Bảo hiểm y tế toàn dân tại Đắk Lắk - Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững

19/12/2016 09:38 AM


Là một chính sách xã hội phục vụ mục tiêu chăm sóc sức khoẻ - vốn quý nhất của con người, BHYT đã đi vào đời sống xã hội, được xã hội chấp nhận và đánh giá ngày càng tích cực, chính sách BHYT đã không ngừng lớn mạnh và ngày càng phát triển, đã có những đóng góp quan trọng và thiết thực trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Cùng với việc thực hiện BHYT cho các đối tượng diện bắt buộc, trong những năm qua ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) còn tổ chức triển khai mở rộng diện người tham gia BHYT ra cộng đồng dân cư.

Tỉnh Đắk Lắk nằm ở vị trí trung tâm các tỉnh Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 13.125km2; hiện có 15 đơn vị hành chính, gồm 1 thành phố; 1 thị xã và 13 huyện. Dân số trên 1,8 triệu người, gồm 47 dân tộc anh em cùng chung sống.

Hiện nay toàn tỉnh có 100% số xã có trạm y tế, 100% thôn buôn có nhân viên y tế, cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh cho mọi người dân trong tỉnh.

Tính đến thời điểm 31/12/2015, số người tham gia BHYT toàn tỉnh là 1.387.667 người, tỷ lệ bao phủ BHYT là 75,69% dân số của tỉnh, vượt 1,69% chỉ tiêu của Chính phủ giao cho tỉnh Đắk Lắk, trong đó có 10 địa phương đạt độ bao phủ trên mức trung bình của tỉnh, 5 địa phương có độ bao phủ dưới mức trung bình của tỉnh.

Tính đến ngày 30/11/2016, toàn tỉnh có 1.444.142 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 78,1% dân số (Chính phủ giao 78,5%). Trong đó: 99.746 người tham gia BHYT bắt buộc; 634.304 người là đối tượng thuộc diện chính sách; hưu trí là 36.092 người; trẻ em dưới 6 tuổi 222.762; học sinh, sinh viên 183.669 em; đối tượng tham gia theo hộ gia đình 177.568 người, thân nhân quân đội 17.064 người; còn lại 71.932 người thuộc nhóm các đối tượng khác.

Cán bộ cơ quan BHXH chuẩn hóa dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT

Các nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia cao 95-100% là cán bộ công chức, viên chức, đối tượng được ngân sách nhà nước hoặc quỹ BHXH đóng toàn bộ kinh phí mua BHYT như người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, cán bộ hưu trí mất sức và các đối tượng bảo trợ xã hội khác.

Như vậy, toàn tỉnh hiện vẫn còn hơn 20% dân số chưa tham gia BHYT, trong đó chủ yếu là học sinh, sinh viên (khoảng 25.000 người), lao động trong khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (khoảng 19 ngàn lao động), số còn lại là nông dân lao động tự do, những người có thu nhập thấp và không ổn định, ít có khả năng để đóng góp cho quỹ BHYT nhưng ngược lại có nhu cầu chăm sóc sức khoẻ rất cao.

Nguyên nhân, các năm gần đây tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn; hoạt động kém hiệu quả, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, thua lỗ kéo dài, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, kinh doanh nông sản, đời sống nhân dân một số vùng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nhưng không thuộc diện được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định… nguyên nhân đó đã làm cho việc phát triển đối tượng tham gia BHYT tăng chậm và thiếu tính bền vững đặc biệt là nhóm đối tượng học sinh, sinh viên (HSSV) và nông dân lao động tự do.

Định hướng cơ bản của Đảng và Nhà nước ta là phải tiến tới thực hiện BHYT toàn dân: Mọi người đều có trách nhiệm chia sẻ rủi ro với người khác, ai cũng được chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ, đặc biệt quan tâm đến sức khoẻ của thế hệ trẻ và những người dân ở những vùng khó khăn. Tại Đắk Lắk BHYT hộ gia đình luôn được sự quan tâm của tỉnh trong việc tổ chức thực hiện. Đến nay đã có 177.568 người tham gia BHYT theo hộ gia đình chiếm tỷ lệ 33% số đối tượng thuộc diện vận động tham gia BHYT toàn tỉnh và  tăng gấp 6 lần so với năm 2005. Bên cạnh đó quyền lợi của người tham gia BHYT luôn được quan tâm và đảm bảo hơn, đã triển khai khám chữa bệnh đến tận trạm y tế tại các xã khó khăn. Nhiều trường hợp bị bệnh nặng chi phí lớn đã được quỹ BHYT thanh toán, tạo được niềm tin và sự ủng hộ của người tham gia BHYT.

Đạt được những kết quả kể trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo Tỉnh, sự phối hợp cộng tác, giúp đỡ nhiệt tình và hiệu quả của các tổ chức cơ quan, đoàn thể và các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương. Những người làm công tác BHXH luôn nhận được sự khích lệ, động viên cùng với những ý kiến chỉ đạo, góp ý xây dựng để phát huy điểm mạnh, sửa chữa khắc phục những điểm yếu trong quá trình thực thi chính sách.

Đồng chí H’Yim Kđok - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại Hội nghị  triển khai công tác BHYT học sinh sinh viên năm học 2016 - 2017

Tuy nhiên, Đắk Lắk là tỉnh mà nông dân chiếm một tỷ lệ khá lớn trong dân số, thu nhập thấp và không ổn định, chưa có đủ điều kiện để đóng góp cho quỹ BHYT nhưng lại có nhu cầu được chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ rất cao, trong lúc đó tỷ lệ tham gia BHYT còn thấp và thiếu tính bền vững. Vì vậy vấn đề đang đặt ra là cần phải tìm một giải pháp hữu hiệu để người nông dân có khả năng tham gia BHYT.

Thực hiện chủ trương về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới; đẩy mạnh xã hội hoá về công tác y tế, thực hiện mục tiêu tiến đến BHYT toàn dân vào năm 2020, Tỉnh Ủy Đắk Lắk đã ban hành Chương trình số 21-CTr/TU ngày 18/01/2013 về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Chương trình, Kế hoạch số 4951/KH-UBND ngày 24/7/2013 thực hiện Chương trình số 21-CTr/TU của Tỉnh Ủy Đắk Lắk về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020.

Để tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh Khóa VIII, kỳ họp thứ 11: Đề án hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho người thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 từ nguồn ngân sách tỉnh và đã được HĐND tỉnh khoá VIII, kỳ họp thứ 11 tán thành và thông qua tại Nghị quyết số 179/2015/NQ-HĐND ngày 03/12/2015.

Bước vào năm 2016 với nhiều sự kiện chính trị quan trọng, cả nước đang thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Những ngày cuối năm, BHXH tỉnh Đắk Lắk đã và đang triển khai để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, trong đó có nhiệm vụ thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. Đó là việc mở rộng và đa dạng hóa mạng lưới đại lý thu BHYT nhằm phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHYT đặc biệt là nhóm đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình tại các vùng nôn thôn. Tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách để đảm bảo tốt quyền lợi cho người tham gia BHYT. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để xã hội có nhận thức ngày một tốt hơn về chính sách BHYT. Đồng thời cơ quan BHXH tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, đáp ứng yêu cầu chuyên môn thực hiện tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao.

Hội nghị tuyên truyền chế độ chính sách BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình tại huyện Ea H’leo

Phát triển BHYT bền vững trong điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn đòi hỏi cơ chế chính sách phù hợp, sự năng động tích cực của những người làm công tác BHXH, sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan hữu quan bằng một số giải pháp sau:

1. Tiếp tục đề xuất để hoàn thiện chính sách BHYT: BHXH tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương tham mưu UBND tỉnh có các phương án sử dụng nguồn ngân sách địa phương, các nguồn quỹ, nguồn huy động để hỗ trợ thêm phần kinh phí thuộc trách nhiệm phải đóng của người tham gia BHYT, đặc biệt là đối tượng người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; HSSV thuộc các hộ gia đình đông con gặp khó khăn về kinh tế nhằm phát triển đối tượng và tạo tính bền vững cao tăng diện bao phủ BHYT theo lộ trình.

2. Tăng tỷ lệ bao phủ BHYT: Đối với các đối tượng đã tham gia BHYT đạt tỷ lệ 95 - 100%, thì tiếp tục duy trì. Đối với một số nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia BHYT thấp, cùng với giải pháp chung như tăng cường công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT, vận động tham gia, mở rộng hệ thống đại lý thu BHYT, bảo đảm người có nhu cầu được tiếp cận với thông tin về BHYT với những giải pháp cụ thể phù hợp với từng nhóm đối tượng như sau:

- Nhóm người lao động trong các doanh nghiệp

Tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị sử dụng lao động và người lao động thực hiện đúng quy định của Luật BHYT, kết hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh và các cơ quan chức năng, thường xuyên kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thực hiện tốt BHYT.

- Học sinh, sinh viên

Phối hợp với Ngành Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho học sinh, sinh viên; quyền lợi về KCB và chăm sóc sức khỏe tại y tế trường học, mở rộng mạng lưới y tế trường học cả về chất và lượng, đảm bảo đến năm 2017 có 100% đối tượng này tham gia BHYT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình

Cơ quan BHXH, UBND cấp xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và hệ thống Đại lý thu BHYT tổ chức phổ biến, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ BHYT, quy trình, thủ tục thẩm định, xác nhận đối tượng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tham gia BHYT.

- Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình

Tiếp tục mở rộng Đại lý thu đến UBND xã, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức kinh tế đủ mạnh về chất lượng và số lượng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tham gia BHYT. Tăng cường hoạt động tuyên truyền, đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền để cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức đoàn thể và mọi người dân nắm vững về ý nghĩa, tầm quan trọng của BHYT và nghĩa vụ của mỗi người trong việc tham gia BHYT. Vận động để người dân tích cực tham gia BHYT theo hộ gia đình, đảm bảo trong năm tài chính có 100% thành viên thuộc hộ gia đình tham gia BHYT để được giảm trừ mức đóng BHYT theo quy định của Luật BHYT.

3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT

Tập trung, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng; duy trì chuyên mục tuyên truyền trên sóng Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Bản tin nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trên hệ thống truyền thanh xã, phường... Công tác tuyên truyền cần được tiến hành với tất cả các nhóm đối tượng, bao gồm cả người lao động, người sử dụng lao động, các cấp chính quyền, đoàn thể, trường học, các chi bộ, đảng viên… và thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phù hợp, bảo đảm các đối tượng của truyền thông tiếp cận đầy đủ với thông tin về chính sách BHYT và cách thức tham gia nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân để thấy rõ vai trò, ý nghĩa của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội, quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia BHYT.

4. Nâng cao chất lượng KCB

Việc triển khai chính sách BHYT phải thực hiện từng bước và đồng bộ với việc củng cố, nâng cao chất lượng chất lượng KCB BHYT thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao đạo đức nghề nghiệp để có tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh tốt hơn, bảo đảm chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người bệnh có thẻ BHYT.

Chúng tôi tin tưởng rằng: phát huy những kết quả đã đạt được, với sự quan tâm của Tỉnh uỷ - HĐND - UBND trong việc hỗ trợ phí BHYT từ nguồn ngân sách địa phương, sẽ thúc đẩy sự tham gia BHYT của nhân dân ngày càng nhiều, đưa công tác BHYT trên địa bàn của Tỉnh từng bước phát triển vững chắc góp phần thực hiện mục tiêu công bằng hiệu quả trong sự nghiệp chăm sóc - bảo vệ sức khoẻ nhân dân như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra.




Lê Xuân Khánh - Phòng Khai thác và thu nợ