Từ 9/9/2016: Xác định và quản lý đối tượng tham gia BHYT theo quy định mới

23/09/2016 07:49 AM




Theo Thông tư số 25 của Bộ LĐ-TB&XH (có hiệu lực ngày 9/9/2016), đối tượng tham gia BHYT thuộc diện được Nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT được xác định và quản lý theo quy định tại Khoản 4, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.

Cụ thể, có 10 nhóm đối tượng sẽ áp dụng theo Thông tư này gồm: Người có công với cách mạng; thân nhân của người có công với cách mạng; người phục vụ người có công với cách mạng; cựu chiến binh; trẻ em dưới 6 tuổi; đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ gia đình nghèo hoặc đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn; người thuộc hộ gia đình cận nghèo; HSSV đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Bộ LĐ-TB&XH quản lý; người thuộc hộ gia đình làm nông- lâm- ngư- diêm nghiệp có mức sống trung bình.

Về nguyên tắc, người tham gia BHYT thuộc đối tượng nào thì xác định theo đối tượng đó; nếu thuộc nhiều đối tượng tham gia thì chỉ xác định theo một loại đối tượng theo quy định của Luật BHYT.

Khi xác định đối tượng tham gia BHYT, phải bảo đảm đủ căn cứ. Cụ thể như:

- Quyết định công nhận và giải quyết chế độ của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đối với người có công với cách mạng; cựu chiến binh; thân nhân người có công; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; người phục vụ người có công.

- Danh sách hằng năm được Chủ tịch UBND cấp xã xác nhận đối với người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo; hộ gia đình làm nông- lâm- ngư- diêm nghiệp có mức sống trung bình; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn.

- Quyết định trợ cấp xã hội hằng tháng của Chủ tịch UBND cấp huyện đối với người thuộc diện được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội.

- Giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh đối với trẻ em dưới 6 tuổi. Trường hợp trẻ em chưa có những giấy tờ trên, thì căn cứ vào xác nhận của UBND cấp xã nơi đăng ký thường trú về việc chưa được cấp thẻ BHYT hoặc giấy tạm trú, sổ tạm trú.

- Danh sách do cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Bộ LĐ-TB&XH quản lý xác định đối với HSSV đang theo học tại cơ sở.

- Danh sách do cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh và người có công xác định đối với đối tượng người có công, bảo trợ xã hội được nuôi dưỡng trong cơ sở.

- UBND cấp xã, cơ sở nuôi dưỡng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc ngành LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm xác định và quản lý đối tượng tham gia BHYT theo quy định tại Thông tư này.

Về trình tự, đối với đối tượng tham gia BHYT sinh sống tại cộng đồng, sau khi nhận danh sách- nếu đúng đối tượng- thì trong thời hạn 10 ngày, BHXH cấp huyện phải thực hiện cấp thẻ BHYT và chuyển cho UBND cấp xã giao cho đối tượng; nếu không đúng hoặc thiếu thông tin thì trong 3 ngày phải chuyển lại để UBND cấp xã hoàn thiện lại. Còn đối với các đối tượng khác do các cơ sở trực tiếp quản lý, thì cơ sở quản lý phải có nhiệm vụ lập danh sách gửi cơ quan BHXH để cấp thẻ BHYT hoặc phối hợp với cơ quan BHXH thực hiện rà soát và cấp thẻ.

Ngoài ra, Thông tư còn quy định cụ thể về phương thức, trách nhiệm đóng BHYT; trách nhiệm của UBND các cấp, cơ sở nuôi dưỡng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và BHXH Việt Nam trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện quy định này./.




Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội