Kế thừa và Phát triển Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về BHXH

20/09/2016 08:46 AM



Trong bài báo có tựa đề Nghĩa thương đăng trên Báo Cứu quốc số 418 ngày 27/11/1946 (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 04, trang 461), Người đề cập đến những nội dung cốt lõi của BHXH với cách diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu. Các nội dung này đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đó là:
“Để dành;
Khỏi lo;
Khỏi lo cả đời;
Không mất đi đâu cả;
Ích riêng và ích chung;
Kẻ giàu để dành nhiều, kẻ nghèo để dành ít;
Gắn với được mùa;
Bộ Canh nông hướng dẫn”.
Kế thừa và phát triển tư tưởng của Người, đến nay, BHXH được khẳng định là một chính sách xã hội quan trọng bậc nhất, là trụ cột trong hệ thống An sinh xã hội của Việt Nam. BHXH vừa mang bản chất kinh tế, vừa mang bản chất xã hội, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, được Đảng, Nhà nước quan tâm và từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, bộ máy tổ chức thực hiện BHXH để ngày càng phục vụ tốt hơn cuộc sống vật chất, tinh thần của người lao động và gia đình họ trước những biến cố làm giảm hoặc mất thu nhập, góp phần bảo đảm An sinh xã hội.
Lịch sử ra đời và phát triển BHXH ở Việt Nam theo xu hướng chung, mang tính khách quan và tuân thủ các quy luật của nền kinh tế thị trường:
Thứ nhất, sự hình thành, phát triển của BHXH, xét theo đúng nguồn gốc và bản chất, luôn luôn gắn với việc hình thành quản lý, sử dụng Quỹ BHXH - nguồn tài chính quan trọng nhằm bảo đảm thay thế, bù đắp, điều tiết thu nhập, san sẻ rủi ro, giảm nhẹ bất bình đẳng xã hội, góp phần thiết lập một xã hội công bằng hơn, an toàn hơn cho nhân dân, người lao động.
Thứ hai, phải có hệ thống chính sách, luật pháp về BHXH tiến bộ, phù hợp và vận hành một cách thông suốt trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, đặc biệt quan tâm tới hệ thống tổ chức bộ máy cơ quan tổ chức thực hiện BHXH từ Trung ương đến địa phương, cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ thông tin, công tác phối hợp, giám sát thực thi pháp luật và điều chỉnh hệ thống luật pháp luật khi cần thiết.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước từng bước xây dựng, đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, ngày càng đáp ứng tốt hơn quyền lợi của người lao động, trên cơ sở thực hiện nguyên tắc đóng – hưởng. Trước hết, việc ban hành Bộ luật Lao động, Luật BHXH sớm được ban hành và đã đi vào cuộc sống, đánh dấu một bước phát triển hết sức quan trọng về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Theo đó, BHXH Việt Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất các tổ chức làm công tác BHXH của Ngành LĐ-TB&XH và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có nhiệm vụ giúp Chính phủ thống nhất quản lý và sử dụng Quỹ BHXH để thực hiện các chế độ BHXH đối với người lao động. Việc hình thành Quỹ BHXH tập trung, độc lập, tách ra khỏi ngân sách nhà nước là bước đột phá có tính bước ngoặt trong cải cách BHXH, góp phần quan trọng để thực hiện mục tiêu “BHXH cho mọi người lao động”, đồng thời, cũng giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước. Đối tượng tham gia BHXH từng bước được mở rộng, đa dạng hóa các loại hình BHXH, tiến tới xây dựng hệ thống BHXH đa tầng để tạo thành mạng lưới An sinh xã hội bền vững. Quỹ BHXH tăng nhanh, có tồn tích, là nguồn tài chính quan trọng bảo đảm khả năng chi trả các chế độ đối với người lao động lâu dài.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác quản lý Quỹ BHXH, nhất là Quỹ BHXH bắt buộc, trong thời gian qua còn một số mặt hạn chế: Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH chưa đạt như mong muốn; tỷ lệ bao phủ BHXH chưa tương xứng với tiềm năng (hiện nay, mới có khoảng 21% số người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt tỷ lệ chưa đến 0,5% số người trong độ tuổi lao động). Tình trạng doanh nghiệp không đăng ký tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động, nợ BHXH, trốn đóng BHXH, chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động diễn ra phổ biến, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, gây thất thu Quỹ BHXH bắt buộc. Công tác thẩm định cấp và quản lý sổ BHXH, công tác truy thu, truy đóng BHXH những năm trước đây còn chưa chặt chẽ, tình trạng gian lận, giả mạo để hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn (ốm đau, thai sản, BHTN...) gây thất thoát Quỹ BHXH bắt buộc còn diễn ra. Cơ chế, chính sách, quá trình tổ chức thực hiện cũng bộc lộ những bất cập cần phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp như cơ chế đóng - hưởng BHXH, đặc biệt cần quan tâm đến nhóm đối tượng đang hưởng mức lương hưu thấp hơn mức tiền lương cơ sở; chế tài xử lý vi phạm về đóng BHXH còn nhẹ chưa đủ sức răn đe. Công tác tuyên truyền còn hạn chế, chưa có các tài liệu tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu phù hợp với các nhóm đối tượng. Cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng Quỹ BHXH còn hạn chế trong các khâu nghiệp vụ; thủ tục hành chính – mặc dù liên tục cải cách – vẫn có mặt rườm rà, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý BHXH còn hạn chế, chất lượng cung cấp dịch vụ công chưa đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân khi giao dịch với cơ quan BHXH. Nguyên nhân được chỉ rõ ở cả hai góc độ, về cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện, từ đó làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện các giải pháp quản lý và thực hiện tốt các chế độ BHXH ở Việt Nam trong thời gian tới.
Thiết thực học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong hoạt động BHXH thiết nghĩ cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Kế thừa và phát triển tư tưởng của Người, cần quan tâm đầu tư và có chiến lược truyền thông phù hợp, hiệu quả, đi sâu vào từng đối tượng cụ thể, với thông điệp ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật BHXH theo những quy định mới của Luật BHXH (sửa đổi)./.




Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội