10 sự kiện nổi bật ngành BHXH năm 2016

04/01/2017 08:50 AM




1. Thủ tướng Chính phủ quyết định tăng chỉ tiêu bao phủ BHYT giai đoạn 2016 - 2020

Ngày 28/6/2016, Thủ tướng ký Quyết định 1167/QĐ-TTg điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT cho UBND các tỉnh, thành phố giai đoạn 2016- 2020. Theo đó, đến năm 2020, tất cả 63 tỉnh, thành đều được giao chỉ tiêu bao phủ BHYT đạt trên 90%.

Thủ tướng cũng giao UBND các tỉnh, thành phố căn cứ chỉ tiêu được giao, trình HĐND cùng cấp thông qua chỉ tiêu thực hiện BHYT toàn dân trong chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội hằng năm, 5 năm của địa phương và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về tổ chức thực hiện tại địa phương. Giao BHXH Việt Nam chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ về việc mở rộng tỉ lệ bao phủ BHYT… Đến nay, số đối tượng tham gia đã vượt so với chỉ tiêu được giao cho năm 2016.

2. Chính phủ ban hành Nghị định về GDĐT trong lĩnh vực BHXH, BHYT

Ngày 24/12/2016, Chính phủ ban hành Nghị định 166/2016/NĐ-CP quy định về giao dịch điện tử (GDĐT) trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (có hiệu lực thi hành từ 1/3/2017). Nghị định quy định các hoạt động thực hiện GDĐT và trao đổi thông tin liên quan đến việc thực hiện chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Các chứng từ BHXH điện tử sẽ có giá trị pháp lý như hồ sơ, chứng từ, thông báo và các văn bản bằng giấy theo quy định của pháp luật.

Nghị định 166 được ban hành sau hơn một năm BHXH Việt Nam thực hiện thí điểm thành công GDĐT trong việc thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và đề nghị cấp sổ BHXH, thẻ BHYT. Do đó, hầu hết các điều kiện để triển khai GDĐT đã được BHXH Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng.

3. Đổi mới chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam

Ngày 5/1/2016, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 01/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam, thay thế Nghị định 05/2014/NĐ-CP.

Nghị định bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT của cơ quan BHXH; đồng thời thay đổi một số điểm trong cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam.

4. BHXH Việt Nam cắt giảm mạnh TTHC

Tiếp theo những nỗ lực từ các năm trước, năm 2016, BHXH Việt Nam tiếp tục tập trung rà soát các TTHC của Ngành, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến việc giải quyết và chi trả chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Qua đó đã cắt giảm thêm 1 thủ tục; giảm 38% thành phần hồ sơ; giảm 42% tiêu thức trên tờ khai, biểu mẫu; giảm 54% quy trình, thao tác thực hiện…

Theo đánh giá của Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), chất lượng phục vụ của cơ quan BHXH rất tốt.
Ngày 16/12, tại Hội nghị Đối thoại về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với các DN FDI tại Việt Nam do BHXH Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lần đầu tiên, VCCI cũng cho biết, theo kết quả khảo sát, các DN FDI đánh giá khá tích cực những nỗ lực của BHXH Việt Nam trong cải cách TTHC.

5. Vận hành Hệ thống giám định BHYT và xây dựng “Cổng tiếp nhận BHYT”

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan, tích cực triển khai tin học hóa công tác giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT. Với việc triển khai Hệ thống thông tin giám định BHYT, đến nay, BHXH Việt Nam đã cơ bản hoàn thành kết nối với hơn 14.000 cơ sở KCB (đạt tỉ lệ 99,5%) trên toàn quốc. Bên cạnh đó, tích cực phối hợp với các cơ sở KCB BHYT chuẩn hóa danh mục thanh toán BHYT, thực hiện liên thông dữ liệu KCB trên phạm vi toàn quốc- đạt tỉ lệ liên thông trên 97%.

Hệ thống hoạt động trực tuyến, cung cấp các công cụ giúp cơ sở y tế khai thác thông tin, tra cứu thẻ BHYT, lịch sử KCB của người bệnh BHYT và quản lý thông tuyến trên phạm vi toàn quốc. Từ đó, giúp giảm thiểu thủ tục, thời gian chờ đợi cho người có thẻ BHYT; đồng thời thực hiện giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT hiệu quả, kịp thời. Hệ thống sẽ chính thức vận hành trên cả nước từ đầu năm 2017.

6. Thủ tướng ban hành Chỉ thị về phát triển đối tượng tham gia BHXH

Ngày 26/12/2016, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH. Theo đó, yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương quán triệt, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, nhóm giải pháp; nỗ lực phấn đấu có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BH thất nghiệp vào năm 2020. Đồng thời, yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hàng năm của địa phương, trình HĐND quyết định; xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện.

7. Hoàn thành hệ thống cấp số định danh và quản lý CSDL hộ gia đình tham gia BHYT

Tính đến ngày 29/11/2016, BHXH Việt Nam, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và chính quyền các địa phương đã thu thập và nhập thông tin của trên 24,2 triệu hộ gia đình với trên 92,8 triệu người (cơ bản đạt tỉ lệ 100% dân số cả nước); đồng bộ dữ liệu cấp thẻ BHYT cho 65,7 triệu người. BHXH Việt Nam cũng đã xây dựng hệ thống cấp số định danh và quản lý cơ sở dữ liệu hộ gia đình để cập nhật và cấp số định danh duy nhất cho mỗi cá nhân.

Đây là nền tảng hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, BHYT, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử.

8. Triển khai chức năng thanh tra chuyên ngành của cơ quan BHXH


Ngày 31/3/2016, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 21/2016/NĐ-CP quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của cơ quan BHXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2016. Nghị định quy định 2 cấp cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành gồm: BHXH Việt Nam và BHXH cấp tỉnh.

Tính đến tháng 11/2016, BHXH Việt Nam đã thực hiện 5 cuộc thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT. Trong đó, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH thí điểm tại Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng và Lạng Sơn); 88 cuộc kiểm tra và phối hợp thanh tra liên ngành. BHXH các tỉnh, thành phố đã tiến hành kiểm tra gần 14.000 đơn vị…

9. Xây dựng Hệ thống lưu trữ hồ sơ điện tử trong toàn hệ thống

Dự án “Xây dựng Hệ thống lưu trữ hồ sơ điện tử trong hệ thống ngành BHXH” do Trung tâm Lưu trữ thực hiện hướng tới mô hình lưu trữ tài liệu, hồ sơ điện tử (song song với lưu trữ hồ sơ giấy), đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống số hóa dữ liệu toàn Ngành.

Giai đoạn 1 của Dự án được khởi động từ tháng 8/2016, thực hiện số hóa toàn bộ hồ sơ đang lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ. Hiện nay, Trung tâm đang lưu trữ trên 6 triệu bộ hồ sơ giấy, trong đó có nhiều loại hồ sơ phải lưu trữ thời gian dài đến 70 năm hoặc vĩnh viễn, nhưng lại khó bảo quản, dễ bị hư hỏng. Bình quân mỗi tháng, Trung tâm còn tiếp nhận hơn 15.000 hồ sơ chuyển về từ BHXH các tỉnh, thành phố…

Theo tính toán, với hồ sơ giấy, cán bộ lưu trữ sẽ mất khoảng 8 giờ khai thác và mất từ 1- 2 tuần chuyển hồ sơ về BHXH tỉnh, thành phố để giải quyết. Nhưng với kho dữ liệu số, thời gian khai thác thông tin chỉ tính theo phút…

10. Tổ chức thành công 2 cuộc thi về chủ đề BHXH, BHYT, BH thất nghiệp

Trong năm 2016, BHXH Việt Nam đã tổ chức thành công 2 cuộc thi, thu hút sự quan tâm của xã hội, gồm: Cuộc thi “Sáng kiến cải cách TTHC và GDĐT trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp” và “Giải Báo chí toàn quốc về BHXH, BHYT năm 2015-2016”.

Cuộc thi “Sáng kiến cải cách TTHC và GDĐT trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp” đã nhận được 58.694 bài dự thi; BGK đã trao thưởng cho 10 tập thể và 57 cá nhân.

“Giải Báo chí toàn quốc về BHXH, BHYT năm 2015- 2016” lần đầu tiên được BHXH Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức, đã thu hút 1.215 tác phẩm từ 131 đơn vị, cơ quan báo chí tham gia. BTC đã trao 4 giải A, 8 giải B, 12 giải C, 20 giải Khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả; trao 4 giải tập thể. Cuộc thi này, Báo BHXH đã có 2 tác phẩm vinh dự nhận giải A và giải B./.



Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội