Tăng tuổi nghỉ hưu: Cần lộ trình phù hợp

27/09/2016 09:02 AM




Yêu cầu cấp bách

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, tốc độ già hóa dân số của Việt Nam đang diễn ra nhanh nhất thế giới, với tỉ lệ người cao tuổi (NCT) tăng từ mức 6,9% dân số năm 1979 lên 10,5% dân số hiện nay. Trong khi đó, nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động lại giảm do chính sách giảm sinh. Dự báo đến năm 2035, tỉ lệ phụ thuộc của NCT lên NLĐ (giữa số người từ 65 tuổi trở lên so với 100 người trong độ tuổi từ 15- 64) sẽ tăng lên xấp xỉ 22% (hiện nay là 10). Tuổi thọ trung bình và kỳ vọng sống của người Việt Nam ngày càng tăng khiến quỹ BHXH đứng trước nguy cơ mất cân đối do thời gian chi trả lương hưu kéo dài. Do đó, nếu không cân nhắc tới việc tăng tuổi hưu sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trong tương lai.

Quỹ BHXH khó an toàn nếu không tăng tuổi nghỉ hưu

Lý giải về vấn đề này, ông Philip OKeefe - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết: Quỹ BHXH của Việt Nam đang đối mặt với những thách thức ngày càng nghiêm trọng khi quá trình già hóa “tăng tốc”. Theo tính toán trước khi sửa đổi Luật BHXH, quỹ BHXH sẽ bị thâm hụt từ năm 2020 và sẽ cạn nguồn dự trữ vào giữa năm 2030. Dù Luật BHXH 2014 đã cải thiện tình hình này, song yếu tố chính dẫn đến mất cân đối Quỹ là tuổi nghỉ hưu vẫn chưa được sửa đổi. “Do quy định, một số đối tượng hưởng BHXH nghỉ hưu sớm từ 3-4 tuổi. Trong khi đó, sau khi nghỉ hưu, nam giới sống trung bình thêm 20 năm và phụ nữ khoảng 30 năm. Tuổi nghỉ hưu đã không được điều chỉnh trong khi tuổi thọ trung bình tăng đáng kể là bất hợp lý”- ông Philip OKeefe nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học LĐXH cho rằng: Trước đây, khi tuổi thọ trung bình của Việt Nam thấp thì quy định nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi về hưu được coi là hợp lý. Tuy nhiên, đến nay tuổi thọ trung bình tăng lên gần 74 tuổi, mà chính sách vẫn giữ nguyên tuổi nghỉ hưu cũng như mức đóng BHXH là điều bất cập. Quỹ BHXH là “tọa thu tọa chi”, tức là tiền đóng của những người trẻ nuôi những người già về hưu. Từ những năm 1960, cứ 25 người đóng cho 1 người hưởng. Dự kiến đến năm 2040, khi tỉ lệ người già từ 60 tuổi trở lên chiếm tới 25%, thì 2 người trẻ phải đóng cho 1 người  hưởng. Vì thế, nếu không điều chỉnh tuổi về hưu, thì không thể giải quyết được tình trạng này.

Cần lộ trình hợp lý

Dưới góc độ kinh tế, ông Philip OKeefe đề xuất, Việt Nam cần tăng dần tuổi nghỉ hưu đối với cả lao động nam và nữ, mục tiêu cuối cùng là 65 tuổi đối với cả 2 giới. Việc thực hiện theo giai đoạn sẽ mất thời gian, nên mỗi năm sẽ tăng thêm 4-6 tháng và sau khi đạt mức độ này thì những lần điều chỉnh tiếp theo sẽ thực hiện tự động gắn với tuổi thọ trung bình khi nghỉ hưu. “Những biện pháp này thường vấp phải các thách thức, nhưng nếu càng để lâu thì thách thức càng lớn, nhất là khi thực hiện lại càng phải gấp rút hơn”- ông Philip OKeefe nhấn mạnh.

Theo ông Lê Đình Quảng- Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), để nâng tuổi hưu, cần chia NLĐ thành 2 nhóm: Lao động trực tiếp và lao động gián tiếp. Trong đó, chỉ nên nâng tuổi hưu với nhóm lao động gián tiếp, CCVC hoặc NLĐ trong khu vực HCSN. Do tính chất công việc và điều kiện cuộc sống, nên NLĐ ở nhóm này dù 55- 60 tuổi vẫn đủ năng lực, kinh nghiệm và chất xám.

Tại hội thảo quốc tế về già hóa dân số, ông Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng nhấn mạnh: Cần tăng tuổi nghỉ hưu để thích ứng với già hóa dân số cũng như tận dụng được năng lực, chuyên môn của lớp NCT. Tuy nhiên, vấn đề tăng tuổi hưu lại phụ thuộc nhiều yếu tố và phải hài hòa với việc phát triển nguồn nhân lực. “Kéo dài tuổi lao động giúp quỹ BHXH được vững vàng, nhưng phải tính đến vấn đề giới giữa lao động nam và nữ, tính chất ngành nghề, chứ không nên có tuổi nghỉ hưu chung cho tất cả các loại hình”- ông Đàm nhận định.

Ông Đàm Hữu Đắc- Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam cũng cho rằng, nên nâng tuổi nghỉ hưu cho NLĐ, nhất là lao động nữ. Hiện nay nhiều phụ nữ ở độ tuổi 55 còn rất khỏe và có trí tuệ, nhưng đã về nghỉ hưu thì lãng phí nguồn nhân lực./.




Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội