Giá DVYT với người không có BHYT: Dự kiến tăng từ đầu năm 2017

29/09/2016 09:07 AM




Chia làm 2 giai đoạn


Theo ông Nguyễn Nam Liên, Bộ Y tế đã xây dựng Dự thảo Thông tư điều chỉnh giá dịch vụ y tế (DVYT) đối với người không có thẻ BHYT. Việc tăng giá DVYT ở nhóm này cũng sẽ được chia làm 2 giai đoạn.

Người dân cần tham gia BHYT để được Quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh

Cụ thể từ ngày 1/1/2017, giá DVYT dành cho người không tham gia BHYT sẽ được điều chỉnh tăng khoảng 30% sau khi cộng thêm phụ cấp cấp ngày trực, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật. Còn từ 1/7/2017, giá DVYT sẽ cộng thêm chi phí tiền lương của nhân viên y tế. Hiện nay, mức giá DVYT mới này mới chỉ áp dụng cho người có thẻ BHYT. Tuy nhiên, mới có 16 tỉnh đạt tỉ lệ bao phủ BHYT 85% dân số áp dụng. Dự tính, từ nay đến hết năm 2016, các tỉnh còn lại sẽ áp dụng mức giá DVYT mới cho người có BHYT.

Ông Nguyễn Nam Liên cho biết, việc điều chỉnh giá DVYT đối với người không có thẻ BHYT được thực hiện sau khi tăng giá DVYT thanh toán đối với người bệnh có thẻ BHYT là để tạo sự bình đẳng trong việc KCB; đồng thời, cũng tạo động lực khuyến khích người dân tham gia BHYT.

Theo dự thảo này, một số dịch vụ sẽ tăng giá như: Nội soi dịch vụ có sinh thiết, giá hiện hành 410.000 đồng, giá mới từ 1/1/2017 là 525.000, từ tháng 7/2017 là 621.000; nội soi ổ bụng giá hiện tại là 575.000 đồng, tăng lên 684.000 vào tháng 1/2017 và tháng 7/2017 là 793.000 đồng; đỡ đẻ thường, giá khung tăng lên 567.000 đồng từ  tháng 1/2017 và 675.000 đồng từ tháng 7/2017; phá thai to từ tuần 13 đến tuần 22 sẽ tăng lên 877.000 đồng từ tháng 1/2017 và  1 triệu từ tháng 7/2017; mổ quặm 4 mi gây tê tăng lên 972.000 đồng và 1.176.000 đồng; cắt amidan gây mê tăng lên 855.000 đồng và 1.033.000 đồng; nội soi VA gây mê sử dụng dao Hummer (bao gồm cả tiền dao Hummer) tăng từ  lên 1.427.000 đồng và 1.541.000 đồng…

Tăng mức hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT

Hiện nay đã có gần 80% dân số có thẻ BHYT, chỉ còn khoảng 20% chưa tham gia, trong đó phần lớn là người có mức sống trung bình trở lên. Do đó, nếu không tham gia BHYT thì lúc bệnh tật sẽ chịu gánh nặng lớn.

Theo ông Liên, để khuyến khích người dân tham gia BHYT, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương chuyển phần ngân sách đang cấp tiền lương cho các BV hiện nay để hỗ trợ 30% còn lại cho người cận nghèo tham gia BHYT; nâng mức hỗ trợ người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình để họ tham gia BHYT (hiện nay đang hỗ trợ tối thiểu 30%).

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã đề nghị các tỉnh, thành phố bố trí ngân sách và huy động các nguồn vốn cho Quỹ hỗ trợ KCB người nghèo của tỉnh, chỉ đạo các BV sử dụng một phần chênh lệch thu chi để lập Quỹ hỗ trợ KCB, hỗ trợ các trường hợp có khó khăn trong chi trả giá DVYT.

Cũng theo ông Liên, để nâng cao chất lượng KCB, xứng đáng với “đồng tiền” mà người dân bỏ ra, Bộ Y tế đã chỉ đạo toàn hệ thống y tế nỗ lực thay đổi cả về “hình thức lẫn nội dung”. Theo đó, các BV được dành 15% tiền khám bệnh, ngày giường để cải tạo phòng khám và các buồng bệnh khang trang, sạch đẹp, tiện nghi hơn cho người bệnh.

Đề án BV vệ tinh cũng được mở rộng nhằm chuyển giao các kỹ thuật từ tuyến trên xuống tuyến dưới, nâng cao chất lượng KCB cơ sở. Phong trào đổi mới phong cách, thái độ để làm hài lòng người bệnh đã được triển khai khá rộng rãi tại các BV từ tuyến trên xuống tuyến dưới...

“Khi giá DVYT đã tính cả chi phí tiền lương, tiền phụ cấp thì Nhà nước sẽ rút dần kinh phí trước đây cấp cho các BV để chi lương và phụ cấp cho nhân viên y tế. Khi đó, các BV phải nỗ lực để nâng cao chât lượng KCB, thu hút bệnh nhân. Nếu làm không tốt, các bệnh nhân chê thì BV sẽ không có tiền trả lương. Do đó, đổi mới, nâng cao chất lượng KCB và thái độ phục vụ là việc “sống còn” của các BV”- ông Liên nói./.





Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội