Lạm dụng rượu bia gia tăng gánh nặng y tế lên quỹ BHYT

14/11/2016 07:08 AM




Các báo cáo tại Hội thảo cho thấy, tiêu dùng rượu bia đang ngày càng gia tăng cả về tỉ lệ sử dụng và mức độ tiêu thụ, đặc biệt ở giới trẻ. Chỉ trong 5 năm (2011- 2015), tỉ lệ sử dụng rượu bia ở nam giới (độ tuổi 25- 64 tuổi) đã tăng từ 69,6% lên 80,3%; ở nữ giới từ 5,6% lên 11,2%. Trong số nam giới sử dụng rượu bia năm 2015, có 44,2% sử dụng ở mức nguy hại và 47,9% điều khiển phương tiện cơ giới sau khi sử dụng.

Cấp cứu cho một bệnh nhân bị ngộ độc rượu

Từ 2005 đến 2010, mức tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người ở Việt Nam từ 15 tuổi trở lên tăng gấp đôi (từ 3,8 lít/người lên 6,6 lít/người). Riêng nam giới có mức tiêu thụ trung bình 27,4 lít cồn nguyên chất/người/năm. Việt Nam trở thành quốc gia có mức tiêu thụ bia đứng đầu các nước ASEAN, xếp thứ 3 châu Á. Chi bình quân tiêu thụ bia tại Việt Nam đã đạt mức hơn 3 tỉ USD/năm (khoảng 1,8% GDP), bằng gần 3% thu ngân sách cả nước và cao gấp 4 lần mức đóng góp ngân sách của ngành sản xuất rượu bia, nước giải khát hằng năm (trung bình 800 triệu USD/năm).

Trong khi đó, các nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng rượu bia gây ra những gánh nặng y tế và các vấn đề xã hội. Theo nghiên cứu "gánh nặng bệnh tật toàn cầu", rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 5 trong 15 nguy cơ sức khỏe hàng đầu tại Việt Nam. Chi phí y tế liên quan đến rượu bia ngày càng gia tăng, đổ dồn gánh nặng lên hộ gia đình và cả quỹ BHYT, NSNN…

Theo tính toán, chi phí kinh tế trực tiếp cho điều trị 6 loại bệnh ung thư phổ biến tại Việt Nam- trong đó có 5 bệnh có liên quan đến sử dụng rượu bia (ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư khoang miệng, ung thư dạ dày, ung thư vú) lên tới 25.789 tỉ đồng (chiếm 0,22% tổng GDP năm 2012). Gánh nặng kinh tế cho việc điều trị các bệnh ung thư đổ dồn lên hộ gia đình (42,4%), tiếp đến là quỹ BHYT (27,7%) và NSNN (17,1%)…

Rượu bia có liên quan với 36,2% các trường hợp tai nạn giao thông ở nam giới và 0,7% các trường hợp ở nữ giới. Thiệt hại kinh tế do tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia ước tính gần 1 tỉ đô la Mỹ vào năm 2010. Rượu bia cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam. Trẻ em Việt Nam cũng đang là nạn nhân trong việc lạm dụng rượu bia của người lớn như: Bị xúc phạm, nhục mạ, mắng chửi (11,1%), bị bỏ mặc, thiếu sự chăm sóc bảo vệ của người lớn (6,5%), phải chứng kiến bạo lực nghiêm trọng trong gia đình (6,1%), bị đánh đập gây đau đớn về thể xác (3,8%), hoặc chịu ít nhất 1 trong 4 vấn đề nêu trên (13,8%)- cao hơn các quốc gia khác như: Úc (11,8%), Ai Len (11,1%), Thái Lan (13,1%)...

Bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về “nạn dịch” lạm dụng rượu bia, NCDs-VN và HealthBridge đã thống nhất kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội Việt Nam đẩy nhanh lộ trình xây dựng Luật Phòng chống tác hại rượu bia để đưa vào chương trình nghị sự xây dựng Luật năm 2017. Đặc biệt, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cần có những điều khoản liên quan tới kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tài trợ và kiểm soát bán lẻ; đồng thời nghiên cứu, xem xét sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc lá và rượu bia…/.




Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội