Phòng tránh các bệnh về mắt khi tiếp xúc với các thiết bị công nghệ

04/10/2016 08:39 AM



Ảnh minh họa

Rất có hại

Khi mắt tiếp xúc không đúng hoặc quá lâu với màn hình điện thoại, máy tính sẽ có thể gặp các triệu chứng như nhìn mờ, nhìn đôi, nhòe hình ảnh, cảm giác khô mắt, nhức mắt, căng mắt, kích thích khó chịu ở mắt, xung huyết kết mạc, nhìn khó tập trung, đau nặng đầu, đau cổ, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn… nặng hơn có thể giảm, mất thị lực do thoái hóa hoàng điểm và các tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, tật lác mắt tăng cao có liên quan chặt chẽ đến việc lạm dụng thiết bị kỹ thuật số như máy tính, máy tính bảng, điện thoại ở trẻ nhỏ. Việc vào mạng liên miên quên cả ăn ngủ cũng dẫn tới hậu quả suy kiệt do ăn uống kém, suy nhược thần kinh, trầm cảm, hoang tưởng, cũng như nhiều hệ lụy khác.

Thử đi tìm nguyên nhân

Có một số nguyên nhân khiến cho mắt có thể bị ảnh hưởng khi nhìn vào màn hình điện thoại, máy tính, máy tính bảng. Về mặt lý thuyết, nguồn sáng từ các thiết bị này đã được tối ưu hóa để không gây hại tới mắt nhưng vẫn còn một phần nhỏ các tia tử ngoại (UV) được phát ra lúc điện thoại, máy tính tắt - mở hoặc khi tắt - mở các đoạn băng video, khi có đèn flash. Ánh sáng gây tổn thương mắt có bước sóng ngắn (từ 400-460nm), trong khi ánh sáng mà chúng ta nhìn thấy là ánh sáng xanh (blue light), có bước sóng khoảng từ 450-600nm. Như vậy, phần “ranh giới” của ánh sáng xanh nằm trong phần gây hại cho mắt. Trang thiết bị thuộc thế hệ cũ, màn hình cũ, hỏng, hay sóng… cũng có thể là nguyên nhân khiến mắt bị tổn thương. Bên cạnh đó, nguyên nhân về phía người sử dụng là chính, như điều chỉnh ánh sáng màn hình quá sáng hoặc quá tối, chữ quá nhỏ, di chuyển quá nhanh, nhìn vào màn hình liên tục không nghỉ, xem ngoài trời nắng, trong phòng ánh sáng không đủ hoặc quá sáng… khiến mắt không điều tiết kịp hoặc phải điều tiết quá nhiều có hại cho mắt. Các tư thế sai cũng có thể làm mắt bị ảnh hưởng như nhìn quá gần, quá xa màn hình, nằm nghiêng, nằm sấp, ghế ngồi quá thấp hoặc quá cao… khi sử dụng máy tính, điện thoại và về lâu dài không những ảnh hưởng tới thị lực mà còn là nguyên nhân của các tật như lác mắt, gù vẹo cột sống. Đáng lo ngại hơn khi số người mắc các bệnh về mắt đang ngày càng trẻ hóa và tập trung khá nhiều ở nhóm đối tượng học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Điều này cũng đặt ra những yêu cầu đối với công tác y tế trường học, cần có những giáo dục dự phòng, giúp học sinh, sinh viên phòng, tránh các bệnh về mắt cũng như phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh về mắt.

Phòng tránh được không?

Để tránh các tác hại về mắt cũng như toàn thân do việc sử dụng không đúng các thiết bị công nghệ cao gây nên, cần tuân thủ các nguyên tắc như ngồi đúng tư thế, điều chỉnh ánh sáng hợp lý; căn chỉnh phông chữ đủ xem; di chuyển chuột với tốc độ vừa đủ; không sử dụng các thiết bị nói trên ngoài trời nắng chói, trong phòng quá sáng, quá tối; ngồi đúng tư thế (ghế cao vừa đủ cho mắt nhìn ngang màn hình, mắt cách khoảng 50-70cm, ngồi thẳng lưng, không dựa nghiêng, nhìn nghiêng, không nên nằm xem màn hình); sử dụng các thiết bị như kính màn hình, kính bảo vệ mắt nếu cần, nên cho mắt nghỉ bằng cách nhìn ra xa 20 giây sau mỗi 20 phút nhìn vào màn hình; tránh làm việc với máy tính khi mắt đang viêm nhiễm, rối loạn thị lực, khi cơ thể quá mệt mỏi. Cũng nên bổ sung thêm các dưỡng chất góp phần tăng cường thị lực như các vitamine, nhất là vitamine A và cuối cùng, tới ngay bác sĩ nhãn khoa để kiểm tra nếu có các biểu hiện như đã đề cập ở trên sau khi sử dụng điện thoại, máy tính./.



Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội