Điều trị HIV/AIDS: BHYT sẽ là nguồn kinh phí chủ đạo

09/01/2017 02:43 AM




Theo ông Nguyễn Hữu Hưng- Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, tính đến nay, toàn Thành phố đã phát hiện 41.000 người nhiễm HIV, trong đó có gần 28.000 người được chăm sóc điều trị. Tính đến cuối 2015, Thành phố có 33 cơ sở điều trị ARV. Tuy nhiên, khi nguồn viện trợ cắt giảm thì việc cấp phát thuốc điều trị ARV kháng virus HIV không còn miễn phí như trước, bệnh nhân sẽ phải chi trả phần lớn chi phí điều trị. “Ước tính một bệnh nhân mỗi ngày sẽ phải chi trả từ 12.000- 24.000 đồng. Trong khi đó, đa số bệnh nhân HIV thuộc diện gia đình nghèo, khả năng chi trả cho các dịch vụ trên còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc tiếp cận điều trị cũng như sự tuân thủ điều trị liên tục, khó khống chế được tình trạng kháng thuốc”- ông Hưng cho biết.

Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngành Y tế các địa phương cần kiện toàn hệ thống phòng khám và điều trị ngoại trú để đảm bảo điều trị và thanh toán thuốc ARV cho bệnh nhân có thẻ BHYT. Đồng thời, cần xây dựng thí điểm thanh toán tập trung thuốc ARV từ quỹ BHYT; tạo điều kiện để 100% người nhiễm HIV/AIDS được mua thẻ BHYT. Hình thức và quyền lợi thẻ BHYT của người bệnh HIV cũng không có sự khác biệt so với những thẻ BHYT khác.

Cũng theo ông Long, hiện nay Việt Nam đang đặt mục tiêu tới năm 2020 có 90% số người nhiễm HIV được biết tình trạng bệnh của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định. Tuy nhiên, hiện các chỉ tiêu này còn khá xa để thực hiện được. Khi 80% kinh phí từ các nguồn viện trợ bị cắt giảm, thẻ BHYT sẽ là “phao cứu sinh” cho bệnh nhân HIV/AIDS.

Nhưng thực tế, theo BHXH Việt Nam, đến nay mới có khoảng 40% người nhiễm HIV có BHYT và được chi trả trong quá trình điều trị tiếp cận với thuốc dự phòng chống miễn dịch ARV. Đơn cử như tại TP.HCM, từ khi triển khai hoạt động tư vấn BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS tại các cơ sở điều trị ARV, đến nay mới chỉ có gần 50% bệnh nhân có thẻ BHYT, trong số đó chỉ một số ít sử dụng thẻ, bởi họ sợ “lộ” bí mật cá nhân. Trong khi đó, việc theo dõi và điều trị dự phòng cho người bệnh HIV được giao cho Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, nhưng đến nay 24 phòng khám ngoại trú trực thuộc Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện ở TP.HCM chưa có chức năng KCB. Do đó, hiện Thành phố đang phải triển khai chương trình thí điểm BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS tại Trung tâm Y tế dự phòng quận 8 và Thủ Đức, nhưng số bệnh nhân tham gia vẫn còn rất ít… Nguyên nhân là do họ không có điều kiện mua thẻ BHYT; nhiều người sống lang thang, không có hộ khẩu, không có nơi cư trú và việc làm ổn định. Thậm chí, cũng có người lo sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên không muốn tham gia./.


Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội