Thực hành tiết kiệm theo di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

20/09/2016 08:58 AM




Quan điểm và tấm gương thực hành tiết kiệm trong Di chúc

Trong 04 năm, mỗi năm dành 5-7 ngày vào dịp sinh nhật, mỗi ngày khoảng 01 tiếng, Người viết tài liệu “Tuyệt đối bí mật”. Tất cả thời gian còn lại, Người bình thản trở về với công việc của một vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, nhà hoạt động không biết mệt mỏi cho cách mạng Việt Nam và thế giới. Người viết Di chúc không dài, chỉ tóm tắt vài việc, để lại cho hậu thế nhiều điều suy ngẫm, trong đó có ý thức tiết kiệm thời gian và làm việc khoa học, cần cù. 16 giờ, ngày 14/05/1965, Người đánh máy xong tài liệu “Tuyệt đối bí mật”. 18 giờ cùng ngày, các đồng chí Bộ Chính trị và một số đồng chí Trung ương vào chúc thọ, Người rất bất ngờ và xúc động nói: “Bác cảm ơn các chú đã có lòng nhưng trong lúc toàn dân ta đang kháng chiến gian khổ, mọi công việc hết sức khẩn trương, mà lại đi tổ chức chúc thọ một cá nhân như thế này là không nên”.
Quan điểm thực hành tiết kiệm (thời gian, sức lao động) thấm vào toàn bộ quá trình 04 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Di chúc, Người thực hiện việc này có kế hoạch, thậm chí sử dụng giấy cũng rất cẩn thận. Thư ký riêng của Bác, đồng chí Vũ Kỳ, kể lại trong cuốn sách Bác Hồ viết Di chúc: Ngày 10/05/1969, từ 9 giờ 30 đến 10 giờ 30, “Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu vào mặt sau tờ tin tham khảo đặc biệt ra ngày 03/05/1969”. Trước đó, nhiều thế hệ người Việt Nam đã biết tới việc Người viết giấy một mặt, dùng chiếc phong bì hai, ba lần, thói quen ấy một lần nữa lại được tái hiện trong bối cảnh lịch sử đặc biệt, làm mọi người đều cảm thấy hết sức xúc động. Nhưng thể hiện rõ nhất, đậm nét nhất chính là những dòng Người viết trong Di chúc năm 1968 - sau 02 năm hầu như không viết gì thêm, ngoài câu “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” viết bổ sung năm 1966 – đề cập kỹ hơn về việc riêng: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.
Tâm nguyện suốt đời, ham muốn tột bậc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Vì vậy, khi từ biệt thế giới, Người mong rằng Đảng, Nhà nước “chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”; yêu cầu “thi hài được đốt đi”, tro cho vào 03 cái hộp sành, chôn trên 03 quả đồi ở 03 miền Bắc, Trung, Nam để “không tốn đất ruộng”; trường hợp “khi ta có nhiều điện” thì điện táng tốt hơn (hai từ “đốt đi” trong văn bản năm 1965 in nghiêng, thể hiện sự nhấn mạnh và quan tâm đặc biệt tới phương thức chôn cất này của Người); không đòi hỏi bia đá, tượng đồng, chỉ “nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi”. Ngay cả khi còn sống, Người không ở trong lầu tháp nguy nga, chỉ trú ngụ trong nhà cũ của một người thợ điện trong 05 năm và sau đó, là ngôi nhà sàn đơn sơ đến tận cuối đời. Chuyện kể rằng Văn phòng Trung ương đến báo cáo, xin phép Người thông qua kế hoach xây dựng trụ sở; nhà khách; nhà để Người sinh sống và tiếp khách cho đàng hoàng; nhưng Người không đồng ý vì: “Cách mạng lấy sức mạnh trong lòng dân, chứ không phải ở ngôi nhà to hay nhỏ. Bác ở như thế này là đầy đủ lắm rồi”.

Một số giải pháp thực hành tiết kiệm theo tấm gương Hồ Chí Minh

Di chúc thể hiện tầm vóc của một trí tuệ siêu việt, một trái tim nhân văn lớn, cô đúc tư tưởng Hồ Chí Minh và là một cương lĩnh xây dựng đất nước sau chiến tranh theo tinh thần đổi mới. Di chúc bàn tới kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo để xây dựng lại đất nước đẹp đẽ “hơn mười ngày nay”, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Trong những việc cần làm ngay, làm thường xuyên và phải đạt hiệu quả trong từng công việc là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiết kiệm trong Di chúc thể hiện tầm nhìn chiến lược, một di sản lý luận và thực tiễn soi sáng cuộc vận động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Đảng ta hiện nay. Qua 45 năm thực hiện Di chúc của Người, hiện nay đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, tuy nhiên vẫn là một nước nghèo. Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được nhận thức như một cuộc cách mạng trong lĩnh vực văn hóa, đạo đức; góp phần làm chuyển biến xã hội, đưa đất nước phát triển cùng thời đại; nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hành tiết kiệm và chỉ ra một trong những trở lực của sự phát triển là lãng phí.
Với tinh thần nhìn thẳng - nói rõ - đánh giá đúng sự thật, phải thành thật thừa nhận rằng, hiện Việt Nam đang có quá nhiều tình trạng lãng phí, cả về thời gian, sức lao động, chi phí vật chất; sử dụng vốn và tài sản tại các doanh nghiệp Nhà nước chưa hiệu quả; lãng phí trong quản lý tài sản công; sử dụng tài nguyên khoáng sản; quy hoạch bố trí dự án dàn trải, kém hiệu quả; chậm tiến độ giải ngân các nguồn vốn của Nhà nước; chậm tiến độ xây dựng các công trình, dự án sử dụng ngân sách nhà nước; chất lượng công trình kém... và đặc biệt, là lãng phí chất xám, thể hiện ở việc bố trí nhân lực không đúng chỗ, chưa thật sự quan tâm, sử dụng người tài, chưa “khéo dùng cán bộ” theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trước đây và hiện nay, lãng phí đều là kẻ thù của nhân dân. Kẻ thù này không mang gươm, mang súng nhưng vô cùng nguy hiểm, bởi nằm trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; trong tư duy của cán bộ lãnh đạo; trong tổ chức... để phá hoại từ trong phá ra. Lãng phí, thậm chí còn gây thiệt hại hơn cả tham nhũng, ảnh hưởng đến sự nghiệp xây dựng nước nhà, cải thiện đời sống nhân dân và đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Vì vậy, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong bối cảnh mới cần có tư duy đổi mới, mang tính đột phá với ý nghĩa cách mạng và khoa học sâu xa:
Thứ nhất, cuộc vận động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và hành động của chúng ta phải xác định rõ mục đích vì cách mạng, vì đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Đây là công việc hằng ngày, suốt đời, chứ không chỉ gói gọn trong một đợt học tập. Nếu chỉ nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói một đường làm một nẻo là có tội với nhân dân và những người đã hy sinh tính mạng, hy sinh một phần xương máu vì nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc.
Thứ hai, lực lượng cần phải thực hành tiết kiệm trước hết, hằng ngày, thường xuyên, bền bỉ là đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Mũi nhọn cần phải tập trung chống lãng phí trước hết cũng ở đây.
Thứ ba, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là văn hóa. Văn hóa tiêu dùng, văn hóa trong công tác hằng ngày phải thấm sâu vào từng hành vi của mỗi người, gia đình, cộng đồng và thành nền nếp thì mới mang lại hiệu quả bền vững.
Thứ tư, không nên chỉ dừng lại ở nhận thức, mà phải đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bởi nếu không tiến hành việc này triệt để, có hiệu quả thì sự tồn vong của Đảng, chế độ sẽ bị ảnh hưởng.
Thứ năm, tiết kiệm không chỉ là vấn đề chính trị mà là một khái niệm triết học, đạo đức. Lãng phí ẩn chứa trong nhiều hành vi của con người, làm không chỉ mất mát về vật chất, mà còn tha hóa con người. Vì vậy, tiết kiệm là một cách thức làm cho xã hội, con người tiến bộ, thuộc phạm trù nhân cách của con người.
Thứ sáu, phải có một hệ thống giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Kêu gọi đạo đức, văn hóa, giáo dục tư tưởng, chính trị là cần nhưng chưa đủ, phải có cơ chế quản lý xã hội, trong đó chú trọng cơ chế về giám sát và chế độ trách nhiệm (trách nhiệm với nước, với dân, với xã hội, với chính mình). Thiếu chế độ trách nhiệm thì chế độ pháp lý cũng mờ nhạt, hay nói cách khác, chế độ trách nhiệm làm cho chế độ pháp lý có hiệu lực hơn.
Thứ bảy, phải làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức chống lãng phí là một cuộc cách mạng, dân chủ, giữ gìn và nâng cao uy tín của Đảng, cán bộ, Đảng viên, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu; giữ được hình ảnh đẹp của Việt Nam trong mắt bè bạn quốc tế. Làm tốt tiết kiệm, chống lãng phí là một cuộc chiến đấu khổng lồ, “cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.
Thứ tám, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí quan trọng nhất là bằng hành vi cụ thể, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, không cần nói mà thể hiện bằng việc làm hằng ngày theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Cán bộ, Đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp đi trước, nhân dân học theo.
Thứ chín, cần nhận thức đúng, khoa học vấn đề tiết kiệm theo tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn”. Trong xã hội mở hiện nay, có nhiều “cung bậc” tiết kiệm, chi phí ít nhất là tiết kiệm, giảm chi tiêu là tiết kiệm... Những cách làm đó cần thiết nhưng chưa thấy quốc gia nào phồn thịnh chỉ bằng tiết kiệm. Quan trọng là đầu tư, chi phí có hiệu quả; đầu tư, chi phí ít nhất nhưng đạt hiệu quả tốt nhất, nhanh nhất; đặc biệt, chú ý đừng để lãng phí chất xám, người tài.
Thứ mười, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải có đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng - xử phạt đúng mức và phải có tác dụng giáo dục, thúc đẩy công tác.
Như vậy, có thể thấy, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm qua Di chúc hết sức ngắn gọn, súc tích nhưng tinh thần, tấm gương thực hành tiết kiệm của Người là vĩnh hằng, tỏa sáng mãi về sau, đang và sẽ là động lực to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước, góp phần to lớn đưa nước ta sánh bước cùng thời đại./.




Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội