Bộ Y tế tập trung điều kiện thực hiện giám định chi phí KCB BHYT điện tử

04/01/2017 08:46 AM




Tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành về đánh giá kết quả thực hiện tin học hóa trong quản lý và thanh toán chi phí KCB BHYT năm 2016 và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện năm 2017 vừa tổ chức chiều ngày 29/12, ông Đặng Hồng Nam- Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết: Tính đến 15/12/2016, cả nước có 12.653/12.719 cơ sở KCB thực hiện kết nối liên thông được dữ liệu (đạt 99,48%); hiện chỉ còn 66 Trạm Y tế của 11 tỉnh chưa triển khai được do không có lưới điện, không phủ sóng internet.

Phải kết nối dữ liệu điện tử về KCB ngay khi người bệnh BHYT ra viện

Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng đã có sự chuẩn bị các điều kiện để thực hiện giám định chi phí KCB BHYT điện tử. Cụ thể, từ tháng 11/2015 đến tháng 12/2016, Bộ Y tế đã phê duyệt 4 phiên bản cập nhật bổ sung các bộ mã danh mục dùng chung và hiện đang tiếp tục hoàn thiện phiên bản số 5. Phiên bản số 4 đã được ban hành gồm có 8.506 danh mục DVKT đã có tương đương với quy định tại Thông tư liên tịch số 37; 20.990 danh mục tân dược; 547 chế phẩm và 349 vị thuốc y học cổ truyền; 1.113 tên bệnh chi tiết của danh mục bệnh y học cổ truyền; danh mục ICD10 với 11.383 mã; máu và chế phẩm máu với 45 mã; cơ sở KCB với 13.572 mã; vật tư y tế với 561 mã.

Ngành Y tế và BHXH Việt Nam đã tích cực phối hợp ban hành hướng dẫn chuẩn dữ liệu đầu ra phục vụ quản lý KCB BHYT. Theo đó, dữ liệu yêu cầu thanh toán BHYT được kết xuất qua 5 bảng. Hiện nay, các cơ sở KCB đang kết xuất bảng 1, 2, 3 và gửi dữ liệu lên các cổng liên thông.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Y tế cũng cho biết, sau 1 năm triển khai thực hiện, việc ứng dụng CNTT trong KCB và thanh toán BHYT vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc chuẩn hóa các danh mục dùng chung tại các cơ sở y tế còn thiếu và chưa đồng bộ. Các cơ sở y tế sử dụng nhiều phần mềm quản lý khác nhau; trình độ CNTT của cán bộ y tế không đồng đều; nhiều cơ sở phải thay mới và thường xuyên nâng cấp phần mềm, gây áp lực cho nhân viên y tế. Nguồn lực tại cơ sở còn nhiều hạn chế; hệ thống mạng LAN chưa hoàn thiện, đường truyền chậm, máy móc thiếu đồng bộ, gây ảnh hưởng đến tiến độ và kế hoạch kết nối liên thông; hiện vẫn còn nhiều cơ sở KCB chưa triển khai phần mềm tin học trong quản lý KCB và kết nối đến Cổng thông tin giám định của cơ quan BHXH...

Bên cạnh đó, vẫn chưa có hướng dẫn của Bộ Tài chính và một số bộ, ngành liên quan về giá thuê dịch vụ CNTT, thủ tục đấu thầu; chưa có trung tâm dữ liệu y tế quốc gia; chưa có đường truyền kết nối ngành y tế; nhiều dịch vụ kèm theo (hệ thống quản lý chữ ký số, quản lý định danh cho từng cơ sở KCB…) cũng chưa có, ảnh hưởng đến tiến độ ứng dụng CNTT.

Để tiếp tục triển khai ứng dụng hiệu quả CNTT, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở KCB phải đảm bảo cung cấp thông tin về chỉ định, kết quả điều trị ngay khi người bệnh BHYT ra viện để quản lý việc KCB, chuyển tuyến và thanh toán chi phí KCB BHYT. Các cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, toàn vẹn của dữ liệu điện tử toàn quốc. Đối với các cơ sở KCB chưa có phần mềm hoặc không kết xuất được dữ liệu, phải triển khai phần mềm khác đảm bảo kết xuất dữ liệu gửi Bộ Y tế.

Trong năm 2017, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Y tế là tổ chức triển khai Hệ thống thông tin KCB BHYT. Bộ sẽ lập đường dây nóng, các nhóm/diễn đàn hỗ trợ trực tuyến các cơ sở KCB triển khai nội dung này. Đồng thời, hoàn thiện và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ ứng dụng CNTT trong KCB và giám định chi phí KCB BHYT.

Bộ Y tế cũng đang xây dựng và hoàn thiện dự thảo thông tư quy định trích, chuyển dữ liệu yêu cầu thanh toán BHYT giữa các cơ sở KCB và cơ quan BHXH; quyết định quy định quản lý và áp dụng bộ mã danh mục dùng chung ngành y tế. Bên cạnh đó, cập nhật, ban hành giá dịch vụ CNTT trong KCB BHYT, giá DVYT có tính chi phí dịch vụ CNTT; các quy định, quy chế sử dụng, vận hành, phản hồi thông tin và khiếu nại trong thanh toán chi phí KCB BHYT điện tử…

Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5004/QĐ-BYT (ngày 19/9/2016) về việc phê duyệt mô hình kiến trúc tổng thể Hệ thống thông tin KCB BHYT. Theo đó, các tiêu chuẩn, khái niệm, mô hình về hệ thống được định hướng, quy hoạch thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương…/.



Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội