dụng rượu, bia và chế độ ăn không hợp lý. Tỷ lệ sử dụng rượu, bia trong số người được nghiên cứu là 43,8% và có xu hướng tăng, riêng nam giới, tỷ lệ sử dụng rượu, bia là 77,3%; có 44,2% số nam giới và 1,2% số nữ giới uống rượu, bia ở mức nguy hại (từ sáu đơn vị cồn trở lên). Khoảng 45% số hộ gia đình có sẵn rượu, bia trong nhà và rượu, bia là thứ không thể thiếu trong các đám cưới, đám tang, gặp gỡ… Bên cạnh đó, tình trạng ăn thiếu rau và trái cây vẫn ở mức cao khi có tới 57,2% dân số trưởng thành ăn thiếu rau, trái cây so với khuyến cáo của WHO (400 gam/ngày). Các thói quen này là nguy cơ dẫn đến bệnh thừa cân béo phì, tăng đường huyết, tăng huyết áp và cholesterol. Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, việc sử dụng thiếu rau và trái cây, đồng nghĩa với việc thiếu chất xơ sẽ gây nhiều tác hại cho cơ thể, nhất là có thể thúc đẩy nhanh quá trình hình thành và phát triển bệnh ung thư.

Tỷ lệ phát hiện và quản lý BKLN cũng còn hạn chế. Hiện có 43,1% số người mắc tăng huyết áp và 31,1% số người có đường huyết tăng từng được phát hiện bệnh; mới có 13,6% số người mắc tăng huyết áp và 28,9% số người tăng đường huyết, đái tháo đường được quản lý tại cơ sở y tế. Số người có nguy cơ tim mạch cao được điều trị, tư vấn dự phòng đột quỵ và nhồi máu cơ tim chỉ chiếm gần 29%. Khoảng một phần tư số phụ nữ tuổi 18 đến 69 và một phần ba số phụ nữ tuổi 30 đến 49 từng được sàng lọc ung thư cổ tử cung. Trong khi đó, có 28,1% số đối tượng điều tra thiếu hoạt động thể lực so khuyến cáo của WHO (trung bình ít nhất 150 phút/tuần). Tỷ lệ thừa cân béo phì có xu hướng tăng nhanh, hiện có khoảng 15,6% số người bị thừa cân béo phì, cao hơn ở khu vực thành thị.

Trong khi đó, công tác dự phòng và kiểm soát BKLN ở Việt Nam mặc dù đã đạt một số tiến bộ song còn gặp nhiều khó khăn. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống các BKLN giai đoạn 2015-2025; Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đã được Quốc hội thông qua; Việt Nam hiện đang xây dựng Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia... Tuy nhiên, về tổng thể, các hoạt động dự phòng và nâng cao sức khỏe chưa được chú trọng đầu tư đúng mức, vẫn là những thách thức lớn đối với công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cảnh báo: Nếu người dân không thay đổi lối sống thì sẽ có nguy cơ cao mắc các BKLN như ung thư, tiểu đường, tim mạch và các bệnh mãn tính đường hô hấp.

Theo Bộ Y tế, thời gian tới, Việt Nam cần tăng cường chính sách pháp luật về phòng chống tác hại của rượu, bia; thực thi các biện pháp hiệu quả theo khuyến nghị của WHO như kiểm soát quảng cáo khuyến mại rượu, bia; kiểm soát giờ bán và điểm bán rượu, bia; chính sách giá và thuế, phòng chống tình trạng lái xe sau khi uống rượu, bia. Ngành y tế cần có các can thiệp hiệu quả để giảm tiêu thụ muối thông qua các chương trình truyền thông giáo dục cảnh báo về tác hại đối với sức khỏe khi ăn nhiều muối; xây dựng chương trình kiểm soát thừa cân béo phì lồng ghép trong kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng. Bên cạnh đó, tăng cường dự phòng, phát hiện sớm và quản lý BKLN tại cộng đồng; bảo đảm các dịch vụ tại trạm y tế xã để phát hiện sớm và quản lý điều trị liên tục, lâu dài đối với một số BKLN; đẩy mạnh hoạt động tầm soát ung thư cổ tử cung...

Bệnh không lây nhiễm và các yếu tố nguy cơ của nó đang tăng nhanh trên toàn cầu, gây ra gánh nặng nghiêm trọng không chỉ cho sức khỏe, mà còn nền kinh tế của đất nước, cũng như cho từng hộ gia đình. Trên thế giới, tỷ lệ chết do bệnh không lây nhiễm chiếm 68% tổng số người chết, và chi phí cho Bệnh không lây nhiễm và Sức khỏe tâm thần ước tính sẽ gây ra thiệt hại 47.000 tỷ USD do giảm hiệu suất lao động trên toàn cầu trong vòng 20 năm tới.

TS Lốc-ky Wai
Trưởng Đại diện của WHO tại Việt Nam




Nguồn: Báo Nhân dân điện tử