Nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh nguy hiểm

03/10/2016 07:08 AM




Thông tin tại Hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, các dịch bệnh mới nổi như Ebola, Mers, Zika và bệnh do véc tơ truyền bệnh gây sốt xuất huyết (SXH) bùng phát tăng mạnh ở nhiều quốc gia.

Toàn xã hội phải chủ động phòng chống dịch bệnh

Tại Việt Nam, các bệnh nguy hiểm và mới nổi luôn có nguy cơ xâm nhập, bùng phát cao nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống. “Ngay như bệnh bạch hầu, vốn từ lâu không xuất hiện, nay lại “có mặt” và thành dịch ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và tỉnh Bình Phước, cho thấy lỗ hổng trong công tác tiêm chủng”- Bộ trưởng khuyến cáo.

Tỏ rõ lo ngại về dịch bệnh do virus Zika, ông Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trên thế giới hiện đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lưu hành hoặc lây truyền vi rút Zika. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur đã lấy 2.716 mẫu xét nghiệm tại 45 tỉnh, thành phố, trong đó có 3 trường hợp dương tính với Zika. Những trường hợp này không có liên quan dịch tễ học và không có tiền sử đi từ các khu vực bị ảnh hưởng. Như vậy, vi rút Zika đã lưu hành trong cộng đồng. Cũng nằm trong nhóm bệnh có nguy cơ lây truyền do muỗi, bệnh SXH cũng là một trong những dịch bệnh nằm trong danh sách “nóng” tại Việt Nam khi từ đầu năm đến nay, tại 53 tỉnh, thành phố ghi nhận tới 72.372 trường hợp mắc bệnh.

Bên cạnh đó, các bệnh đang lưu hành (tay chân miệng, bạch hầu, cúm mùa, sốt rét) cũng có nguy cơ bùng phát cao. PGS-TS.Nguyễn Văn Kính- Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới cho biết, năm nay sốt rét kháng thuốc tăng cao, bình quân mỗi tháng BV đều tiếp nhận khoảng 3- 4 bệnh nhân vào điều trị. Mặc dù có phác đồ chống kháng, nhưng nguồn thuốc hỗ trợ điều trị sốt rét ác tính hôn mê chưa được đáp ứng. Trong khi đó, ngày càng xuất hiện nhiều ca nhiễm trùng nặng trên những bệnh nhân có sẵn các bệnh nền; đồng thời xuất hiện nhiều vi khuẩn kháng kháng sinh trong môi trường BV, khiến việc điều trị hết sức khó khăn…

Trong khi tình hình diễn biến phức tạp, thì một số tỉnh vẫn lúng túng khi gặp ca bệnh hiếm gặp như ho gà, bạch hầu... Do đó, Cục Y tế dự phòng đề nghị các BV tuyến cuối duy trì đường dây nóng, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến cơ sở thông qua hệ thống hội chẩn trực tuyến, nhằm kịp thời cứu chữa những ca bệnh nặng; tiếp tục mở các lớp đào tạo hồi sức cấp cứu nhiễm khuẩn, bệnh truyền nhiễm; cập nhật những chẩn đoán và điều trị SXH, sốt rét và các bệnh dịch khác…

Để đối phó với các loại dịch bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị, toàn ngành Y tế cần tập trung vào dự phòng, phát hiện, đáp ứng và khống chế dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường giám sát, phát hiện sớm các tác nhân gây bệnh mới nổi, các ổ dịch, mở rộng điểm giám sát và lấy mẫu xét nghiệm; rà soát các đối tượng và tổ chức tiêm vét, nâng cao tỉ lệ tiêm chủng, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực chẩn đoán, điều trị cho BV các tuyến; phân tuyến điều trị; phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế. /.





Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội