Bộ Y tế hướng dẫn bổ sung thực hiện thanh toán BHYT theo giá dịch vụ y tế mới

03/10/2016 07:15 AM




Theo Bộ Y tế, thời gian qua, Bộ nhận được phản ánh của một số đơn vị, địa phương về một số vướng mắc trong triển khai Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc (gọi tắt là Thông tư 37). Sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam, Bộ làm rõ thêm và hướng dẫn bổ sung như sau.


Quy định với khám cấp cứu

Công văn 7117 quy định, “trường hợp người bệnh vào khoa cấp cứu, không qua khoa khám bệnh”. Nếu thời gian điều trị dưới 4 giờ, được thanh toán tiền khám bệnh, tiền thuốc và các dịch vụ kỹ thuật; không thanh toán tiền ngày giường bệnh điều trị nội trú. Nếu thời gian điều trị từ 4 giờ trở lên, thanh toán tiền ngày giường bệnh điều trị nội trú, tiền thuốc và các dịch vụ kỹ thuật theo quy định; không thanh toán tiền khám bệnh.

Về thanh toán tiền KCB, trường hợp người bệnh đến khám bệnh tại cơ sở KCB, đã được khám, cấp thuốc về điều trị nhưng sau đó thấy có biểu hiện bất thường, quay trở lại cơ sở KCB để khám lại ngay trong ngày hôm đó và được tiếp tục thăm khám thì lần khám này được coi như là lần khám thứ 2 trở đi trong một ngày. Theo Công văn 824 của Bộ Y tế hướng dẫn trước đó thì lần 2 , lần khám thứ 2 trở đi chỉ tính 30% mức giá của 1 lần khám bệnh nhưng mức thanh toán tối đa chi phí khám bệnh một ngày không quá 2 lần mức giá của 1 lần khám bệnh. Còn khám tại nhiều chuyên khoa khác nhau thì cũng được tính phí như lần khám bệnh lần 2, lần 3.

Về quy định giá ngày giường nội trú, Bộ Y tế nhấn mạnh, giá ngày giường điều trị đã tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết để chăm sóc và điều trị người bệnh. Do đó, các cơ sở y tế không thu thêm của người bệnh hoặc đề nghị thanh toán “ngoài” với quỹ BHYT như: Găng tay, bơm kim tiêm, kim lấy thuốc…

Nếu trong 1 ngày người bệnh chuyển từ 3 khoa trở lên thì giá ngày giường hôm đó sẽ tính giá trung bình cộng tiền ngày giường tại khoa có thời gian nằm điều trị trên 4 giờ có mức giá tiền giường cao nhất và tại khoa có thời gian nằm điều trị trên 4 giờ có mức giá tiền giường thấp nhất quy định tại Thông tư 37.

Định giá dịch vụ chưa được quy định

Công văn 7117 quy định giá một số dịch vụ không có trong danh mục dịch vụ kỹ thuật của Thông tư 43/TT-BYT và Thông tư 50/TT-BY. Dịch vụ nào có trong Thông tư 37 sẽ thanh toán theo Thông tư 37. Còn trường hợp đã được Bộ Y tế phê duyệt danh mục dịch vụ kỹ thuật: được áp dụng mức giá đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 1/3/2016 (nếu có).

Đối với các dịch vụ kỹ thuật chưa phiên tương đương thuộc các chuyên khoa Mắt, Răng hàm mặt, Tai mũi họng, Nội tiết, Hóa sinh, Tạo hình thẩm mỹ và Nhi khoa, tạm thời áp dụng theo mức giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 1/3/2016 (nếu có) đến khi có quy định phiên tương đương.

Công văn 7117 cũng đã hướng dẫn áp dụng giá trong 8 dịch vụ cụ thể do sơ xuất nên trong quá trình soạn thảo Thông tư 37 còn thiếu như: dịch vụ “Theo dõi tim thai và cơn co tử cung bằng monitoring” các cơ sở KCB tiếp tục áp dụng mức giá hiện được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 1/3/2016. Trường hợp theo dõi tim thai và cơn co tử cung của sản phụ khoa trong cuộc đẻ thì thanh toán 01 lần/ngày điều trị.

Trước đây, nhiều cơ sở y tế đã thắc mắc về giá dịch vụ của chuyên khoa mắt không ghi rõ 1 mắt hay 2 mắt nên khó thanh toán. Do đó, Bộ Y tế quy định: Các thủ thuật của chuyên khoa mắt không được ghi chú 1 mắt, 2 mắt hay 1 mi, 2 mi; dịch vụ “Rửa cùng đồ 1 mắt”, “Siêu âm chẩn đoán”… sẽ được thanh toán theo số lần chỉ định thực hiện, không tính theo số mắt hay số mi.

Đối với dịch vụ Tắm điều trị bệnh nhân bỏng và Tắm điều trị bệnh nhân hồi sức, cấp cứu bỏng, theo quy trình người bệnh sau khi tắm có thay băng bỏng. Do đó, cơ sở KCB thực hiện thanh toán với quỹ BHYT và thu của người bệnh như sau: Trường hợp không gây mê, cơ sở KCB thanh toán với quỹ BHYT và người bệnh thanh toán bằng 70% giá dịch vụ “Tắm điều trị bệnh nhân bỏng” và 100% giá dịch vụ thay băng bỏng. Trường hợp tắm có gây mê, cơ sở KCB thanh toán với quỹ BHYT và người bệnh thanh toán 70% giá dịch vụ “Tắm điều trị bệnh nhân hồi sức, cấp cứu bỏng” và 100% giá dịch vụ thay băng bỏng.

Ngoài ra, Công văn 7117 cũng đã quy định rất cụ thể về việc thanh toán dịch vụ định nhóm máu ABO. Đây là dịch vụ “rắc rối” và có nhiều cơ sở y tế thắc mắc nhất…

Theo Bộ Y tế, những quy định trong Công văn 7117 nhằm tháo gỡ các khó khăn trong thanh toán BHYT của các bệnh viện, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người bệnh, tránh bị thu ngoài viện phí hoặc lạm dụng quỹ BHYT. Các nội dung hướng dẫn trong Công văn 7117 sẽ được áp dụng từ ngày 1/10/2016. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các đơn vị, địa phương phản ánh về Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, Bộ Tài chính.




Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội