“BHYT toàn dân tại Việt Nam - thực trạng và giải pháp phát triển bền vững”

14/11/2016 06:40 AM




Dự và chủ trì Hội thảo có Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải; Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi; Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn; Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn. Tham dự Hội thảo còn có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ Việt Nam, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Tổng hội Y Dược học Việt Nam, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, các bệnh viện Trung ương, Tổ chức Y tế thế giới; đại diện lãnh đạo Thành ủy, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng; lãnh đạo UBND, Sở Y tế, BHXH 15 tỉnh, thành phố, các nhà khoa học, các cơ quan thông tấn báo chí.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải khẳng định, BHXH, BHYT là 2 trụ cột chính trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của đất nước. Liên quan đến quyền lợi, sức khỏe, đảm bảo an toàn và chất lượng cuộc sống trọn đời của người tham gia. Thực hiện BHYT toàn dân là một chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước. Sau 25 năm thực hiện chính sách pháp luật về BHYT, đặc biệt sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, công tác BHYT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống chính sách, pháp luật về BHYT được xây dựng cơ bản; nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và các ngành, đoàn thể xã hội về chủ trương của Đảng trong triển khai BHYT được nâng lên một bước; số người tham gia BHYT ngày một tăng; quyền lợi người tham gia BHYT được mở rộng trong cả KCB, y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe; cơ chế tài chính BHYT được đổi mới gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, người dân có BHYT được hưởng nhiều dịch vụ y tế hiện đại...

Tuy nhiên, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải đã chỉ ra những hạn chế trong thực hiện chính sách quan trọng này như: Tỷ lệ bao phủ BHYT trong dân số chưa đạt mục tiêu đề ra, nhiều thách thức trong triển khai BHYT bắt buộc, tình trạng trốn đóng, nợ BHYT còn diễn ra... và đặt vấn đề tìm những giải pháp để phát triển BHYT bền vững, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đến hết tháng 6-2016, số người tham gia BHYT là 72,81 triệu người, đạt tỉ lệ bao phủ 79% dân số. Hiện nay, chi phí khám chữa bệnh của đối tượng tham gia BHYT chiếm 70%-90% nguồn thu của các bệnh viện, cơ bản bảo đảm các chi phí trực tiếp để phục vụ người bệnh và hoạt động của bệnh viện.

Nhóm đối tượng tham gia BHYT đều có sự gia tăng về số lượng, nhóm đối tượng có tỉ lệ tham gia BHYT cao (đạt gần 100%) là nhóm người lao động thuộc khối hành chính sự nghiệp; nhóm đối tượng hộ gia đình cận nghèo cũng có tỉ lệ bao phủ tăng đáng kể (hiện tại khoảng 90%), do hầu hết các địa phương đã hỗ trợ 30% kinh phí.

Quyền lợi của người dân tham gia BHYT ngày càng được mở rộng, nguồn kinh phí cho công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế được bảo đảm.

Tuy nhiên, trong chín tháng đầu năm 2016, đã có 38 địa phương bội chi quỹ với số tiền gần 6.000 tỉ đồng. Dự kiến năm 2016, quỹ BHYT sẽ bội chi trên 7.000 tỉ đồng. Nếu không có điều chỉnh, quỹ BHYT có nguy cơ mất cân đối sau năm 2018.

Phân tích thực tế triển khai thực hiện chính sách BHYT tại Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho rằng, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện BHYT toàn dân có nguyên nhân từ chính sách, pháp luật và cách thức tổ chức thực hiện.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn chỉ rõ, mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về BHYT đã được ban hành khá đầy đủ và kịp thời, tuy nhiên việc sửa đổi những bất cập và bổ sung các thiếu hụt phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện còn chậm, dẫn đến khó khăn cho các đơn vị tổ chức thực hiện. Việc hạn chế trong tuân thủ pháp luật về BHYT là vấn đề cần quan tâm. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong thực hiện chính sách như nhà trường, chính quyền địa phương… vẫn chưa được thể hiện rõ ràng… Một số hạn chế trong đáp ứng và tiếp cận dịch vụ y tế, nhất là ở các tuyến y tế cơ sở và các tỉnh miền núi, vùng sâu, xa; hay tình trạng quá tải tại các BV tuyến tỉnh, trung ương… là nguyên nhân khiến người dân chưa tích cực tham gia BHYT, với nhiều người, BHYT chỉ thực sự có giá trị khi bị mắc bệnh nặng, hoặc phải vào BV điều trị nội trú...

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn phát biểu tại Hội thảo

Năm 2016, với nhiều chính sách mở rộng về quyền lợi của người bệnh trong KCB BHYT nhưng tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ KCB có chiều hướng gia tăng với nhiều hình thức khác nhau cả từ phía người tham gia BHYT và cơ sở KCB như chính sách thông tuyến; sử dụng thuốc và VTYT có giá cao không hợp lý; chỉ định sử dụng DVKT quá mức cần thiết, không phù hợp với chẩn đoán; liên danh, liên kết lắp đặt máy móc, trang thiết bị theo hình thức xã hội hóa với những cam kết, ràng buộc làm gia tăng cung đối với DVKT từ các máy móc này…

Để đạt mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2020, BHXH Việt Nam kiến nghị Quốc hội tăng cường công tác giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT ít nhất 1 năm/lần đối với các địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT dưới 80%. Đề xuất Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố cân đối ngân sách thực hiện hỗ trợ 100% mức đóng cho đối tượng cận nghèo tham gia BHYT, hỗ trợ tối thiểu 50% với các hộ gia đình nông- lâm- ngư- diêm nghiệp có mức sống trung bình; chỉ đạo các tỉnh, thành phố tăng cường các giải pháp quản lý quỹ BHYT…

BHXH Việt Nam đề nghị các bộ, ngành liên quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an… phối hợp tăng tỷ lệ bao phủ BHYT đối với nhóm đối tượng đang quản lý; Bộ Y tế phối hợp hoàn thiện mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ KCB BHYT, đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống BHYT theo hướng phục vụ chi trả nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho cho rằng cần nâng cao giải pháp phát triển BHYT theo hướng bền vững, phấn đấu đến năm 2020 có trên 90% dân số tham gia, tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân, góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.


Các giải pháp thời gian tới cần tập trung triển khai như: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHYT theo hướng chuyên nghiệp hóa cả về nội dung và phương thức tiếp cận người tham gia; nghiên cứu các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm giúp người dân, doanh nghiệp hiểu được quyền và nghĩa vụ về BHYT và tự giác tham gia.

Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHYT, từng bước mở rộng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người yếu thế, lao động trong khu vực phi chính thức, các đối tượng chính sách, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, nông dân, học sinh, sinh viên, đồng bào ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng núi.

Mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT, đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống BHYT theo hướng phục vụ chi trả nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm. Cần có các giải pháp để minh bạch, công khai và quản lý các hoạt động khám chữa bệnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ.../.





Nguồn: Trang tin điện tử BHXH Việt Nam