Chủ nghĩa yêu nước trong tư tưởng Hồ Chí Minh - sự hoà quyện giữa truyền thống và hiện đại

06/01/2017 09:05 AM



Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến sĩ Hải quân. (Ảnh tư liệu)

Tư tưởng yêu nước của Hồ Chí Minh là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, coi việc đánh đổ đế quốc, thực dân, đánh đổ ách thống trị của nước ngoài là yếu tố hàng đầu để giải phóng dân tộc, nhưng không dừng lại ở đó, cái đích vươn tới là dân phải được tự do, ấm no, hạnh phúc. Đó là lòng yêu nước chân chính, sâu sắc và triệt để, không mang tính nửa vời. Một tư tưởng yêu nước như vậy tự lô-gíc và tình cảm nội tại của nó đã mang tính vô sản và mang đậm tính nhân văn chủ nghĩa xã hội sâu sắc và triệt để. Điều này được thể hiện rõ trong từng lời nói, việc làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vào đầu năm 1946, khi trả lời phỏng vấn các nhà báo nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(1). Trong một lần trả lời phỏng vấn khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nói rõ thêm: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì"(2). Như vậy, chủ nghĩa yêu nước của Hồ Chí Minh đã chứa dựng trong đó cả tình yêu nước, yêu dân nồng nàn và yêu chủ nghĩa xã hội sâu sắc. Hai mục tiêu đấu tranh giành độc lập dân tộc và đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội trong chủ nghĩa yêu nước của Hồ Chí Minh tự thân nó đã luôn thống nhất với nhau.

Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về thực hiện chủ nghĩa yêu nước. Đó là cả quá trình đấu tranh, cống hiến cho cách mạng, vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, Người không có mục đích gì riêng tư cho bản thân mình. Hồ Chí Minh đã từng nói: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên Việt Nam là tôi như đứt một đoạn ruột"(3). Xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước, từ lòng yêu nước, thương nòi, cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh luôn phấn đấu cho mục tiêu giải phóng dân tộc, mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân phải gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, vì chỉ có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì dân mình mới được ấm no, Tổ quốc mới được giàu mạnh”. Như vậy, chủ nghĩa yêu nước trong Hồ Chí Minh luôn được thể hiện trong lý tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người; lý tưởng xây dựng một Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa phồn vinh, ấm no, tự do, hạnh phúc đến với mọi người, mọi nhà; đó là chủ nghĩa yêu nước chân chính, mang chân lý tuyệt đối. Chính chủ nghĩa yêu nước đó đã được truyền bá thấm đượm vào toàn thể dân tộc Việt Nam và được hiện thực hóa trong cách mạng Việt Nam qua từng giai đoạn.

Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, nhân dân ta đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cách mạng Việt Nam khi đó gặp muôn vàn khó khăn, thử thách, nhưng có sự soi sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ chí Minh, đặc biệt có sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính, tinh thần yêu nước của dân tộc ta đã được khơi dậy, toàn dân đã đoàn kết một lòng đứng lên đấu tranh giải phóng quê hương đất nước thoát khỏi ách nô lệ thực dân, đế quốc, giành độc lập dân tộc. Thời kỳ này, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã phát triển lên một tầm cao mới. Lòng yêu nước quên mình đã được thể hiện ở những tấm gương sáng chói của hàng ngàn anh hùng liệt sĩ; của hàng triệu quần chúng nhân dân thuộc mọi tầng lớp, thuộc mọi lứa tuổi, ở cả tiền tuyến và hậu phương, tạo thành sức mạnh tổng hợp làm nên những chiến công hiển hách, đưa Việt Nam lên ngang hàng các dân tộc tiên phong chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên thế giới trong thế kỷ thứ XX. Thành công của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đã đưa đất nước ta tới cái đích độc lập, thống nhất. Mục tiêu của hai cuộc cách mạng đó đã thống nhất hòa quyện vào nhau, trở thành động lực tinh thần mạnh mẽ thúc đẩy nhân dân ta tiếp tục tiến lên trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Hiện nay, đất nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chính quyền thuộc về nhân dân, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và ngày càng tham gia sâu vào các định chế quốc tế. Vì vậy, chủ nghĩa yêu nước trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi mỗi cá nhân và từng thành phần kinh tế phát huy tinh thần năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; có thái độ lao động đúng đắn trung thực, lấy chất lượng và hiệu quả làm thước đo cho sự đóng góp trong công cuộc xây dựng đất nước, kiên quyết chống thói làm ăn gian lận, dối trá, không để cho mặt trái của cơ chế thị trường cản trở công cuộc đổi mới của chúng ta; lấy thi đua yêu nước xã hội chủ nghĩa và cạnh tranh lành mạnh làm động lực thúc đẩy xây dựng xã hội mới. Trong quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta luôn phải nắm vững mục tiêu: xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, trên cơ sở nắm vững nguyên tắc định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc; kết hợp giữa nội lực với ngoại lực tạo thành nguồn lực tổng hợp để phát triển đất nước.

Trên mặt trận bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, chủ nghĩa yêu nước được nhấn mạnh ở quyết tâm sắt đá bảo vệ vững chắc Tổ quốc, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ những thành quả của sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong giai đoạn cách mạng mới, trước mặt trái của cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập quốc tế, với sự tác động của nhiều nhân tố phức tạp đan xen, làm cho tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đang bị tha hóa, chủ nghĩa yêu nước ở bộ phận này đang bị nhạt phai mục tiêu lý tưởng đi lên chủ nghĩa xã hội. Để khắc phục tình trạng đó cùng với việc xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách phù hợp, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; giáo dục về các chủ trương, đường lối và mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần phải tiếp tục được đẩy mạnh và đổi mới cả nội dung, hình thức và phương pháp, nhằm nâng cao tính tự giác của cán bộ, đảng viên, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hơn lúc nào hết, chủ nghĩa yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh trên hành trình tìm đường cứu nước của Người càng phải được phát huy và nhân rộng trong toàn thể dân tộc Việt Nam cả hiện tại và tương lai, làm cho chủ nghĩa yêu nước chân chính được phát huy cao độ trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong thời kỳ mới, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn phấn đấu, không ngừng tu dưỡng rèn luyện mình thực sự có lòng yêu nước chân chính, biết đặt lợi ích của đất nước của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, tiếp tục phát huy những phẩm chất anh hùng cách mạng, luôn xây dựng niềm tin vào chủ nghĩa xã hội. Làm tốt điều đó, nhất định chúng ta sẽ phát huy tốt chủ nghĩa yêu nước trong thời kỳ mới và sẽ xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu của chúng ta ./.



Nguồn: Theo Tạp chí của ban Tuyên giáo Trung ương