Nguy cơ rối loạn tiền đình ở dân công sở

14/11/2016 03:58 AM



Tiền đình là một bộ phận phức tạp nằm ở phía sau ốc tai hai bên, có vai trò điều chỉnh thăng bằng tư thế và các phối hợp cử động mắt, đầu, thân mình. Rối loạn tiền đình gây ra trạng thái mất thăng bằng khi thay đổi tư thế làm cho người bệnh bị chóng mặt, quay cuồng, hoa mắt, ù tai, buồn nôn, đi đứng loạng choạng dễ té ngã.

Ai dễ bị rối loạn tiền đình?

Trước đây, rối loạn tiền đình được xem như bệnh lý chỉ ‘dành’ cho tuổi trung niên và người lớn tuổi, nhưng hiện nay, rất nhiều người trẻ tuổi đặc biệt là giới văn phòng than phiền bị rối loạn tiền đình, có trường hợp nặng phải nhập viện cấp cứu. Theo lý giải của các chuyên gia y tế, nguyên do giới văn phòng có nguy cơ mắc rối loạn tiền đình rất cao là vì làm việc trong môi trường nhiều áp lực, ít vận động, thường xuyên tiếp xúc với máy vi tính, phòng lạnh kín nên cột sống vùng cổ dễ bị nhiễm lạnh, lâu ngày làm co thắt động mạch cột sống thân nền, dẫn đến rối loạn điều hòa máu lên não. Ngoài ra, môi trường ô nhiễm, thời tiết chuyển mùa, thực phẩm nhiễm độc, tâm lý căng thẳng… cũng là những yếu tố làm gia tăng bệnh lý này.

Nhận biết rối loạn tiền đình

Thông thường, người bị rối loạn tiền đình dễ ra mồ hôi tay, chóng mặt, nhức đầu, hay quên, buồn nôn, rối loạn giấc ngủ. Không chỉ dừng lại ở các cơn chóng mặt, buồn nôn, nhiều trường hợp còn gặp phải triệu chứng đáng sợ hơn, như nằm ngủ chỉ được một tư thế, sáng sớm thức giấc không thể ngồi dậy nổi, mở mắt ra thấy mọi thứ đều quay cuồng, đầu nặng trĩu như đeo đá, sợ tiếng động, ánh sáng… Người bị rối loạn tiền đình có nguy cơ đột quỵ cao, nhất là trường hợp đi kèm các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch.

Chế độ ăn cho người rối loạn tiền đình


Theo khuyến cáo của các chuyên gia, ngoài việc điều trị bằng thuốc, người bị rối loạn tiền đình cần bổ sung đủ chất lỏng trong chế độ ăn hằng ngày. Vào những ngày thời tiết nóng nực hay lúc luyện tập thể thao nên uống thêm nước để bù lại lượng nước đã mất. Tránh các loại thực phẩm và đồ uống có đường và muối cao. Hạn chế các loại thực phẩm và đồ uống có chứa caffein. Tránh các tác nhân gây đau đầu, chẳng hạn: thực phẩm chứa axit amin có tên tyramine (như rượu vang đỏ, gan gà, thịt hun khói, sữa chua, chuối, trái cây có múi, quả sung, phô mai chín, các loại hạt…)./.






Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội