Đẩy mạnh lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân

15/11/2016 07:12 AM



Khám, chữa bệnh cho người có bảo hiểm y tế tại Trung tâm y tế huyện Điện Biên
(tỉnh Điện Biên).

Tăng cường kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong chín tháng đầu năm, cả nước đã thực hiện khám, chữa bệnh (KCB) BHYT cho khoảng 104,7 triệu lượt người, tăng hơn 10,6 triệu lượt người (tương đương 11,4%) so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ sự nỗ lực của ngành BHXH trong công tác kiểm soát chi phí, cũng như sự vào cuộc của các cơ quan liên quan, tổng chi phí KCB quý III đã phần nào được kiểm soát, ước tăng khoảng 6% so với quý II. Lũy kế chi KCB chín tháng đầu năm khoảng 49.300 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước, vẫn nằm trong phạm vi dự toán được giao.

Cũng trong quý III, thực hiện lộ trình áp giá dịch vụ y tế (DVYT) có lương theo quy định của Thông tư 37 liên bộ Y tế - Tài chính, từ ngày 12-8-2016 các cơ sở y tế thuộc 16 tỉnh có tỷ lệ dân số tham gia BHYT hơn 85%, đã bắt đầu thực hiện áp dụng giá DVYT có cơ cấu tiền lương, gồm: Lào Cai, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang, Bắc Cạn, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lai Châu, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Hòa Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Yên Bái, Lạng Sơn.

Do tác động của việc áp dụng giá DVYT có lương, cho nên chi phí KCB của một số tỉnh tăng cao. Chín tháng đầu năm có 38 địa phương bội chi quỹ với số tiền gần 6.000 tỷ đồng. Ước tính có sáu tỉnh, thành phố có số bội chi hơn 200 tỷ đồng, gồm: Cà Mau, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Thái Bình. Trong đó Nghệ An, Thanh Hóa vẫn là hai địa phương dự kiến có số bội chi cao nhất.

Tuy chi phí KCB trong tháng 8, tháng 9 vừa qua tại một số tỉnh đã được kiểm soát, nhưng so chín tháng đầu năm với cùng kỳ năm trước thì nhiều tỉnh vẫn có tỷ lệ gia tăng số chi KCB tại tỉnh khá cao. Có tới 14 tỉnh có số chi KCB trong chín tháng đầu năm 2016 tăng cao hơn 155% so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó có Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang là các tỉnh đã áp dụng giá viện phí có lương trong quý III.

Theo Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT Lê Văn Phúc, dự kiến cả năm 2016 số chi KCB BHYT vẫn nằm trong phạm vi dự toán được giao, với khoảng 70.577 tỷ đồng. Tuy nhiên, sẽ có khoảng 41 đơn vị bội chi quỹ với số tiền hơn 8.000 tỷ đồng.

Đánh giá về việc chấn chỉnh công tác giám định BHYT, Phó Trưởng ban Lê Văn Phúc cho biết: Trước tình trạng bội chi quỹ KCB BHYT và lạm dụng, trục lợi quỹ KCB tại một số địa phương trong sáu tháng đầu năm, BHXH Việt Nam đã có công văn chỉ đạo BHXH các địa phương, chỉ trong hơn hai tháng thực hiện, BHXH các tỉnh đã tích cực triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát chi phí KCB BHYT, hạn chế lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT tại các cơ sở KCB.

BHXH ở một số tỉnh, thành phố đã tổng hợp số liệu, phân tích nguyên nhân gia tăng chi phí, báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành phố để kiến nghị các giải pháp kiểm soát chi phí. UBND các tỉnh, thành phố cũng đã ban hành những văn bản chỉ đạo Sở Y tế, BHXH tỉnh, UBND các quận, huyện trực thuộc về việc tăng cường quản lý, sử dụng quỹ KCB BHYT. Đồng thời, BHXH các tỉnh phối hợp Sở Y tế và các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, thẩm định lại chi phí KCB BHYT tại những cơ sở KCB có gia tăng chi phí cao, qua kiểm tra đã từ chối thanh toán hàng chục tỷ đồng chi phí KCB không đúng quy định.

Bên cạnh đó, BHXH các tỉnh đã triển khai các biện pháp tăng cường kiểm soát chi phí KCB, như: Bố trí sắp xếp lại giám định viên thường trực tại các cơ sở KCB để kiểm soát đầu vào, kiểm tra người bệnh có nằm viện hay không; rà soát, kiểm tra hồ sơ, đề án của những máy móc, thiết bị xã hội hóa, từ chối thanh toán chi phí những dịch vụ kỹ thuật được thực hiện bằng máy móc lắp đặt không có đề án theo quy định tại Thông tư số 15/2007/TT-BYT; tăng cường kiểm tra đột xuất trong giờ, ngoài giờ, ngày nghỉ tại các cơ sở KCB; phối hợp liên ngành kiểm tra, thẩm định chi phí KCB BHYT... Tích cực phối hợp với cơ sở KCB trong việc liên thông, kết nối dữ liệu KCB vào phần mềm giám định BHYT, thông báo tạm thời chưa thanh toán chi phí KCB BHYT nếu cơ sở KCB không kết nối dữ liệu...

Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành vào cuối năm 2016 là tiếp tục phát triển đối tượng tham gia BHYT, phấn đấu thực hiện vượt chỉ tiêu bao phủ BHYT được Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg.

BHXH Việt Nam đang tập trung triển khai một số giải pháp chính. Trong đó, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan và cấp ủy đảng, chính quyền địa phương để chủ động triển khai có hiệu quả Luật BHYT. Triển khai mạnh mẽ việc thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, trong đó tập trung xây dựng và hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, hoàn thành việc lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT và vận hành tốt Hệ thống thông tin giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT. Đồng thời, bảo đảm đầy đủ, kịp thời quyền lợi cho người có thẻ BHYT; thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát việc gia tăng chi phí bất thường, bất hợp lý, ngăn ngừa hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, bảo đảm chi tiêu trong dự toán Chính phủ đã giao...

BHXH Việt Nam cũng đề xuất một số kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố cân đối ngân sách thực hiện hỗ trợ 100% mức đóng cho đối tượng cận nghèo tham gia; đối với hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng BHYT; chỉ đạo các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý quỹ BHYT, bảo đảm chi trong nguồn kinh phí KCB được giao; trường hợp sử dụng vượt quá nguồn kinh phí này, ngân sách tỉnh phải cân đối để bù đắp khoản thiếu hụt. Đề nghị Bộ Y tế phối hợp Bộ Tài chính sớm ban hành quy định về nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho hộ cận nghèo; hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; học sinh, sinh viên và nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, theo nguyên tắc giảm dần việc cấp kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cho các cơ sở KCB sang hỗ trợ mua thẻ BHYT khi thực hiện cơ chế tính đúng, tính đủ giá dịch vụ KCB.../.





Nguồn: Báo Nhân dân điện tử