Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề các dân tộc bình đẳng, đoàn kết giúp đỡ nhau

13/10/2016 08:22 AM



Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển (Ảnh minh họa)

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay, những nguyên tắc ấy vẫn cần phải được quán triệt và thực hiện nghiêm túc. Do đó, nghiên cứu tư tưởng của Hồ Chí Minh đặc biệt là những phân tích, luận giải của Người  về vấn đề này là rất cần thiết để hiểu đúng đắn hơn, sâu sắc hơn chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.

1. Hồ Chí Minh với vấn đề bình đẳng giữa các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam

Hồ Chí Minh khẳng định tất cả các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam đều được bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Điều đó không chỉ là tuyên bố về mặt pháp lý mà là tiêu chuẩn, nguyên tắc phải đảm bảo trong thực tế “Chính sách dân tộc của chúng ta là nhằm thực hiện sự bình đẳng giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội”[1]. Người giải thích rất rõ tại sao phải thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc

Thứ nhất, theo Hồ Chí Minh, các dân tộc ở Việt Nam đều có vai trò quan trọng trong quá trình dựng nước và giữ nước từ xưa đến nay. Tổ quốc Việt Nam có được như ngày hôm nay, đó là thành quả chung của tất cả các dân tộc anh em, do đó họ đều có quyền bình đẳng như nhau “Các dân tộc anh em trong nước ta gắn bó ruột thịt với nhau trên lãnh thổ chung và trải qua một lịch sử lâu đời cùng nhau lao động và đấu tranh để xây dựng tổ quốc tươi đẹp”[2]. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, người Kinh với cương vị là dân tộc đa số đã giữ vai trò cực kỳ quan trọng, làm hạt nhân trung tâm tập hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp của các dân tộc anh em, nhưng nếu không có sự đồng tâm hiệp lực của các dân tộc thiểu số anh em thì người Kinh cũng không có được sự trưởng thành như hôm nay và tổ quốc Việt Nam cũng không có được vị thế vẻ vang được  loài người tiến bộ khâm phục và ca ngợi như ngày hôm nay. Vai trò của các dân tộc thiểu số không chỉ thể hiện trong các triều đại phong kiến xa xưa mà thành quả cách mạng to lớn ngày nay cũng có sự đóng góp của họ “Các dân tộc thiểu số đã sát cánh với anh em đa số chiến đấu chống kẻ thù chung đưa cách mạng tháng Tám và kháng chiến đến thắng lợi”[3].

Thứ hai, vì nước ta là một nước dân chủ, do đó tất cả các dân tộc sống trên đất nước ta đều là những công dân có quyền bình đẳng trên tất cả các lĩnh vực. Người nhiều lần nhấn mạnh, Việt Nam là tổ quốc chung của các dân tộc, dù là người dân tộc nào đi chăng nữa thì đều là công dân của nước Việt Nam “Các cháu thuộc nhiều dân tộc và ở nhiều địa phương. Nhưng các cháu đều là con em của đại gia đình chung: là gia đình Việt Nam; đều có một Tổ quốc chung: là tổ quốc Việt Nam”[4]. Vì chúng ta thực hiện chế độ dân chủ, mọi công dân đều là người chủ của đất nước, do đó, ở Việt Nam, không có một dân tộc cụ thể nào làm chủ đất nước mà tất cả các dân tộc đều là những người làm chủ đất nước “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là tất cả đồng bào các dân tộc đều là người chủ nước nhà”[5]. Vì vậy, tất cả mọi người không phân biệt dân tộc đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ.

Thứ ba, các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam phải bình đẳng với nhau vì đó là cơ sở vững bền nhất, chắc chắn nhất của tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc “Đảng và Chính phủ ta luôn luôn kêu gọi các dân tộc xóa bỏ xích mích do đế quốc và phong kiến gây ra, cùng nhau đoàn kết chặt chẽ trên cơ sở bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ…”[6]. Bình đẳng là cơ sở của sự đoàn kết bởi lẽ nếu giữa các dân tộc còn tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc nhỏ thì mối quan hệ ấy không thể là sự đoàn kết, hợp tác chân thành, giúp đỡ hết mình. Đối với dân tộc đa số, tư tưởng dân tộc lớn dễ sinh ra kiêu ngạo, coi thường các dân tộc thiểu số khác. Đó là nguy cơ tiềm ẩn của sự bất hòa, mâu thuẫn, của sự ly khai, nhất là khi ý thức tộc người hiện nay nổi lên rất mạnh mẽ. Điều này đã được Lê nin cảnh báo rất rõ ràng “Không có gì kìm hãm việc phát triển và củng cố sự đoàn kết giai cấp của giai cấp vô sản hơn là sự bất công dân tộc, và đối với những người dân của dân tộc “bị xúc phạm” thì họ dễ nhạy cảm nhất đối với ý thức về quyền bình đẳng”[7]. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở các dân tộc phải thương yêu nhau như anh em trong một gia đình, hết sức tránh những tư tưởng tự tôn hoặc tự ti dân tộc “Người dân tộc lớn dễ mắc bệnh kiêu ngạo. Cán bộ địa phương, nhân dân địa phương lại dễ cho mình là dân tộc bé nhỏ, tự ti, cái gì cũng cho là mình không làm được, rồi không cố gắng. Đó là những điểm phải tránh”[8].

2. Hồ Chí Minh với vấn đề đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc

Hồ Chí Minh luôn kêu gọi các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam phải đoàn kết chặt chẽ với nhau trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay. Người đã phân tích rất nhiều lý lẽ cho sự cần thiết phải đoàn kết giữa các dân tộc.

Thứ nhất, theo Hồ Chí Minh, đoàn kết giữa các dân tộc là một động lực to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Tổng kết lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Hồ Chí Minh đi đến khẳng định đoàn kết giữa các dân tộc là động lực to lớn để chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược dù lớn mạnh đến đâu, là động lực tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng đất nước. Ngày nay, tuy chúng ta đã giành được độc lập nhưng để bảo vệ nền độc lập ấy, xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội, dân chủ, công bằng, văn minh – những nhiệm vụ hết sức nặng nề và nhiều thử thách thì các dân tộc vẫn cần phải đoàn kết chặt chẽ với nhau để tạo nên sức mạnh “Nhờ sức đoàn kết đấu tranh chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh em trong một nhà, không có sự phân chia nòi giống, tiếng nói gì nữa. Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng cần phải đoàn kết hơn nữa”[9]. Nhìn vào lịch sử Việt Nam, Hồ Chí Minh rút ra bài học, khi nào mà các dân tộc không biết đoàn kết gắn bó với nhau thì khi ấy chúng ta tự làm suy yếu mình và do đó bị kẻ thù xâm lược, áo bức “Chúng nó áp bức được là vì chúng nó chia rẽ chúng ta, vì chúng ta chưa biết đoàn kết”[10].

Thứ hai, vì các thế lực thù địch luôn tìm cách chia rẽ các dân tộc trên đất nước ta để dễ bề cai trị

Kẻ thù cũng hiểu rất rõ đoàn kết giữa các dân tộc sẽ tạo nên sức mạnh của dân tộc ta cho nên chúng luôn tìm cách chia rẽ các dân tộc, kích động sự thù hằn, hiềm khích giữa các dân tộc để làm suy yếu sức mạnh, từ đó dễ dàng cai trị, áp bức. Hồ Chí Minh đã vạch rất rõ âm mưu, thủ đoạn thâm độc “chia để trị” của chúng trong lịch sử Việt Nam, đặc biệt là dưới thời thực dân phong kiến “Trước kia bọn thực dân phong kiến chia rẽ chúng ta, chia rẽ các dân tộc, xúi giục dân tộc này hiềm khích oán nghét dân tộc khác để chúng áp bức bóc lột chúng ta. Nay chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ”[11]. Do vậy, các dân tộc phải ý thức rõ và cảnh giác trước âm mưu của chúng và đập tan âm mưu đó bằng cách tăng cường sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc. Theo Hồ Chí Minh, hậu quả của chính sách chia để trị của kẻ thù vẫn còn tồn tại, rơi rớt trong một bộ phận dân chúng. Vì vậy, người kêu gọi mọi người dân phải nâng cao ý thức về chủ quyền dân tộc để xóa bỏ mọi hiềm khích, thù oán “Tiếc vì cái thuốc độc ly gián của đế quốc chủ nghĩa ngày xưa còn lưu lại một vài dấu vết, khiến cho một đôi nơi Hoa Kiều và dân Việt còn có đôi khi xích mích. Đó là một điều đáng tiếc. Chúng ta phải tìm hết cách sửa chữa lại”[12]. Ngày nay, âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động tư tưởng ly khai, tự trị, thù hận dân tộc nhằm gây chia rẽ nội bộ đất nước, tạo cớ để thực hiện bạo loạn lật đổ xóa bỏ những chính quyền có xu hướng phát triển đối lập với chủ nghĩa tư bản vẫn được các nước đế quốc triệt để sử dụng ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Do đó, tất cả các dân tộc cần phải nâng cao cảnh giác, không để mắc mưu kẻ thù bằng cách đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước “Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ chỉnh phủ ta”[13].

Thứ ba, do lịch sử để lại, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn nên phải đoàn kết để giúp nhau cùng tiến bộ, thực hiện sự bình đẳng giữa các dân tộc

Hồ Chí Minh cho rằng chỉ có sự đoàn kết chân thành khi có sự bình đẳng thực sự giữa các dân tộc, nhưng đồng thời Người cũng khẳng định đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau chính là con đường để thực hiện sự bình đẳng giữa các dân tộc “Ngày nay các dân tộc anh em chúng ta muốn tiến bộ, muốn phát triển văn hóa của mình thì chúng ta phải tẩy trừ những thành kiến giữa các dân tộc, phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau như anh em một nhà”[14].

Hồ Chí Minh nhận thức rõ, do lịch sử để lại, do chính sách chia để trị của kẻ thù, do đồng bào các dân tộc thiểu số chủ yếu sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi khó khăn cho phát triển kinh tế vì vậy mà còn tồn tại sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các dân tộc, đặc biệt là giữa dân tộc đa số và dân tộc thiểu số “Đồng bào, cán bộ cần chú ý giúp đỡ đồng bào rẻo cao, vì ở đấy làm ăn khó nhọc hơn, văn hóa phát triển chậm hơn”[15]. Do đó, các dân tộc phải đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau để đồng bào dân tộc thiểu số tiến kịp trình độ phát triển với dân tộc đa số, xây dựng sự bình đẳng giữa các dân tộc “Đồng bào các dân tộc, không phân biệt lớn nhỏ, phải yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, phải đoàn kết chặt chẽ như anh em một nhà, để cùng nhau xây dựng Tổ quốc chung, xây dựng chủ nghĩa xã hội làm cho tất cả các dân tộc được ấm no, hạnh phúc”[16]. Theo Hồ Chí Minh, đoàn kết giữa các dân tộc là để tạo ra sức mạnh tổng hợp thực hiện mục tiêu chung là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội là làm cho tất cả mọi người đều có cơm no, áo mặc được học hành, đời sống vật chất và tinh thần đều nâng cao. Do đó, xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng có nghĩa là làm cho tất cả các dân tộc đều được bình đẳng, đều được sung sướng, hạnh phúc, không còn tình trạng có dân tộc phải chịu đói, chịu khổ.

Không chỉ khẳng định đoàn kết là con đường để thực hiện bình đẳng dân tộc mà Hồ Chí Minh còn chỉ rõ những cách thức để sự đoàn kết dân tộc tạo nên sự bình đẳng dân tộc. Theo Người, biểu hiện cao nhất của sự đoàn kết chính là sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Sự đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau này là sự đoàn kết hai chiều giữa dân tộc thiểu số và dân tộc đa số “Đổng bào miền núi phải đoàn kết giúp đỡ đồng bào miền xuôi. Đồng bào miền xuôi phải đoàn kết giúp đỡ đồng bào miền núi”[17]. Tuy nhiên, Người nhấn mạnh các dân tộc có trình độ phát triển cao hơn phải giúp đỡ các dân tộc có trình độ thấp hơn để xóa bỏ sự chênh lệch, giúp các dân tộc có trình độ thấp hơn tiến kịp các dân tộc có trình độ cao hơn “Dân tộc nào đông hơn, nhiều người hơn, tiến bộ hơn thì phải giúp đỡ các dân tộc khác để đều tiến bộ như nhau, đều đoàn kết như anh em một nhà”[18].

Hồ Chí Minh cho rằng trong điều kiện các dân tộc còn có sự chênh lệch về trình độ phát triển thì không thể thực hiện chính sách bình đẳng giữa các dân tộc mà Nhà nước cần có sự ưu tiên, giúp đỡ các dân tộc có trình độ thấp hơn. Việc nhà nước áp dụng một chính sách trợ cấp, ưu đãi đặc biệt và đầu tư các chương trình phát triển đặc biệt  đối với các dân tộc thiểu số là rất cần thiết để các dân tộc thiểu số có những điều kiện thuận lợi cùng với nỗ lực vươn lên của chính họ nhằm nhanh chóng thoát khỏi sự lạc hậu, nghèo nàn, tiến kịp với trình độ phát triển chung của đất nước “Bao giờ bọn giặc Pháp không trở lại được nữa, đồng bào Kinh sẽ được rảnh rang giúp đồng bào Thổ, Mán nhiều hơn. Chính phủ cũng sẽ giúp cho đồng bào Thổ, Mán như sẽ giúp cho các dân tộc nhỏ khác được có đủ ruộng làm, đủ trâu bò cày”[19]. Như vậy, theo Hồ Chí Minh, để thực hiện sự bình đẳng giữa các dân tộc thì các dân tộc thiểu số phải nỗ lực vươn lên, cùng với sự giúp đỡ của các dân tộc tiến bộ hơn và của Chính phủ.

Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong chính sách dân tộc theo Hồ Chí Minh là thực hiện bình đẳng, đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc. Theo Người, giữa bình đẳng và đoàn kết tương trợ lẫn nhau của các tộc người có mối quan hệ thống nhất hữu cơ không thể tách rời, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau là cơ sở của sự đoàn kết giữa các tộc người đồng thời muốn đạt được sự bình đẳng giữa các dân tộc thì không có con đường nào khác là các tộc người phải đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau. Do đó, chúng ta không thể coi trọng mặt này mà xem nhẹ mặt kia. Chúng ta thực hiện bình đẳng, đoàn kết tương trợ lẫn nhau giữa các dân tộc để hướng tới mục tiêu cuối cùng là làm cho các dân tộc dù lớn hay nhỏ sống trên đất nước Việt Nam đều có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, thực hiện thành công việc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta như Hồ Chí Minh từng mong đợi “…tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ chỉnh phủ ta. Chúng ta phải thương yêu nhau, kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta”[20].

Ngày nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề các dân tộc bình đẳng, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau vẫn đang là nền tảng lý luận cho chính sách dân tộc của Đảng ta và định hướng, dẫn dắt cho hoạt động thực tiễn nhằm giải quyết tốt vấn đề dân tộc để thực hiện mục tiêu xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, các thế lực thù địch và phản động đang quyết liệt thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”,  kích động ý thức về tộc người và lợi dụng sự chênh lệnh về trình độ giữa các dân tộc để tạo mâu thuẫn, gây chia rẽ giữa các dân tộc, tạo ra những nhân tố phản cách mạng để thực hiện bạo loạn lật đổ, phá hoại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta. Do đó, chúng ta vừa phải thực hiện tổng hợp các biện pháp, đầu tư phát triển kinh tế vùng dân tộc, tôn trọng và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số, thực hiện dân chủ hóa và tăng cường cán bộ dân tộc thiểu số trong vùng dân tộc để tạo ra sự bình đẳng giữa các dân tộc vừa đẩy mạnh cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, tâm lý để tạo ra khối đoàn kết thống nhất giữa các dân tộc. Chỉ có duy trì và giữ vững khối đại đoàn kết giữa các dân tộc sống trên đất nước ta, chúng ta mới có thể bảo vệ vững chắc thành quả của cách mạng, tạo môi trường ổn định và sức mạnh tổng hợp để thực hiện mục tiêu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, các dân tộc đều đạt được sự bình đẳng thực sự trong ấm no, hạnh phúc.

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 9 tr 587

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 9 tr 579

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 9 tr 579

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 7, tr 496

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 10, tr 326

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 9 tr 579

[7] Lê nin: Toàn taapk. Nxb CTQG, H, 2005, tập 45, tr 411

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 11, tr 140

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 4, tr 110

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 7, tr 496

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 9, tr 226

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 4, tr 95

[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 4, tr 217

[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 7, tr 496

[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 9, tr 239

[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 10, tr 282

[17] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 11, tr 135

[18] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 10, tr 460

[19] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 4, 103

[20] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 4, 217





Nguồn: Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương