Tìm hướng tiếp cận an sinh xã hội đối với người khuyết tật

27/09/2016 08:51 AM



Người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận việc làm.

"Lọt lưới" an sinh

Báo cáo “ASXH cho lao động là NKT ở Việt Nam", do Viện Khoa học lao động và xã hội (KHLĐXH) thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Tổ chức Haans Seidel Foundation khảo sát, nghiên cứu cho thấy, các hoạt động sinh kế của người lao động khuyết tật đang gặp rất nhiều khó khăn do có trình độ và sức khỏe kém hơn, vận động khó khăn hơn. Theo thống kê, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của NKT khá thấp, chỉ đạt 44,7% so tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trong độ tuổi là 72,03%. Có đến 21% số NKT không tham gia hoạt động sinh kế do mất khả năng lao động. Việc làm của NKT không bền vững và dễ bị tổn thương, với tỷ lệ làm công hưởng lương chỉ chiếm 14,28%, chỉ bằng một phần hai so nhóm không khuyết tật. Đáng chú ý, tỷ lệ lao động khuyết tật trong khu vực Nhà nước rất thấp, chỉ chiếm 4,7%. Trong khi đó, tại khu vực phi chính thức có tới 89,1% lao động khuyết tật làm việc tại hộ kinh doanh cá thể và 3,4% trong khu vực tư nhân... Đồng thời, NKT ở Việt Nam có nguồn vốn sinh kế kém, thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập. Phần lớn lao động khuyết tật đều nghèo, không ít các khoản vốn vay của họ rơi vào nợ xấu, nợ khó đòi. Có tới 49,4% số NKT sống trong hộ nghèo và cận nghèo. 82,2% số hộ gia đình có NKT chỉ bảo đảm đáp ứng được nhu cầu cơ bản ăn, ở, mặc cho NKT...

Trong khi đó, việc tiếp cận các chính sách ASXH như: BHXH, BHYT vô cùng khó khăn bởi các chính sách không có ưu đãi riêng cho NKT. Chỉ có 10,8% số NKT tham gia BHXH (trong đó 8,7% số NKT tham gia BHXH bắt buộc, 2,1% tham gia BHXH tự nguyện), còn gần 90% số NKT không tham gia BHXH, 31% không tham gia BHYT, mà nguyên nhân chính là không có khả năng về tài chính do việc làm bấp bênh và thu nhập thấp...

Viện trưởng KHLĐXH Đào Quang Vinh cho biết: Hiện NKT gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thị trường lao động như: Thiếu cơ hội việc làm, chưa được đào tạo nghề đúng mức cũng như tư vấn chọn nghề. NKT thiếu thông tin tìm kiếm, lựa chọn công việc phù hợp. Kênh tìm việc chủ yếu của họ đều thông qua giới thiệu của người thân, bạn bè. Thế nhưng, NKT lại thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ mất việc làm cao. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng cho thấy, có tới 31% số NKT chưa tham gia BHYT, hệ thống trang thiết bị chưa thật sự phù hợp với NKT. NKT còn gặp khó khăn trong tiếp cận các công trình công cộng, khó khăn khi tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch cũng như tham gia giao thông... Đồng thời, cơ hội đi học của NKT bị hạn chế, thời gian đi học ngắn hơn so lao động không khuyết tật, ở các cấp học càng cao thì khoảng cách này càng lớn. Vì thế, trình độ chuyên môn của lao động khuyết tật còn thấp. Khuyết tật càng nặng thì cánh cửa để có việc làm “tốt”, việc làm “chính thức” của họ càng xa. Lao động khuyết tật vẫn chủ yếu làm nghề giản đơn (46,9%) và trong khu vực nông nghiệp (29,4%), một lĩnh vực có thu nhập thấp và điều kiện sản xuất khắc nghiệt hơn các khu vực khác...

Tìm hướng tiếp cận ASXH mới đối với NKT

Theo Phó Cục trưởng Bảo trợ xã hội Nguyễn Ngọc Toàn, bảo đảm ASXH cho NKT đang trong độ tuổi lao động và đang làm việc là một trong những mục tiêu quan trọng của Việt Nam. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách tốt để bảo đảm NKT hòa nhập như: Hỗ trợ việc làm, giúp NKT tham gia vào thị trường lao động, hỗ trợ sinh kế, BHXH, BHYT… Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách ASXH đối với NKT, nhất là nhóm NKT có nhu cầu việc làm cũng còn hạn chế nhất định. Phần lớn NKT gặp nhiều rào cản khi tham gia thị trường lao động, khó khăn trong học nghề, tìm kiếm việc làm, năng suất lao động thấp dẫn đến thu nhập thấp... Để giải quyết vấn đề ASXH đối với lao động khuyết tật cần có hướng giải quyết, tiếp cận mới trong thời gian tới. Đó là, tập trung vào hệ thống ASXH phi chính thức và cần xây dựng những cấu phần ASXH đối với các nhóm đặc thù như NKT...

Nguyên Viện trưởng KHLĐXH Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, cùng với việc hoàn thiện hệ thống chính sách đối với NKT, cần phát triển hệ thống ASXH phi chính thức. Điều này có vai trò quan trọng trong việc phát triển vốn sinh kế, hoạt động sinh kế và kết quả sinh kế của NKT. Hệ thống ASXH phi chính thức có tính linh hoạt cao, dễ tiếp cận, có thể bù đắp những thiếu hụt, khoảng trống mà hệ thống ASXH chính thức chưa thực hiện được đối với những đối tượng NKT có nhu cầu nhưng chưa nằm trong diện được hỗ trợ của Nhà nước. Các đối tác tham gia vào mạng lưới ASXH phi chính thức đối với lao động khuyết tật chính là gia đình, người thân, cộng đồng, tổ chức xã hội từ thiện, các nhà hảo tâm và cả chính những NKT có cùng cảnh ngộ hỗ trợ lẫn nhau...

Cùng với đó, việc bảo đảm ASXH cho lao động khuyết tật không chỉ tập trung vào đáp ứng nhu cầu thực tiễn của NKT như: Ăn, ở, mặc, đi lại, y tế và chăm sóc sức khỏe, mà còn hướng vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm việc làm, thu nhập cho lao động khuyết tật, bảo đảm quyền và hướng tới hòa nhập. Do đó, cần đổi mới quan điểm tiếp cận đối với NKT, mở rộng chính sách hỗ trợ đến tất cả các nhóm NKT, dựa trên các nguyên tắc cơ bản về giáo dục, hỗ trợ, khuyến khích vươn lên; tăng cường công tác tuyên truyền về NKT. Hỗ trợ NKT tiếp cận giáo dục, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, BHYT, BHXH và các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm, đẩy mạnh và đổi mới công tác đào tạo nghề phù hợp điều kiện, sức khoẻ và nhu cầu của lao động khuyết tật. Tiếp tục đồng bộ phát triển hệ thống ASXH chính thức và phi chính thức...

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước có khoảng bảy triệu NKT, nhưng mới có 1,3 triệu NKT được cấp giấy xác nhận khuyết tật (chiếm 18,7%); có 2,63 triệu lao động khuyết tật, chiếm khoảng 5,3% tổng lực lượng lao động. Về trình độ chuyên môn kỹ thuật, có tới 91,7% số lao động khuyết tật không có bằng cấp, chứng chỉ...




Nguồn: Báo Nhân dân điện tử