Triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS

11/11/2016 08:08 AM



Tháng hành động sẽ bao gồm một chuỗi các sự kiện nhằm thúc đẩy sự tham gia của hệ thống chính trị và của toàn dân, nhằm thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng, chống HID/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”. Qua đó, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người về dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, giúp giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của bản thân người nhiễm với gia đình, xã hội, đặc biệt là dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng, tính dễ tiếp cận của các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS đến với mọi người dân.

Mục tiêu 90-90-90 mà Việt Nam đặt ra là đến năm 2030 sẽ đạt 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người nhiễm HIV chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được diều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp.

Năm 2016 là năm thứ 3 liên tiếp, Việt Nam tiếp tục theo đuổi và thực hiện mục tiêu này. Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong phòng chống HIV/AIDS. Suốt 8 năm liền, dịch HIV được kiểm soát ở cả 3 tiêu chí: Giảm số người nhiễm HIV mới hằng năm; giảm số người chuyển sang AIDS và giảm số người tử vong do HIV/AIDS; tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư được kiểm soát ở mức dưới 0,3%.

Tuy nhiên, theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, các chỉ tiêu hiện tại của Việt Nam còn khá xa so với mục tiệu 90-90-90 trên. Hiện Việt Nam mới có khoảng gần 89% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, gần 50% người nhiễm HIV chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút. Mục tiêu 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp. Việt Nam hiện đang mở rộng xét nghiệm tải lượng vi rút, tiến tới như là một xét nghiệm thường quy theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Đây được đánh giá là những mục tiêu hết sức tham vọng và đặt ra thách thức không nhỏ trong giai đoạn tới, khi nguồn lực viện trợ quốc tế cho Việt Nam giảm nhanh. Tuy nhiên, những mục tiêu này rất quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, cũng như góp phần vào sự ổn định và phát triển của mỗi quốc gia.

Trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS 2016, các hoạt động sẽ tập trung vào việc huy động và đảm bảo tài chính cho công tác phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt là nguồn tài chính từ quỹ BHYT. Tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về lợi ích của BHYT đối với người nhiễm HIV, nguy cơ không tiếp tục được tiếp cận điều trị bằng thuốc kháng vi rút nếu không có thẻ BHYT, vận động người nhiễm HIV tham gia và sử dụng thẻ BHYT trong KCB.

Ban Tổ chức Tháng hành động cũng tổ chức các hội thảo, hội nghị để bàn giải pháp mở rộng độ bao phủ BHYT, hướng tới mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT; triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thanh toán và hỗ trợ chi phí sử dụng thuốc kháng vi rút HIV từ nguồn BHYT…/.





Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội