Hiệu quả từ công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua bưu điện

12/12/2016 04:00 AM



Chi trả lương hưu tại Bưu cục huyện Phong Điền (Cần Thơ).

Đến với từng người dân

Mới 8 giờ sáng, nhưng Bưu cục Hưng Lợi (TP Cần Thơ) đã bắt đầu nhộn nhịp. Tại khu vực chi trả lương hưu, các bác hưu trí đã ngồi tập trung, người đọc báo, nhóm thì trò chuyện vui vẻ, hỏi thăm sức khỏe của nhau... Bác Trần Kim Ngoan (phường An Cư, quận Ninh Kiều) năm nay đã 76 tuổi nhưng còn nhanh nhẹn, chia sẻ với chúng tôi về cách nhận lương hưu ở bưu điện. Bác bảo, từ khi chuyển sang lĩnh lương hưu tại bưu điện, mọi thứ đều nhanh hơn, không phải chờ đợi, xếp hàng quá đông như trước. Nhưng với các bác, ngày mồng 5 mỗi tháng, niềm vui không chỉ là đến bưu cục nhận lương hưu, mà còn là dịp gặp gỡ hỏi thăm tình hình sức khỏe, gia đình của những người bạn già.

Chị Trần Thị Hồng Nhạn, cán bộ chi trả của Bưu cục Hưng Lợi cho biết, bưu cục chi trả hơn 300 suất lương hưu. Dù là 12 giờ trưa hay 6 giờ tối, nếu còn các cô chú, các bác đến lĩnh thì chúng tôi vẫn làm việc bình thường, phát hết mới nghỉ. Với một số trường hợp các bác già yếu, ốm đau bệnh tật, những trường hợp người hưởng hơn 80 tuổi không thể đến điểm chi trả, chúng tôi tổ chức chi trả tại nhà miễn phí. Bảo đảm luôn có người chi trả theo lịch, không xảy ra tình trạng người hưởng không nhận được tiền do không có người phục vụ hoặc không có tiền.

Tại TP Hồ Chí Minh, việc chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH do Bưu điện thành phố thực hiện được thí điểm triển khai tại quận 1 và huyện Bình Chánh từ tháng 7-2015, sau đó tiếp tục triển khai tại 22 quận, huyện còn lại từ tháng 5-2016. Sau hơn một năm thực hiện, đã cho thấy hiệu quả cao thông qua công tác chi trả này. Người hưởng không phải trả bất kỳ khoản chi phí nào khi đến nhận lương hưu tại điểm chi trả của bưu điện. Để tạo thêm tiện ích cho người hưởng, Bưu điện TP Hồ Chí Minh triển khai dịch vụ chi trả tại địa chỉ; chi trả miễn phí tại nhà đối với các trường hợp người hưởng trên 80 tuổi hoặc những trường hợp bệnh tật, ốm đau không thể đến điểm chi trả để nhận...

Để hỗ trợ công tác quản lý chi trả được thuận lợi, Bưu điện thành phố đã tổ chức chụp hình người hưởng hoặc người được ủy quyền nhận thay và lưu vào hệ thống, tạo được mã định danh cho từng người hưởng (tạo mã vạch) và in sẵn trên sổ lĩnh lương hưu. Khi người hưởng đến xuất trình sổ, nhân viên chi trả chỉ cần quét mã vạch in sẵn trên sổ thì hệ thống sẽ truy xuất dữ liệu người hưởng (không phải tìm kiếm thủ công trên danh sách như phương thức cũ), rút ngắn thao tác kiểm tra chứng minh nhân dân. Việc quản lý chi trả cũng bảo đảm kiểm soát chặt chẽ tiền chi trả từng ngày trên tất cả 24 quận, huyện, không để xảy ra tình trạng tiêu cực…

Tiếp tục là cánh tay nối dài…

Sau gần hai năm tổ chức thí điểm tại 12 bưu điện tỉnh, thành phố, tháng 4-2013, Chính phủ chính thức cho phép BHXH Việt Nam phối hợp Tổng công ty Bưu điện Việt Nam triển khai, mở rộng công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua bưu điện trên phạm vi toàn quốc. Đến nay, công tác chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH đã triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố. Tổng số điểm chi trả cơ quan bưu điện thực hiện là 14.426 điểm, số người hưởng là 2,9 triệu người, số tiền chi trả là khoảng 8.000 tỷ đồng/tháng. Trong đó, đã có 62 tỉnh thực hiện ở tất cả các xã, phường trên địa bàn. Riêng tại Hà Nội đã triển khai tại 25 quận, huyện (năm quận, huyện còn lại dự kiến quý I năm 2017 sẽ triển khai).

Đánh giá về hiệu quả của phương thức chi trả này, Tổng Giám đốc Bưu điện Việt Nam Phạm Anh Tuấn cho biết, sau hơn ba năm triển khai, công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua bưu điện đã nhận được sự ủng hộ của người hưởng, các cơ quan chính quyền địa phương bởi tính chuyên nghiệp của đội ngũ chi trả, tính minh bạch và an toàn trong công tác tổ chức và thực hiện.

An toàn tiền mặt luôn được đặc biệt chú trọng. Từ thời điểm bắt đầu triển khai thí điểm đến nay, chưa xảy ra vụ mất an toàn về tiền mặt lớn nào tại tất cả các địa phương trên cả nước. Bưu điện các tỉnh, thành phố cũng đã thiết lập các kênh thu thập, cung cấp thông tin qua cán bộ trực tiếp chi trả, qua bưu tá, nhân viên điểm Bưu điện - Văn hóa xã là những người rất gần gũi với dân, sinh sống cùng nhân dân trong các thôn, bản...

Hiện, cùng với công tác chi trả chế độ BHXH, ngành bưu điện còn tham gia phối hợp các bộ, ngành thực hiện một số công việc như: nhập dữ liệu trong việc lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT, chi trả trợ cấp xã hội... Đặc biệt là việc thí điểm chi trả trợ cấp người có công với cách mạng. Hiện, cả nước có 1,3 triệu người có công với cách mạng. Nhằm thực hiện phương thức chi trả theo hướng nhanh, gọn, chính xác, an toàn, giúp cho các cơ quan quản lý có thể thực hiện các chế độ, chính sách một cách thuận tiện và minh bạch hơn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Bưu điện Việt Nam đã tổ chức thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tại tỉnh Quảng Nam (từ tháng 8-2015) và tỉnh Đồng Nai (từ tháng 11-2016).

Thực tế hiện nay, tại nhiều địa phương có đối tượng là người hưởng cùng lúc hai chế độ: trợ cấp ưu đãi Người có công và chế độ BHXH, tuy nhiên người lĩnh chế độ phải đi tới hai nơi, vừa mất thêm thời gian mà lại gia tăng chi phí đi lại. Từ thành công của việc chi trả lương hưu, chi trả trợ cấp xã hội... đặc biệt trên cơ sở thực hiện thí điểm tại hai tỉnh: Quảng Nam, Đồng Nai, nhiều ý kiến cho rằng nên tổ chức chi trả trợ cấp ưu đãi người có công kết hợp cùng với chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua bưu điện.

Ông Đinh Văn Thỉnh (xã Sủ Ngòi, TP Hòa Bình) cho biết: “Hiện tôi đang lĩnh cả lương hưu và trợ cấp thương binh. Nếu khi đi lĩnh lương hưu mà lại được lĩnh luôn tiền trợ cấp thương binh thì tốt quá. Tôi không phải đi hai nơi, hai buổi để lĩnh tiền và sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian đi lại”.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, hiện có 15.134 người hưởng cùng lúc hai chế độ trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng và chế độ BHXH. Do đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, chấp thuận cho TP Hồ Chí Minh thí điểm thực hiện chi trả chế độ trợ cấp người có công với cách mạng đối với các đối tượng hưởng cùng lúc chế độ ưu đãi người có công và chế độ BHXH qua hệ thống bưu điện từ quý II năm 2017.

Có thể thấy, với mạng lưới phủ khắp toàn quốc đến tận thôn, xã, hải đảo gồm hơn 13.000 điểm phục vụ, 40.000 lao động cùng bề dày kinh nghiệm cung cấp các dịch vụ bưu chính chuyển phát, kinh nghiệm trong thực hiện chi hộ, thu hộ trên toàn quốc... ngành bưu điện là đơn vị được đông đảo người dân cùng các bộ, ngành, địa phương đánh giá như “cánh tay nối dài” trong thực hiện cải cách hành chính, mang lại lợi ích to lớn cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước cùng toàn xã hội./.





Nguồn: Báo Nhân dân điện tử