Đạo đức Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội Việt Nam hiện nay

26/09/2016 09:02 AM




1. Quan niệm của Hồ Chí Minh về vai trò của đạo đức trong xã hội.

Một là, Hồ Chí Minh coi đạo đức là gốc, là nền tảng của con người

Hồ Chí Minh coi đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, cũng giống như gốc của cây, ngọn nguồn của sông, suối. Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[1].

Theo Hồ Chí Minh, đạo đức là nền tảng tinh thần của con người, giúp cho con người vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách. Có đạo đức sẽ giúp người cán bộ cách mạng không lùi bước trước khó khăn gian khổ, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng. “Có đạo đức cách mạng thì gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, không rụt rè, lùi bước”, “khi gặp thuận lợi, thành công vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn”, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, …đó là biểu hiện của đạo đức cách mạng[2].

Đạo đức có nội hàm sức mạnh to lớn. Như Hồ Chí Minh  vẫn thường nói, đối với con người, sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa, người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng. Bởi lẽ, sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp rất to lớn, khó khăn và nặng nề; con đường đi đến độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là con đường dài, không phải là một đại lộ thẳng tắp. Nó đòi hỏi sự phấn đấu không ngừng của mỗi người, mỗi thế hệ, hơn nữa còn của nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Nếu không có đạo đức cách mạng làm nền tảng, người cán bộ có thể mềm lòng, nản chí, xuôi tay. Có đạo đức cách mạng sẽ giúp người cán bộ cách mạng không lùi bước trước khó khăn gian khổ, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng.  Hồ Chí Minh cho rằng, đạo đức là cái “gốc” của người cách mạng. Đạo đức cách mạng giúp người cán bộ phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện hoàn thiện bản thân trong quá trình tham gia cách mạng, lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt, chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa.  Chăm lo cái gốc, cái nguồn, cái nền tảng ấy phải là công việc thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, của mỗi gia đình và mỗi con người trong xã hội.

Quan niệm lấy đức làm gốc của Hồ Chí Minh không có nghĩa là tuyệt đối hóa mặt đức, coi nhẹ mặt tài. Đức là gốc, nhưng đức và tài, hồng và chuyên phải kết hợp, phẩm chất và năng lực phải đi đôi, không thể có mặt này, thiếu mặt kia. Đức là nền tảng của tài, định hướng cho tài phát triển. Ngược lại, tài là thành tố góp phần tạo nên đức, hoàn thiện đức. Do đó, người cán bộ cần phải có cả hai phẩm chất này. Như Hồ Chí Minh đã phân tích: Người có đức mà không có tài thì cũng chẳng khác gì ông bụt ngồi trong chùa, không làm hại ai, nhưng cũng chẳng có ích gì cho loài người. Ngược lại, nếu người có tài mà không có đức, thì cũng chẳng khác gì một anh làm kinh doanh giỏi, đem lại nhiều lãi, nhưng lãng phí, tham ô, ăn cắp của công, như vậy, chỉ có hại cho dân cho nước, còn sự nghiệp của bản thân thì sớm muộn cũng đổ vỡ. Người thực sự có đức thì bao giờ cũng cố gắng học tập, nâng cao trình độ, nâng cao năng lực, tài năng để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Khi đã thấy sức không vươn lên được thì đối với ai có tài hơn mình, mình sẵn sàng học tập, ủng hộ và nhường bước để họ vượt lên trước. Ý nghĩa “đức là gốc” chính là ở chỗ đó.

Hai là, Hồ Chí Minh coi đạo đức là vũ khí sắc bén phục vụ cho sự nghiệp cách mạng.

Lênin đã từng nói: Đạo đức đó là những gì góp phần phá hủy xã hội cũ của bọn bóc lột và góp phần đoàn kết tất cả những người lao động chung quanh giai cấp vô sản đang sáng tạo ra xã hội mới của những người cộng sản”[3].

Đạo đức chính là những phẩm chất đòi hỏi con người cần phải có để tham gia vào cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, để cống hiến được nhiều nhất cho cuộc đấu tranh đó. Đạo đức là gốc, là nguồn, là nền tảng của người cách mạng,  bởi vì muốn làm cách mạng thì trước hết con người phải có cái tâm trong sáng, cái đức cao đẹp đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động, với cả dân tộc mình. Cái tâm, cái đức ấy lại phải thể hiện trong các mối quan hệ xã hội hàng ngày với dân, với nước, với đồng chí, đồng nghiệp, với mọi người xung quanh mình. Phải có tâm, có đức mới giữ vững được chủ nghĩa Mác – Lênin và đưa được chủ nghĩa Mác – Lênin vào cuộc sống.

Trong thực tiễn cách mạng Việt Nam, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu về đạo đức cách mạng, như Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Thụ… Các đồng chí đó đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, trước hết, không lùi bước trước kẻ thù, dũng cảm hy sinh oanh liệt. Các đồng chí đó đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập.

Ba là, theo Hồ Chí Minh  đạo đức là nhân tố làm tăng thêm sức mạnh của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Theo Hồ Chí Minh, sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội không phải ở lý tưởng cao xa nào, mà trước hết, cụ thể và trực tiếp là ở những người cộng sản ưu tú bằng tấm gương sống và hành động của mình, chiến đấu cho lý tưởng đó thành hiện thực. Củng cố hay làm suy giảm niềm tin của quần chúng vào tương lai của chủ nghĩa xã hội không phải ở những sai lầm và thất bại tạm thời, mà chủ yếu là ở sự sa sút thoái hóa của những người được mệnh danh là “những chiến sĩ tiên phong”của cách mạng.

Nhận thức được vai trò và sức mạnh của sự nêu gương, Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc đến tấm gương đạo đức của V.I. Lênin: “Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người, không gì ngăn cản nổi”[4].

Hồ Chí Minh cho rằng, đã là cán bộ, đảng viên thì trước hết phải trở thành một công dân mẫu mực, làm nòng cốt cho giữ gìn phẩm chất đạo đức và kỷ cương xã hội. Sự mực thước, nêu gương của người cán bộ, đảng viên trước nhân dân là vô cùng cần thiết. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán hai chữ cộng sản mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.

Cuộc đấu tranh của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng là theo lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Đặc trưng của lý tưởng cộng sản chủ nghĩa là tính nhân đạo chân chính, với phương châm “tất cả vì con người, vì hạnh phúc của con người”. Sự thỏa mãn toàn diện và triệt để nhu cầu vật chất và tinh thần của con người khiến lý tưởng cộng sản chủ nghĩa mang giá trị đạo đức, văn minh. Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn Đảng ta “chủ nghĩa cộng sản là mục đích cuối cùng của Đảng ta. Đấu tranh cho chủ nghĩa cộng sản là lẽ sống của người đảng viên…,mỗi đảng viên nâng cao quyết tâm phấn đấu suốt đời cho lý tưởng cộng sản…,cần luôn ghi nhớ: Người cộng sản chúng ta không được phút nào quên lý tưởng cao cả của mình là: suốt đời làm cách mạng phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, làm cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản thắng lợi hoàn toàn trên  Tổ quốc ta và trên thế giới”[5]. Đảng xác định mục tiêu của mình là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, xây dựng một xã hội mới văn minh tiến bộ - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Chính vì vậy, Đảng đại diện cho lực lượng tiên tiến, là bộ phận tinh hoa của xã hội, là một tập thể đại diện cho văn minh, tiến bộ.        

Đạo đức cách mạng là gốc của Đảng cách mạng. Gốc có vững bền, nền mới chắc. Không có đạo đức cách mạng, Đảng không có sức mạnh, không hoàn thành được sứ mệnh lịch sử trước giai cấp và dân tộc.  Muốn biết Đảng đó như thế nào hãy nhìn vào đội ngũ đảng viên. Đảng viên tốt, thì Đảng mạnh. Theo Hồ Chí Minh: “Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nghĩa là những người thợ thuyền, dân cày và lao động trí óc kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Những người mà: Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục”[6]. Đảng là một tập thể bao gồm hầu hết những đảng viên vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn, tài đức vẹn toàn, kết thành một tổ chức có năng lực trí tuệ cao, có trình độ văn hóa, có lý luận tiên phong đủ sức dẫn đường cho quần chúng trong các giai đoạn phát triển của lịch sử.

Bốn là, đạo đức cách mạng giúp cho người cán bộ  chiến thắng chủ nghĩa cá nhân.

Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chủ nghĩa cá nhân là một trở ngoại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”[7].      Người còn chỉ rõ, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, người cách mạng cần phải nhận rõ có ba loại kẻ địch nguy hiểm nhất: Một là, chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc phản động. Hai là, thói quen và truyền thống lạc hậu. Ba là, chủ nghĩa cá nhân. Nó là bạn đồng hành của hai loại kẻ địch trên. Chủ nghĩa cá nhân là kẻ địch khó chống nhất. Vì “nó ẩn nấp trong mình mỗi người chúng ta. Nó chờ dịp, hoặc thất bại, hoặc dịp thắng lợi, để ngóc đầu dậy”[8]. Nó là nguyên nhân chính trong các khuyết điểm mà cán bộ, đảng viên thường mắc. Kinh nghiệm cho thấy, chiến thắng tiêu cực ở người khác, ở ngoài xã hội đã khó, nhưng chiến thắng tiêu cực ở chính mình còn khó hơn nhiều.

Hồ Chí Minh đã vạch ra chân tướng và biểu hiện cụ thể của chủ nghĩa cá nhân là: so bì đãi ngộ lương thấp, lương cao, quần áo đẹp, xấu; là việc gì cũng chỉ lo lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể, “miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Theo Người, do chủ nghĩa cá nhân mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa; tham danh trục lợi, chỉ thích địa vị quyền hành; tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền; xa quần chúng, xa thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh; không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. Cũng do chủ nghĩa cá nhân mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra mọi thói hư tật xấu, như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, lãng phí, tham ô, bè phái, địa phương chủ nghĩa…

Theo Hồ Chí Minh, muốn đánh thắng kẻ địch bên ngoài, thì trước hết phải đánh thắng kẻ địch bên trong là chủ nghĩa cá nhân. Muốn đánh thắng kẻ thù là chủ nghĩa đế quốc, muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, thì trước hết phải chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi cán bộ, đảng viên. Với Hồ Chí Minh, “chủ nghĩa cá nhân là trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng”[9]. Vì vậy, muốn thành người cộng sản chân chính phải chống chủ nghĩa cá nhân. Theo Người, muốn có con người xã hội chủ nghĩa phải xây dựng tư tưởng xã hội chủ nghĩa, mà muốn có tư tưởng xã hội chủ nghĩa phải gột sạch chủ nghĩa cá nhân, phải chống chủ nghĩa cá nhân. Hồ Chí Minh khẳng định, đạo đức cách mạng giúp cho người cán bộ cách mạng chiến thắng chủ nghĩa cá nhân. Người cán bộ phải trải qua một quá trình tự giác tu dưỡng, rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ; phải trải qua thực tiễn đấu tranh chống lại chủ nghĩa cá nhân, đạo đức cách mạng mới được củng cố bền vững. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Có gì sung sướng vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng loài người”[10].

Nhân dịp kỷ niệm lần thú 39 Ngày thành lập Đảng (3-2-1969), Hồ Chí Minh đã viết bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, đăng trên báo Nhân dân. Bài viết tập trung vào vấn đề trau dồi đạo đức cách mạng, tẩy trừ chủ nghĩa cá nhân của cán bộ, đảng viên. Người viết: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và kỷ luật”[11].

Thực tiễn cách mạng nước ta chứng minh có những cán bộ, đảng viên có nhiều công lao, nhưng không chịu khó tu dưỡng rèn luyện, để mất đạo đức cách mạng, thì chẳng những không hoàn thành nhiệm vụ cách mạng, mà còn vấp ngã, thất bại. Và nơi nào đội ngũ cán bộ mạnh, có đạo đức cách mạng gương mẫu, năng động, thì nơi đó hoàn thành tốt nhiệm vụ.

2. Đạo đức Hồ Chí Minh - nền tảng cho sự phát triển của xã hội hiện nay.

Xuất phát từ nhận thức đúng đắn về vai trò của đạo đức, Hồ Chí Minh đã tự rèn luyện để có phẩm chất đạo đức cao quý của người cộng sản. Suốt thời gian bôn ba ở nước ngoài, tìm đường giải phóng cho dân tộc, Hồ Chí Minh đã trở thành người cộng sản có đạo đức cách mạng sáng ngời. Hồ Chí Minh là hiện thân của sự hoàn thiện, hoàn mỹ về đạo đức: Yêu đồng bào, yêu nhân dân, triệt để cách mạng và vô cùng nhân từ; uyên bác mà cực kỳ khiêm tốn; vĩ đại mà rất mực bình dị. Bằng lời nói và việc làm, bằng giảng giải và nêu gương, Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho mọi người thấy thế nào là một đạo đức cao đẹp, một cuộc sống đáng sống. Người nâng cao tâm hồn và tình cảm của nhân dân, khiến mọi người đều cảm thấy mình luôn luôn lớn lên và đầy niềm tự hào trước sự nghiệp vĩ đại và trước tấm gương đạo đức sáng ngời của Người.

Bản thân Hồ Chí Minh đã suốt đời không ngừng tự tu dưỡng, tự rèn luyện mình về đạo đức để trở thành “tấm gương tuyệt vời về con người mới”, thành hình ảnh mẫu mực về “người lãnh đạo và người đày tớ thật trung thành của nhân dân”, chẳng những có sức lối cuốn, cảm hóa mãnh liệt đối với toàn thể dân tộc, mà còn ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thể giới. Nhiều lãnh tụ chính trị, học giả, nhà văn, nhà báo có tiếng đã viết về sức cổ vũ kỳ diệu của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đối với nhân dân nước mình và chứng minh rằng: Do ngưỡng mộ một nhân cách vĩ đại như vậy, có biết bao lớp người trẻ tuổi đã đứng vào hàng ngũ cộng sản, tình nguyện hiến dâng đời mình cho cuộc đấu tranh vì tự do độc lập, vì tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cho mọi người. Tùy theo từng thời kỳ cách mạng, Người đã đề ra những yêu cầu đạo đức sát hợp để mọi người phấn đấu rèn luyện, nhằm hoàn thành nhiệm vụ ngày càng nặng nề, khó khăn, phức tạp hơn, từ đó mà giành thắng lợi ngày càng to lớn cho cách mạng.

Khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Hai mươi bốn năm trên cương vị Chủ tịch nước, Người đã kiên trì giáo dục cán bộ, đảng viên về đạo đức mới, đạo đức cách mạng. Nếu quyền lực là sức mạnh để giữ vững những thành quả cách mạng, để tổ chức và xây dựng chế độ xã hội mới, để phát triển kinh tế và văn hóa, để biến đất nước ta từ nghèo nàn, lạc hậu trở thành giàu mạnh, văn minh, thì quyền lực lại có mặt trái của nó là có thể làm tha hóa con người nắm quyền lực, có thể đưa đến những tổn thất lớn cho cách mạng. Hồ Chí Minh đã nhìn thấy điều này từ rất sớm, không phải chỉ ở trong nước, mà còn ở nhiều nước khác.

Những vấn đề đạo đức mà Người đặt ra với cán bộ, đảng viên chính là nhằm ngăn chặn, khắc phục những hiện tượng tha hóa có thể hoặc đã xảy ra, nhất là để chống lại những khuynh hướng sai lệch về quyền lực như quan liêu, cậy thế, cậy quyền, lợi dụng quyền lực, lạm dụng quyền lực, say mê quyền lực, chạy theo quyền lực, tranh giành quyền lực, tham quyền, cố vị…những tệ nạn có thể trở thành nguy cơ làm sụp đổ sự nghiệp của một người, thậm chí của cả một Đảng Cộng sản.

Trong bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa, vấn đề đạo đức của cán bộ, đảng viên được Người đặc biệt nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”[12]. Chỉ một đoạn ngắn nói về Đảng, Hồ Chí Minh đã bốn lần nhấn mạnh chữ “thật” và “thật sự”. Thực hiện cho được một chữ thật hay thật sự có khi suốt đời chưa chắc đã làm nổi, trong khi cái giả, cái  dối, cái nửa vời lại vẫn thường trở đi trở lại hàng ngày. Điều căn dặn tâm huyết ấy của Người mãi mãi có ý nghĩa đối với việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, đối với công tác xây dựng Đảng.

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là một phần quý báu nhất trong di sản tư tưởng của Người, giống như những hạt kim cương đa diện, nhiều màu sắc. Cho dù chặng đường cách mạng mới có thể và nhất định sẽ hình thành những giá trị đạo đức mới, thì những giá trị đạo đức Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, vẫn là nền tảng vững chắc cho các quan hệ xã hội mới.

Đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng giữ vị trí nổi bật trong công cuộc xây dựng đời sống tinh thần của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; đang góp phần quan trọng điều chỉnh hành vi của mỗi người Việt Nam theo hướng chân, thiện, mỹ - một trong những điều kiện quan trọng để hình thành xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, mọi người sống với nhau nhân ái.

Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức của một vĩ nhân, một lãnh tụ cách mạng, một người cộng sản vĩ đại, đồng thời đó cũng là tấm gương đạo đức của một người bình thường, ai cũng có thể học theo để làm một người cách mạng, một người công dân tốt.

Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là lời giải về bài toán đạo đức của nhân loại mà giá trị của nó không thể phai mờ, đã góp sức “phục hưng” và “cải tạo một thời đại”. Trong tầm nhìn của nhân loại tiến bộ, Hồ Chí Minh là một trong những tâm gương sáng nhất về cuộc đời của một con người “đầy tình yêu nhân dân, đầy yêu thương con trẻ, dạt dào tình yêu Tổ quốc, yêu những người lao động, yêu Đảng, yêu chủ nghĩa xã hội và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa”[13]

Đạo đức Hồ Chí Minh là cơ sở để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng nói riêng, và xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói chung hiện nay. Nó là phương hướng đúng đắn và là yếu tố trọng yếu đảm bảo cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong mọi thời kỳ và hiện nay vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của Đảng và dân tộc ta./.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.5, tr. 252-253.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.8, tr. 236-237.
[3] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mátxcova, 1977, t.41, tr. 369.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.1, tr. 232.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, 2011, tr.114-115.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập,Tập 7, 2011, tr.50.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.9, tr. 291.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.8, tr. 287
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.9, tr. 283.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.9, tr. 293.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.12, tr. 439.
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.12, tr. 498.
[13] Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại, Nxb Lao đông-Nxb QĐND, H, 1993, tr. 120.




Nguồn: Theo Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương