Tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam - Thực trạng và kiến nghị

08/11/2016 01:12 AM



Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu không chỉ đơn thuần là bài toán cân đối đóng – hưởng Quỹ hưu trí mà quan trọng hơn, nhằm hướng tới đưa chế độ hưu về đúng với bản chất là chế độ bảo hiểm tuổi già, trên cơ sở nghiên cứu kỹ xu thế phát triển nhân khẩu học, đặc điểm tâm sinh lý con người Việt Nam, có tính đến điều kiện lao động trong từng nhóm ngành nghề. Đồng thời, nhằm hướng tới mức lương hưu thấp nhất phải đảm bảo cuộc sống tối thiểu của người về hưu.

Từ thực trạng…

Tuổi nghỉ hưu của người lao động ở Việt Nam hiện nay được quy định tại Điều 187 Bộ Luật lao động 2012, Luật BHXH 2014. Ngoài ra, Chính phủ còn quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn nhưng không quá 05 tuổi; tuổi nghỉ hưu thấp hơn từ 01 đến 05 tuổi tuổi đối với một số nhóm đối tượng.

Trong điều kiện làm việc bình thường tuổi nghỉ hưu đối với nam là đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi nhưng thực tế tuổi nghỉ hưu thấp hơn rất nhiều. Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tuổi nghỉ hưu bình quân năm 2012 chỉ là 54,17 tuổi, trong đó tuổi nghỉ của nam là 55,61 tuổi (thấp hơn gần 4,4 tuổi) và nữ là 52,56 tuổi (thấp hơn 2,44 tuổi); thời gian đóng BHXH bình quân của nam là 28 năm, của nữ là 23 năm; tỷ lệ nghỉ hưu đúng tuổi đủ 60 đối với nam, đủ 55 đối với nữ chiếm khoảng 40,5%; số người nghỉ hưu sớm trước tuổi quy định chiếm tỷ lệ cao trên 50%. Số người nghỉ hưu và tuổi nghỉ hưu bình quân từ 2011 đến năm 2015 theo thống kê như sau:

Theo kết quả Tổng điều tra dân số (2009) cho thấy, số năm trung bình sống thêm của nam ở tuổi 60 là 18,1 năm và của nữ ở tuổi 55 là 24,5 năm. Như vậy, thời gian hưởng lương hưu dài hơn so với thời điểm đưa ra chính sách khi đó tuổi thọ trung bình của người Việt Nam khoảng 67 tuổi, tuổi nghỉ hưu bình quân khoảng 54, thời gian hưởng lương hưu bình quân khoảng 13 năm. Tuổi nghỉ hưu ở nước ta được quy định từ rất lâu, đến nay đã có nhiều yếu tố thay đổi, trong đó có sức khỏe và tuổi thọ của người dân được nâng lên (trên 73 tuổi) nên thời gian hưởng lương hưu bình quân kéo dài hơn khoảng từ 20 năm tức là Quỹ BHXH phải chi trả thêm tương ứng khoảng 07 năm trong khi tuổi nghỉ hưu vẫn giữ nguyên. Thời gian đóng BHXH ngắn, thời gian hưởng dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng cân đối của Quỹ BHXH trong dài hạn. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu duy trì quan hệ đóng, hưởng theo quy định của Luật BHXH 2006 thì từ năm 2037 trở đi tổng thu bao gồm cả kết dư sẽ bằng tổng chi, để bảo đảm chi trả lương hưu, ngân sách nhà nước phải hỗ trợ. Sau khi điều chỉnh quan hệ đóng, hưởng theo Luật BHXH 2014, dự báo của các chuyên gia đến năm 2046 (có phương án đề cập năm 2050), Quỹ hưu trí và tử tuất sẽ mất cân đối nếu không không kịp thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Nguyên nhân: Một số quy định về đóng, hưởng BHXH còn bất cập, chưa phù hợp thể hiện: Tỷ lệ đóng góp vào quỹ hưu trí và tử tuất còn thấp so với mức hưởng lương hưu (tổng mức đóng góp là 22%, trong khi tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75%, tỷ lệ hưởng của các nước trên thế giới chỉ từ 40% đến 60%). Tỷ lệ tích lũy bình quân đối với một năm đóng BHXH của nam là 2,5%, của nữ là 3% là cao (bình quân các nước trên thế giới là 1,7%). Tỷ lệ giảm trừ cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi rất thấp, chỉ là 2% (trong khi Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khuyến nghị phải từ 5-6% mới hạn chế số người nghỉ hưu sớm). Mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH hiện nay đối với khu vực ngoài Nhà nước mới chỉ tính khoảng trên 60% thu nhập thực tế của người lao động, dẫn đến khi hưởng BHXH sẽ thấp hơn rất nhiều so với thu nhập thực tế khi đi làm. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mức lương hưu của Việt Nam rất thấp, bình quân chưa đến 200 USD/tháng, cá biệt có những trường hợp mức lương hưu hiện hưởng thấp hơn mức lương cơ sở. Điều chỉnh mức lương hưu cho nhóm đối tượng này sẽ là gánh nặng cho Quỹ BHXH cũng như ngân sách nhà nước sau này. Số người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu ngày càng giảm, nếu năm 1996 có 217 người đóng cho 01 người hưởng thì năm 2000 giảm xuống 34 người, năm 2012 là 9,3 người, đến năm 2015 chỉ có 8,13 người đóng cho 01 người hưởng. Tuổi nghỉ hưu thực tế thấp lý do ngoài các nhóm đối tượng quy định giảm 05 tuổi đời theo quy định của Luật BHXH, còn một số đối tượng được giảm từ 01 đến 05 tuổi khi thực hiện chính sách tinh giản biên chế, chính sách đối với lao động dôi dư, chính sách đối với người không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm chức vụ, chức danh trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Bình quân mỗi năm Quỹ BHXH phải chi trả chế độ BHXH một lần cho trên 600 ngàn người, đồng nghĩa với việc số người này ra khỏi mạng lưới An sinh xã hội. Mục tiêu mở rộng sàn an sinh xã hội và bảo đảm An sinh xã hội trong dài hạn vì vậy càng khó đạt được. Việc điều chỉnh tăng lương hưu tương ứng với mức tăng tiền lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở) thời gian vừa qua cũng là gánh nặng đối với Quỹ BHXH.

...đến kiến nghị

Quỹ BHXH là quỹ tài chính dài hạn thực hiện theo nguyên tắc đóng, hưởng được hình thành chủ yếu từ đóng góp của người sử dụng lao động, người lao động và sự hỗ trợ của Nhà nước trong một số trường hợp nhằm bảo đảm khả năng chi trả các chế độ BHXH cho người lao động và thân nhân của họ, có sự chia sẻ giữa các thế hệ người lao động (người đang làm việc đóng để chi trả cho người về hưu) theo quy định của pháp luật về BHXH. Quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ, Nhà nước ban hành các chính sách nhằm bảo toàn, tăng trưởng Quỹ BHXH để bảo đảm An sinh xã hội bền vững. Quỹ hưu trí và tử tuất là quỹ thành phần của Quỹ BHXH có nhiệm vụ đảm bảo khả năng chi trả chế độ hưu trí, chế độ tử tuất. Tỷ lệ đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất là 22% trong đó, người sử dụng lao động đóng 14%, người lao động đóng 8%. So với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực mức đóng vào quỹ hưu trí của Việt Nam chưa phải là quá cao. Mặt khác, mức tiền lương đóng BHXH thấp hơn thu nhập thực tế, nếu tính theo số tiền tuyệt đối quy đổi thì thấp hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới. Chưa thực hiện đúng nguyên tắc đóng, hưởng nên một bộ phận người về hưu hiện nay có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở, đời sống rất khó khăn.

Để ứng phó với nguy cơ mất cân đối Quỹ BHXH trong thời kỳ già hóa dân số, giải pháp cơ bản lâu dài phải điều chỉnh quan hệ đóng, hưởng BHXH cho phù hợp. Các phương án chủ yếu được đưa ra như sau: (1) Tăng mức đóng; (2) Giảm mức hưởng; (3) Kéo dài thời gian đóng, rút ngắn thời gian hưởng. Tuy nhiên, phương án nào cũng chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội. Phương án 01 doanh nghiệp và người lao động phải đóng góp nhiều. Phương án 02, giảm mức hưởng của người lao động cũng sẽ gây khó khăn cho người về hưu trong khi lương hưu hiện nay vốn rất thấp.

Như vậy, không thể tăng mức đóng lên quá cao hoặc giảm mức hưởng xuống thấp được. Tuy nhiên, những bất cập phát sinh trong quan hệ đóng, hưởng của Việt Nam hiện nay cần thiết phải điều chỉnh một số quy định về đóng cho phù hợp như: Về căn cứ đóng BHXH phải quy định đóng trên mức thu nhập thực tế của người lao động. Nên có quy định cách tính tiền lương, tiền công bình quân tháng đóng BHXH thống nhất và bình đẳng giữa 02 khu vực hưởng chế độ tiền lương do nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.

Cần thiết phải có quy định điều chỉnh giảm mức hưởng cho phù hợp cụ thể: giảm tỷ lệ tích lũy bình quân cho mỗi năm đóng BHXH xuống ≥ 2% hiện nay tỷ lệ này là 2,3%/ năm. Tăng tỷ lệ giảm trừ cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi lên từ 2% hiện nay lên 3% đến 5%, trước mắt là 3%. Theo khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế, mức giảm trừ phải từ 5% ÷ 6% mới hạn chế số người về hưu trước tuổi.

Phương án còn lại là kéo dài thời gian đóng hay là nâng tuổi nghỉ hưu lên đồng nghĩa với việc rút ngắn thời gian hưởng từ Quỹ BHXH điều này cũng dễ hiểu hầu hết các quốc gia đều phải nâng tuổi nghỉ hưu như là một xu hướng tất yếu. Ở Việt Nam, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trong thời kỳ già hóa dân số diễn ra rất nhanh là hết sức cần thiết, song cần phải tìm ra phương án hài hòa giữa các mục tiêu: bảo đảm khả năng chi trả của Quỹ BHXH hưu trí và tử tuất, phát triển kinh tế và tận dụng được nguồn nhân lực. Khi đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu phải tính toán đồng bộ các phương án như: tạo việc làm cho lực lượng lao động trẻ, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, hoàn thiện các quy định về đánh giá theo vị trí việc làm căn cứ cho việc tiếp tục sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng cao đảm bảo tính khoa học, minh bạch, hiệu quả. Đảm bảo quyền con người theo quy định của Hiến pháp thể hiện người lao động có quyền được nhận lương hưu khi đã đủ tuổi và hoàn thành các nghĩa vụ đóng BHXH theo pháp luật về BHXH. Người lao động khi có đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng vẫn đảm bảo đủ các điều kiện quy định của pháp luật về lao động có quyền được tiếp tục làm việc kể từ thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu trở đi nếu được người sử dụng lao động tiếp tục sử dụng hoặc được người sử dụng lao động khác giao kết hợp đồng lao động thì có quyền được tiếp tục làm việc và đóng BHXH mà không bị bắt buộc phải nghỉ việc để hưởng lương hưu như hiện nay, thời gian đóng BHXH này được tính hưởng các chế độ BHXH, trong thời gian tiếp tục làm việc người lao động vẫn có quyền nhận lương hưu bất cứ thời điểm nào nếu không muốn tiếp tục làm việc mà không bị ràng buộc. Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH nhưng chưa đến độ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì chưa được nhận lương hưu, nếu bị mất việc làm thì người lao động được hưởng trợ cấp mất việc làm, nếu phải chuyển việc thì được hỗ trợ chuyển đổi nghề cho phù hợp để lao động nhanh chóng trở lại thị trường lao động. Theo đó, không quy định nghỉ hưu trước tuổi như hiện nay. Theo tính toán từ điều tra mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê (2010), có 60% số người lao động trên 55 tuổi và 45% lao động trên 60 tuổi vẫn tiếp tục làm việc. Điều này có nghĩa là người lao động chưa thực sự “nghỉ hưu”, mà chỉ muốn “nhận lương hưu” đây cũng là vấn đề cần được quan tâm khi nghiên cứu đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam sau khi tổng kết 03 năm thực hiện Bộ luật Lao động 2012 và sơ kết 01 năm thực hiện Luật BHXH 2014. Ngoài ra, còn phải thực hiện đồng bộ các phương án khác như: phương án về đầu tư tăng trưởng, quản lý Quỹ an toàn, hiệu quả.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh các quy định về đóng, hưởng BHXH, đặc biệt là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là những vấn đề hết sức nhạy cảm được cả xã hội quan tâm nên phải được nghiên cứu một cách thận trọng, khoa học, trên cơ sở tổng kết cả về lý luận và thực tiễn phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý của con người cũng như điều kiện lao động, môi trường làm việc của Việt Nam, đánh giá tác động đến từng nhóm đối tượng đặc biệt là người lao động, người sử dụng lao động để những quy định mới vừa bảo đảm hài hòa các lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động và của quốc gia trong việc bảo đảm An sinh xã hội bền vững.

Cần phải đưa chế độ hưu về đúng với bản chất là chế độ bảo hiểm tuổi già. Theo đó, có quy định tuổi nghỉ hưu của Việt Nam cho phù hợp với đặc điểm của con người Việt Nam, tương đồng với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực. Đồng thời, cần nghiên cứu để sớm có quy định về mức sàn lương hưu hay là mức lương hưu thấp nhất phải đảm bảo cuộc sống tối thiểu của người về hưu./.





Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội