Học và làm theo phong cách sống giản dị, thanh cao của Bác Hồ

05/10/2016 04:03 PM



Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, chính trị gia thiên tài mà còn là một nhà đạo đức chân chính, bởi Người không ngừng tự tu dưỡng để hướng tới chân - thiện - mỹ. Cuộc đời Người là tấm gương mẫu mực về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư được cả thế giới ngưỡng mộ và là biểu tượng sáng ngời cho các thế hệ người Việt Nam học tập, làm theo. Phong cách sống tiết kiệm, giản dị, thanh cao, ghét xa hoa, lãng phí thể hiện qua nếp sinh hoạt thường ngày ăn, mặc, ở, chi tiêu, đi lại, làm việc đã góp phần tạo nên sự vĩ đại của  “một con người trở thành huyền thoại ngay trong cả cuộc sống đời thường của mình” (1).

Sau 30 năm đi tìm đường cứu nước, ngày mùng 2 tết Tân Tỵ 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc. Anh em đưa Bác về ở tạm nhà sàn của một gia đình người dân tộc Nùng, nhưng Bác nói: Mình đông người nên ở trong núi. Ngày 5 tết, Bác và mấy anh em chuyển tới một hang núi kín đáo, nhân dân gọi là hang Cốc Bó (đầu nguồn). Đồng bào thường giúp đỡ lương thực, gạo ngô (bắp bẹ xay) và muối. Những lúc hết gạo, Bác nấu cháo bẹ thay bữa, còn rau xanh chủ yếu là măng rừng; có hôm câu được con cá hoặc hái được rau dớn (giống như dương xỉ) thì nấu canh chua đổi món. Sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, từ căn cứ địa về Hà Nội, Bác ở 12 Ngô Quyền, Người được cấp mỗi tháng 200 đồng cho việc ăn uống. Bà Viêng Khăm, phu nhân Hoàng thân Xuphanuvông kể: “Tôi ra đến Hà Nội, tìm mấy nơi đoán là chồng tôi sẽ lưu lại, nhưng không thấy. Những người đón tiếp đã đưa tôi đến Bắc Bộ Phủ. Vào phòng khách: không có ai. Phòng làm việc: vắng vẻ. Người hướng dẫn đưa tôi xuống thẳng nhà bếp thì trời đất ơi! Cụ Hồ và ông Hoàng thân đang ngồi ăn cơm trong bếp. Thấy tôi, cả hai người buông đũa. Cụ Hồ đỡ tôi ngồi xuống ghế và bảo “Cô ăn cơm luôn”. Tôi nhìn mâm cơm: Gạo lức chưa chà kỹ nên màu cơm hồng hồng. Muối mè, dưa chua, xì dầu… Cơm nước xong, ông Hoàng đưa tôi về chỗ nghỉ. Tôi thấy trong căn phòng ngủ mênh mông có cái giường nệm của Pháp rộng hơn 4m2. Khăn trải giường trắng tinh, nhưng vẫn phẳng phiu chưa từng có ai đặt lưng. Giữa sàn nhà là chiếc chiếu rộng và gối mây. Cái gối dài có đến hơn một mét với những sợi mây căng như dây đàn. Tôi hỏi nhà tôi mấy hôm nay nằm phòng nào. Ông Hoàng chỉ chiếc chiếu giữa sàn nhà, nói: Ngủ ở đây. Anh và Cụ Chủ tịch gối chung chiếc gối mây này...”(2).

Khi Chính phủ Liên hiệp thành lập, Bác về ở số 8 Vua Lê. Bữa ăn của Bác rất đơn giản, thường chỉ có một miếng cá nhỏ, một bát canh, vài quả cà, mấy cọng dưa, một ít ớt và miệng bát cơm. Ngày 10/4/1946, Bác về Ninh Bình để dàn xếp vấn đề tôn giáo. Khi xe đến thị xã, nhân dân ùa đến, vẫy cờ, hô khẩu hiệu chào đón Bác. Lúc đó đã 18h, anh em trong Uỷ ban khẩn khoản mời Bác ở lại nghỉ ăn tối cho đỡ mệt, nhưng Bác nói: “Hàng ngàn đồng bào chờ Bác ngoài kia, Bác không thể nghỉ ở đây để ăn cơm vì 9h tối Bác đã có việc ở Chủ tịch phủ. Bây giờ các chú giúp Bác: một chú ra tập hợp đồng bào vào một ngã tư rộng gần đây để Bác ra nói chuyện với đồng bào mươi phút; một chú ra cửa hàng mua cho Bác một cặp bánh giò. Còn các chú đi với Bác thì tranh thủ ăn cơm trước. Nói chuyện xong, Bác về Hà Nội ngay cho kịp hẹn. Trong xe, Bác sẽ ăn bánh vừa đỡ tốn kém, vừa tiết kiệm thời gian”. Người nói chuyện với đồng bào khá lâu rồi chia tay ra về. Xe đi được một quãng, Bác mới bắt đầu dùng bữa tối (3).

Kháng chiến bùng nổ, Bác cùng các cơ quan Trung ương và Chính phủ trở lại Việt Bắc. Những năm đầu, đời sống vô cùng kham khổ, Bác ăn chung với anh em, bát ăn là ống bương cưa ra, thức ăn chủ yếu là măng, rau, cao cấp nhất là thịt chim, sóc săn bắn hoặc đánh bẫy được đem kho mặn với muối để ăn dần, thi thoảng kiếm được con gà bồi dưỡng riêng cho Bác thì Người nói lộc bất khả tận hưởng rồi đem chia đều cho mọi người. Món ăn chủ lực của Bác và anh em vẫn là món thịt Việt Minh gồm: 1kg thịt, 1kg muối, 1 nửa kg ớt xào lên cho vào ống tre, đi đến đâu dùng cũng tiện. Khi tăng gia, chăn nuôi được nhiều, anh em xin ý kiến, Bác đồng ý cho bỏ món thịt Việt Minh. Có lần, đoàn công tác của Bác đi qua huyện Yên Sơn theo kế hoạch ghé vào một cơ sở để ăn trưa. Nhưng khi đến nơi, nghe có tiếng máy bay địch nên Bác bảo anh em đưa cơm ra bãi cỏ ở bìa rừng. Hai đồng chí bảo vệ vào xóm bưng cơm có con gà luộc, đĩa cá và hai bát canh, lại mượn thêm chiếc chiếu của đồng bào ra ngồi, Bác không vui: “Các chú không nên mượn chiếu, làm phiền đến dân”. Ngừng một lát, Bác nói tiếp: “Trong khi nhân dân đang thắt lưng buộc bụng kháng chiến, mình ăn cơm thế này là ăn cơm “quan” đấy”. Bác chia đôi tất cả các món ăn trên mâm. Bác bảo anh em đem một phần đã chia đưa vào biếu các gia đình nghèo trong xóm, phần còn lại Bác cho ăn một nửa, một nửa gói dành bữa sau.

Về làm việc tại Thủ đô, hàng ngày, bữa điểm tâm 7 giờ của Bác thường là xôi ruốc, thịt hoặc bánh cuốn, bánh mỳ. Đến khoảng 9 giờ, Bác uống một cốc cà phê. 11 giờ, Bác ăn cơm trưa, trên mâm cơm của Người thường có bát canh, một món xào hoặc thịt luộc, cá quả hoặc cá bống kho gừng và cà dầm tương hoặc dầm ớt gợi nhớ quê nhà… Bác rất thích ăn những món dân dã như vó bò, canh cua với rau chuối thái ghém hoặc dọc mùng. Bữa nào Bác cũng ăn đúng hai bát. Trước bữa ăn, nếu khúc cá liệu một bữa ăn không hết, Bác lấy dao cắt đôi để lại một nửa cho bữa sau. Mỗi khi xong bữa, Người lại tự tay xếp bát đĩa gọn ghẽ để bớt việc cho các đồng chí phục vụ. Khoảng 14giờ, Bác uống một cốc sữa. 17 giờ 30, Bác dùng cơm tối. 21 giờ, Bác uống một cốc cà phê sữa khi làm việc khuya. Có lần, đồng chí phục vụ đưa lên đĩa cá anh vũ - một loại cá quý thường chỉ có ở ngã ba sông Bạch Hạc (Việt Trì). Bác bảo: “Cá ngon quá, thế mà chú Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) lại đi vắng! Thôi, các chú để đến chiều đồng chí Tô về cùng thưởng thức”. Thấy Bác khen, anh em gửi tiếp cá đến, nhưng thấy món cá hôm trước lại xuất hiện, Người không hài lòng: “Bác có phải là vua đâu mà phải cung với tiến?” rồi kiên quyết không ăn nữa (4).

Những lần đi công tác các địa phương, Bác đều nhắc anh em mang cơm đi theo, khi thì cơm nắm, khi thì bánh mỳ với thức ăn nguội, chỉ có món canh cho vào phích để đến bữa dùng cho nóng. Trên đường đi, cứ đến bữa là Bác chọn nơi vắng, mát, sạch cho dừng xe, Bác cháu bày cơm ra ăn đơn giản, không phiền đến ai. Một lần về thăm Thái Bình, Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân cố nài Bác ở lại ăn cơm, Người nói: “Đi thăm tỉnh lụt còn ăn uống nỗi gì?”, nhưng vì thương cán bộ đã chót bày mâm, Bác lấy gói cơm nắm và thức ăn mặn rồi bảo đồng chí cảnh vệ: “Chú mời đồng chí Bí thư và Chủ tịch đến ăn cơm với Bác. Còn chú và chú bác sĩ sang mâm kia ăn với cán bộ tỉnh”. Làm việc ở địa phương nào lâu, Bác dặn cán bộ cơ sở chỉ làm cơm cho mấy người và ăn những món gì, dù cán bộ tỉnh bày cỗ ra Bác vẫn chỉ gắp vào bát của anh em và bát của mình mỗi người một miếng gọi là nếm thử, rồi xếp ngay ngắn đĩa thức ăn ấy, để ra ngoài mâm, Bác nói với anh em: “Người ta dọn ra một bữa sang. Bác cháu mình có khi chẳng ăn và chẳng ăn hết. Nhưng đi rồi để lại cái tiếng: đấy Bác Hồ đến thăm cũng làm cơm thế này, thế nọ, cũng điều động người làm mất thời gian. Thế là tự mình lại bao che cho cái chuyện xôi thịt. Không, như thế thì nắm cơm mang theo ăn cho tiện, ăn no rồi đến làm việc” (5). Năm 1957, Bác về thăm quê lần đầu, tỉnh nhà làm cơm chiêu đãi Bác. Năm 1961, Bác về thăm quê lần thứ hai, khi ngồi vào bàn ăn, Bác chiêu đãi mọi người những gói cơm nắm vuông vức độn ngô xay mịn chuẩn bị sẵn từ Hà Nội. Năm 1965, cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đang ác liệt, nhân dân ta bắt đầu phải ăn cơm độn sắn, mỳ, ngô, Bác dặn anh em: “Các chú thổi cơm độn cho Bác. Nhân dân, cán bộ ta ăn độn bao nhiêu phần trăm, độn cho Bác từng ấy”. Khi đó Bác đã bước vào tuổi 75, nhìn Bác ăn độn, anh em xót quá, mới thưa là có quy định các cụ già trên 70 tuổi không phải ăn cơm độn, nhưng Bác bảo: “Bác cũng nhiều tuổi, nhưng Bác còn khoẻ. Thế thì Bác theo cán bộ. Cán bộ thế nào thì Bác thế ấy. Cứ thổi tiếp đi cho Bác ăn”. Anh em xay ngô thật nhỏ, độn gọi là, nhưng Người nhắc: 50% cơ mà!

Tháng 9/1946, sau khi thăm nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước trên chiến hạm Dumont d' Urville. Một người lính công vụ được cử tới phục vụ Người đã sửng sốt báo cáo lại với Hạm trưởng: “Ngài Chủ tịch không có nhiều quần áo lót. Chỉ có đúng 2 áo sơ mi, hai quần đùi, hai đôi tất, hai khăn tay. Chủ tịch nói cứ để Chủ tịch tự giặt lấy cũng được!”. Chín năm kháng chiến, do yêu cầu bảo mật, chăn màn, quần áo của Bác đều nhuộm nâu cho bền và dễ nguỵ trang. Áo rách thì cứ vá đi vá lại nhiều lần, đến chiếc vỏ gối cũng miếng vá sau chồng lên miếng vá trước. Tháng 10/1954, Thủ đô giải phóng. Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở tạm trong nhà thương Đồn Thuỷ. Tháng 12, Người chuyển về khu vực Phủ Toàn quyền cũ (nay là khu Phủ Chủ tịch), chọn ở trong ngôi nhà của người thợ điện, gọi là nhà 54. Mùa hè Hà Nội rất nóng, nhưng Bác không cho lắp máy điều hoà, còn quạt máy thì thi thoảng. Bác thường dùng quạt giấy và quạt nan. Bác có hai bộ quần áo kaki và bộ quần áo dạ đen mặc khi tiếp khách hoặc đi thăm các nơi, còn bình thường, Bác mặc bộ bà ba nhuộm, chỉ khi đi nước ngoài Bác mới mặc áo sơ mi có cổ. Quần áo của Bác chỉ vài bộ may cùng kiểu, sau khi may xong đều mang đi xí nghiệp Tô Châu nhuộm gụ hết, lúc đầu bộ nào hơi cũ là anh em phục vụ thay bộ khác cùng kiểu cùng màu nên Bác không biết, nhưng sau thấy mặc mãi áo vẫn mới, Người đánh dấu và phát hiện ra quần áo “bị đổi”. Áo dùng lâu, giặt nhiều nên cổ áo bị sờn, rách dần, anh em đề nghị thay, Bác bảo: “Cả cái áo chỉ sờn chỗ cổ mà vứt đi thì không được, các chú chịu khó tháo cổ rồi lộn phía trong ra phía ngoài, may lại vẫn lành như mới”. Anh em xin phép may thêm để mặc thay đổi, Bác ngăn lại: “Đất nước còn nghèo, đời sống nhân dân còn khó khăn, Bác đã có hai bộ kaki tuy cũ nhưng vẫn còn mặc tốt, các chú đừng may thêm, lãng phí”. Đến khi hai chiếc áo của Bác bạc trắng và sờn rách, văn phòng mới đề nghị xưởng may 10 may mới hai bộ cho Bác. Anh chị em công nhân đưa sang ba bộ quần áo kaki cùng một lá thư bày tỏ niềm vinh dự được may áo cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác đã tự tay đánh máy lá thư cảm ơn và gửi tặng lại xí nghiệp một bộ để anh chị em công nhân làm phần thưởng thi đua. Đôi dép cao su của Bác được cắt từ lốp ô tô quân sự Pháp tại Việt Bắc, sử dụng dễ dàng và tiện lợi, Bác gọi vui là đôi hài cao su vạn dặm. Về Hà Nội, Bác vẫn dùng đôi dép đã sửa lại nhiều lần và phải đóng đinh giữ cho quai dép khỏi tuột. Các đồng chí phục vụ mua cho Bác một đôi dép lốp mới nhưng Bác tặng lại một đồng chí bảo vệ. Bác đề nghị đưa đôi dép cũ đi chữa lại đế, Người thường nói: Dân ta còn nghèo, mỗi người kể cả Chủ tịch nước cũng phải tiết kiệm.

Những hôm mời khách đến ăn cơm, Bác đều báo trước cho đồng chí cấp dưỡng biết để chuẩn bị và số tiền đãi khách được trừ vào tiền lương của Người, tuyệt đối không dùng một đồng công quỹ nào. Bác thường mời cơm thân mật thành viên Bộ Chính trị, đôi khi cả gia đình một số đồng chí trong Trung ương, cán bộ, các anh hùng dũng sĩ miền Nam ra báo cáo công tác hoặc chữa bệnh. Những lần tiếp khách như vậy bao giờ Người cũng nhắc nhà bếp nấu món ăn phù hợp khẩu vị của khách để anh em ngon miệng. Tiền lương hàng tháng của Bác sau khi trừ các khoản chi tiêu, ăn uống còn lại đều được gửi vào quầy tiết kiệm ở phố Hàng Gai, Hà Nội, do đồng chí Lê Hữu Lập đứng tên. Ngoài lương, tất cả nhuận bút viết báo, viết sách cũng được gửi vào sổ này và chỉ lúc nào có việc đột xuất, Bác mới nhờ anh em đi rút. Năm 1965, Bác nhờ rút 200 đồng để chuyển về quê nhà Kim Liên góp phần cùng họ hàng lo liệu tang lễ của một người anh con chú bác trong họ Nguyễn Sinh. Mùa hè năm 1967, khi thấy thời tiết nắng nóng, Bác nói với các đồng chí văn phòng rút hết số tiền 25.000 đồng còn trong sổ (lúc đó tương đương giá 60 lạng vàng), đem sang Bộ Quốc phòng gửi tặng bộ đội phòng không uống nước giải khát (số tiền này đủ mua nướccho bộ đội phòng không không quân uống một tuần).

Khi biết tin một cơ quan Nhà nước xây dựng phòng họp mới tốn quá nhiều tiền và còn bao gồm cả nhiều khoản hoa hồng chìm nổi bên A- bên B, Người tỏ ý không hài lòng. Sau khi mời các cán bộ có trách nhiệm đến phê bình, Người viết bài Chung quanh một phòng họp mới đăng báo Nhân Dân ngày 5/2/1960, nhấn mạnh: “Trong công cuộc xây dựng CNXH, tiết kiệm là một chính sách lớn, một đạo đức lớn”. Cũng nhân một lần đọc tin: hợp tác xã thủ công Ngũ Xã, Hà Nội chuẩn bị đúc tượng đồng bán thân Bác Hồ trên báo Hà Nội mới, Người nói ngay với các đồng chí văn phòng yêu cầu dừng việc đó lại và dùng số tiền ấy xây thêm một phòng học cho các cháu học sinh. Tháng 7/1969, Bộ Chính trị họp ra Nghị quyết về việc tổ chức bốn ngày lễ lớn của năm sau: ngày thành lập Đảng, ngày quốc khánh, ngày sinh Lênin và ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó báo Nhân Dân đăng tin nghị quyết này, Bác cho mời mọi người đến góp ý kiến: “Bác chỉ đồng ý 3/4 nghị quyết. Bác không đồng ý đưa ngày 19/5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm sau. Hiện nay, các cháu học sinh đã sắp bước vào năm học mới, giấy mực, tiền bạc dùng để tuyên truyền về ngày sinh của Bác thì các chú nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, khỏi lãng phí” (6).

Thời gian kháng chiến chống Pháp, cơ quan dã chiến phải thường xuyên di chuyển và thay đổi nơi làm việc. Bác căn dặn anh em khi lựa chọn địa điểm mới cần lưu ý các tiêu chuẩn: Trên có núi, dưới có sông; Có đất ta trồng, có bãi ta vui; tiện đường sang Bộ Tổng; thuận lối tới Trung ương (7). Đại bản doanh của Người trong thời gian này thường chỉ là một cái lán bằng tre, nứa, lá làm theo kiểu nhà sàn miền núi vừa tránh ẩm thấp, vừa tránh thú rừng. Bác chủ động đặt thời gian làm việc và thi hành nghiêm túc không thay đổi giờ giấc sinh hoạt, kể cả mùa đông. Hàng ngày Bác dạy từ 5 giờ, 5 giờ 15 tập thể dục, 6 giờ ăn sáng, 7 giờ làm việc. Khi xong công việc, Bác đọc báo. Có lần Bác ốm mệt không dậy được, nhưng đúng 7 giờ sáng, Bác nói: “Các chú chuẩn bị đưa Bác đi họp Hội đồng Chính phủ”. Thấy anh em ngần ngại, Bác kiên quyết nhắc bằng mọi cách anh em phải đưa Bác đi. Từ tháng 5/1958, Bác chuyển sang ở nhà sàn trong Khu Phủ Chủ tịch. Hàng ngày, đúng giờ quy định, Người trở về dùng bữa tại nhà 54 dù mưa to, gió lớn, đường ngập nước cũng vậy. Một hôm, sắp hết giờ làm việc buổi sáng, trời đổ mưa to, đồng chí giúp việc xin phép được mang cơm sang nhà sàn, Bác dừng tay làm việc, trầm ngâm nhìn trời mưa, hỏi: “Thế mang cơm sang cho Bác cần mấy chú?”, “Dạ, thưa Bác, một đồng chí bê cơm, một đồng chí bê thức ăn và hai đồng chí đi kèm che mưa”, “Thế chú muốn một mình Bác vất vả hay muốn để nhiều người vất vả vì một mình Bác?”. Và Bác xắn cao quần, tay cầm ô, tay chống gậy, lần từng bước qua con đường vòng quanh ao cá sang nhà ăn (8).

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên đi thăm các cơ quan, đơn vị, địa phương và hầu hết các chuyến đi này đều không báo trước để Người trực tiếp tìm hiểu tình hình thực tế một cách khách quan, chính xác. Vào những dịp Tết cổ truyền, Người sắp xếp lịch trình đi thăm, tặng quà công nhân, nông dân, bộ đội, chúc Tết các gia đình tiêu biểu nhiều thành tích, các gia đình nghèo khó, neo đơn. Từ năm 1957, Bác vẫn dùng chiếc xe Pôpêđa đi công tác. Đầu những năm 1960, được trang bị nhiều xe ô tô mới, các đồng chí Bộ trưởng đều chuyển sang đi xe Vônga. Anh em cũng đề nghị Bác đổi xe, sau khi gặp đồng chí lái xe hỏi cụ thể tình trạng chiếc xe, Bác mới trả lời: “Máy đang tốt thì hẵng cứ dùng một thời gian nữa. Đồng chí nào đi nhiều, nhất là các đồng chí làm ngoại giao cần tiếp khách nước ngoài thì nên dành xe tốt, xe sang cho các đồng chí đó”. Hàng năm đến dịp sinh nhật Bác, nhiều đoàn thể cơ quan tập trung đến chúc thọ, Người rất vui, nhưng sau Bác bảo ngày sinh là ngày riêng cá nhân, không nên làm ảnh hưởng nhiều đến thời gian và tiền bạc của tập thể, vì thế cứ đến dịp 19/5 là Bác “có kế hoạch” đi công tác xa hay lên núi Ba Vì (K9) nghỉ ngơi, tránh chúc tụng ồn ào. Tháng 2/1969, Bác muốn đi thăm rừng quốc gia Cúc Phương vì một số đồng chí lãnh đạo giới thiệu mới có phát hiện đặc biệt. Anh em đề nghị Bác đi máy bay lên thẳng cho đỡ mệt, nhưng Bác không tán thành: “Để Bác khoẻ lên, Bác đi ô tô đến thăm rừng Cúc Phương. Không như thế thì thôi. Máy bay lên thẳng, để khi nào có người của chúng ta bị tai nạn hoặc bị đau nặng ở vùng hẻo lánh khó chạy chữa thì dùng máy bay lên thẳng đón về nơi trung tâm có bệnh viện lớn. Hoặc lúc nào nước sông lên to, mùa bão cần đi hộ đê thì lấy máy bay lên thẳng mà dùng. Chứ không phải bất kỳ đi đâu, Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước cứ dùng máy bay lên thẳng mà đi” (9).

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá II tháng 5/1963, các đại biểu Quốc hội nhất trí đề nghị trao tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh huân chương Sao Vàng, Người cảm ơn và nói: “Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hoà bình thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng vui mừng” (10). Năm 1967, Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô quyết định tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh huân chương Lênin cao quý nhất của Nhà nước Xô Viết, nhưng Bác cũng từ chối, hẹn chờ đến ngày đất nước Việt Nam thống nhất. Và cho đến lúc đi xa, trên ngực áo Người vẫn không một tấm huân chương.

Kỷ niệm 47 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, 126 năm ngày sinh của Người, cùng ôn lại và suy ngẫm về những bài học đạo đức từ cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị; để "tấm gương tuyệt vời về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng nhân đạo và yêu mến nhân dân thắm thiết, đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. Tư tưởng và đạo đức cao cả của Người mãi mãi soi sáng và nâng cao tâm hồn chúng ta” (11) trong hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN đổi mới và hội nhập quốc tế./.


Chú thích:

1, Cảm tưởng của đoàn đại biểu Quốc hội Thái Lan lưu tại Khu di tích Phủ Chủ tịch

2, Người là Bác Hồ của tất cả chúng ta, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2009, tr.16

3, 4, Hồ Chí Minh, con người và phong cách. Nxb Lao Động, H, 1999, tr. 37, 52

5, 6, Bác Hồ sống mãi với chúng ta,Nxb Chính trị quốc gia 2005, t.II, tr. 582, 220

7, Hồ Chí Minh hành trình kháng chiến, Nxb Công an nhân dân, H, 2005, tr.79

8, 9, Thư ký Bác Hồ kể chuyện. Nxb Chính trị quốc gia 2005, tr 475, 479

10, Hồ Chí Minh, Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, t.15, tr.79

11, Hồ Chí Minh- tiểu sử, Nxb Lý luận chính trị, H, 2006, tr.728





Nguồn: Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương