Nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW

08/11/2016 12:59 AM



Tính hệ thống của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/05/2016 về Đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là sự kết tinh của 03 chỉ thị:
- Chỉ thị số 23 ngày 27/03/2003 (dưới ánh sáng Đại hội IX) về Đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới.
- Chỉ thị số 06 ngày 07/11/2006 (dưới ánh sáng Đại hội X) về Tổ chức cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
- Chỉ thị số 03 ngày 14/05/2011 (dưới ánh sáng Đại hội XI) về Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bao gồm cả tác phong, phong cách Hồ Chí Minh.
Những chỉ thị này đều thể hiện tính hệ thống của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Về tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta khẳng định, đó là: “Một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”.
Khái niệm này có mức độ khái quát ở tầm cao lý luận, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức được nguồn gốc tư tưởng - lý luận (chủ nghĩa Mác-Lênin, giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại); giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh - tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng, dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi; nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh - hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Nội dung này được Chỉ thị số 05 (trước đây là Chỉ thị số 23, ngày 27/03/2003 theo tinh thần Đại hội IX) làm rõ. Đó là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và con người; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; sức mạnh của nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc; quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân; quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; xây dựng, phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đạo đức cách mạng; chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Một số ý kiến khác cho rằng: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là lý luận về con đường cách mạng Việt Nam: Thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến dần lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, nhằm xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Đó là tư tưởng cách mạng không ngừng: giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Nói gọn lại, tư tưởng Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội; gọn hơn là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”.
Cũng có những luận giải tư tưởng Hồ Chí Minh là: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; là “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Đây là những cách tiếp cận bản chất, cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh, cần được tiếp tục nghiên cứu để cán bộ, đảng viên dễ nhớ, dễ học và làm theo tư tưởng của Người có hiệu quả.
Về đạo đức Hồ Chí Minh, đó là tu dưỡng, rèn luyện các phẩm chất: Trung với nước, hiếu với dân; cần kiệm liêm chính; chí công vô tư; thương yêu con người; tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung; trung thực, trách nhiệm; gương mẫu, nói đi đôi với làm, đời tư trong sáng, nếp sống riêng giản dị, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân. Gắn với xây là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tập trung vào chống chủ nghĩa cá nhân, giả dối, nói không đi đôi với làm, vô trách nhiệm, tham ô, lãng phí, quan liêu.
Về phong cách Hồ Chí Minh, đó là phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo; phong cách làm việc quần chúng, tập thể, dân chủ, khoa học, cẩn thận, tỷ mỷ, chu đáo, thiết thực, sâu sát, cụ thể; nêu gương; phong cách ứng xử văn hóa; phong cách diễn đạt giản đơn, dễ hiểu, dễ nhớ; phong cách sống, sinh hoạt thanh đạm, thanh cao, yêu lao động, hòa đồng với thiên nhiên.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần phải nhận thức được những nội dung có tính hệ thống đó. Đồng thời, mỗi một đối tượng, cùng với những phẩm chất, nội dung chung, lại có những khía cạnh riêng cụ thể. Chẳng hạn đó là đạo đức của cán bộ chiến lược, người đứng đầu, chủ chốt, lực lượng công an nhân dân, bộ đội, ngành y, nhà giáo dục, thanh niên... Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không thể cứng nhắc, phải hết sức sáng tạo, gắn với thực tế, công việc, nghề nghiệp, lĩnh vực công tác của từng người.

Nội dung cốt lõi của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Tiếp cận nội dung cốt lõi của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm mục đích không chỉ học tập mà còn “làm theo”. Phải chỉ ra được tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh là vì ai, do ai. Đây là điều quan trọng nhất, quyết định nhất không chỉ trong nghiên cứu, mà quan trọng hơn là hướng dẫn, chỉ bảo chúng ta làm gì, làm theo, làm như thế nào. Để bộc lộ được mục đích, động lực, phương thức cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh là vì con người, do con người, mà trước hết là vì dân, do dân. Vì dân là mục đích của cách mạng. Do dân là động lực và phương thức của cách mạng. Tất cả các nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05, trực tiếp hay gián tiếp, đều thể hiện một cách rõ ràng tư tưởng của Người là vì dân, do dân. Cùng với những phẩm chất đã sáng tỏ tư tưởng vì dân, do dân, một vài phân tích dưới đây nhằm cụ thể hơn.
Về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Quyền làm chủ của nhân dân vừa là mục đích, vừa là động lực của cách mạng. Giá trị lớn nhất của cách mạng do Đảng lãnh đạo là đưa nhân dân từ thân phận nô lệ lên địa vị người chủ và khơi nguồn sức mạnh từ giá trị dân chủ. Theo Hồ Chí Minh, Chính phủ là công bộc của dân, tức là dựng ra Chính phủ là để phục vụ dân chứ không phải để hành dân, đè đầu dân. Làm cán bộ, công chức là làm người đầy tớ trung thành của nhân dân và phải làm cho tốt, làm suốt đời, chứ không phải làm quan cách mạng.
Chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Đây là việc làm rất quan trọng, rất cần thiết dưới góc độ tạo ra động lực trước mắt và lâu dài cho cách mạng, sự kế tục lực lượng cách mạng theo quy luật phát triển của đất nước, cũng như xu thế của thời đại.
Xây dựng Đảng vì hạnh phúc của nhân dân, nhằm tạo ra động lực để đưa cách mạng đến thắng lợi. Trước hết, phải nhận thức có hàm lượng khoa học rằng Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện Đảng để Đảng phải luôn luôn “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Tuy nhiên, có người không hiểu “lãnh đạo” theo tư tưởng Hồ Chí Minh là gì nên họ đứng trên nhân dân, đứng ngoài dân chúng, đứng trên, đứng ngoài pháp luật, lãnh đạo theo lối quan liêu, “khi nắm được chút quyền trong tay vẫn hay lạm dụng”. Người dạy: “Lãnh đạo là làm đầy tớ nhân dân và phải làm cho tốt”. Đảng lãnh đạo không có nghĩa “đóng cửa lại mà làm, ngồi ỳ trong phòng giấy mà viết, cứ tưởng những cái mình làm là đúng, mình viết là hay. Nào có biết, cách làm chủ quan đó, kết quả là “đem râu ông nọ, chắp cằm bà kia”, không ăn thua, không thấm thía, không ích lợi gì cả”. Lãnh đạo theo cách quan liêu là “cái gì cũng dùng mệnh lệnh. Ép dân chúng làm. Đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo”. Người dạy: “Bất cứ việc to việc nhỏ chúng ta phải làm cho hợp lòng, ý muốn của quần chúng. Nếu không vậy, “nếu cứ làm theo ý muốn, theo tư tưởng, theo chủ quan của mình, rồi đem cột vào cho quần chúng, thì chẳng khác nào “khoét chân cho vừa giày”; “Từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng. Nghĩa là gom góp mọi ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp đặt nó thành những ý kiến có hệ thống. Rồi đem nó tuyên truyền, giải thích cho quần chúng, và làm cho nó thành ý kiến của quần chúng, và làm cho quần chúng giữ vững và thực hành ý kiến đó”. Vấn đề là ở chỗ: “Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học của dân”.
Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng là phải nhận thức: “Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân”; “Đảng không phải làm quan, sai khiến quần chúng mà phải làm đầy tớ cho quần chúng và phải làm cho ra trò… Xa quần chúng là hỏng, cần phải nhớ nhiệm vụ của Đảng là làm đầy tớ cho quần chúng”.
Học tư tưởng Bác là để làm chứ không phải để thuộc, để nhớ, mà “làm cán bộ tức là suốt đời làm đầy tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a, b, c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được”. Làm đầy tớ trung thành của nhân dân là hết lòng, hết sức, không ngừng chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Xây dựng Đảng không phải chỉ là công việc của chi bộ, hiểu như vậy là lầm to, vì: “Đảng viên thì phải dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng”.
“Vì dân” và “do dân” không chỉ đúng với tư tưởng mà đúng cả với đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Đạo đức cao nhất theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh là “chí công vô tư”, tức là phải luôn luôn biết đặt lợi ích của nhân dân, Tổ quốc lên trên hết, trước hết. Lợi ích của Đảng cũng chính là lợi ích của Tổ quốc và dân tộc. Phong cách đẹp nhất, có giá trị nhất của Hồ Chí Minh là phong cách quần chúng, tức là tin dân, trọng dân, gần dân, học dân, hỏi dân, hiểu dân, giải thích cho dân, dựa vào dân, sống trong lòng dân, thực hành dân chủ, dân vận, làm gương để dân noi theo, luôn luôn chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đó chính là đường lối quần chúng theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tóm lại, cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh đọng lại một chữ “dân”. Đó là hạt ngọc lung linh tỏa sáng trong di sản Hồ Chí Minh. Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh là phải thấu và cảm, làm theo lời dạy của Người: “Ý dân là ý trời. Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại”; “Ta được lòng dân thì ta không sợ gì cả. Nếu không được lòng dân thì ta không thể làm tốt công tác”; “Đối với dân, ta đừng có làm điều gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy”. Để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi, xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn “cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”./.





Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội