Giảm nợ đọng BHXH - Giải pháp nào cho năm 2017?

09/01/2017 08:44 AM


Tổng số tiền nợ đến 31/12/2016 là 52,090 tỷ đồng, bằng 2,2% kế hoạch thu BHXH Việt Nam giao, thấp hơn tỷ lệ nợ bình quân chung của toàn Ngành, giảm 46,086 tỷ đồng so với năm 2015, trong đó: Nợ BHXH 44,605 tỷ đồng, nợ BHTN 1,859 tỷ đồng, nợ BHYT 5,626 tỷ đồng.

Đạt được thành quả trên là nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực cố gắng của cán bộ, công chức, viên chức ngành BHXH. Năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành, các cơ quan đơn vị, các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể đặc biệt là các doanh nghiệp…về công tác thu, BHXH, BHYT, BHTN cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tăng cường công tác thu và giảm nợ đọng như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể phối hợp tổ chức phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT, tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT cho người lao động. Cơ quan BHXH, Sở Y tế, Sở LĐ-TB và XH tăng cường tham mưu công tác quản lý Nhà nước về BHXH, BHYT trên địa bàn, thực hiện tốt công tác thu nộp bảo hiểm và giải quyết đầy đủ, kịp thời chế độ cho các đối tượng thụ hưởng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm Luật BHXH, BHYT...

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện tốt công tác trích nộp BHXH, BHYT, BHTN kịp thời, theo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra tình trạng chậm đóng, trốn đóng hoặc dây dưa, nợ kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, hoạt động của Tổ Công tác liên ngành được tăng cường, các cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương đã đăng nhiều tin bài phản ảnh về tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN tại các đơn vị doanh nghiệp phần nào tác động đến các doanh nghiệp trong việc khắc phục tình trạng nợ đọng đảm bảo quyền lợi của người lao động …

Những tồn tại phải khắc phục

Dù năm 2016, BHXH tỉnh Đắk Lắk đã giảm nợ, hoàn thành vượt mức kế hoạch thu, tuy nhiên vẫn còn đó nỗi lo cho người lao động khi tính đến thời điểm tháng 12/2016, trên địa bàn tỉnh tổng số đơn vị nợ BHXH từ 01 tháng trở lên đã lên tới 763 đơn vị, tương ứng với số lao động bị ảnh hưởng quyền lợi là hơn 8.600 người. Trong đó nợ BHXH từ 01 tháng đến dưới 03 tháng là 308 đơn vị với 4.261 lao động, nợ BHXH từ 03 tháng trở lên là 455 đơn vị với 4.385 lao động. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền lớn, thời gian nợ kéo dài ?

- Thứ nhất là do đặc thù doanh nghiệp:

Là một tỉnh có nền sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất lớn trong toàn bộ nền kinh tế, các khu công nghiệp mới bước đầu hình thành, doanh nghiệp của tỉnh hầu hết có quy mô nhỏ, phân tán, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực buôn bán cà phê, xăng dầu và một số ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp, xây dựng..., số lao động rất ít, chủ yếu làm theo mùa vụ.

Tuy nhiên, những năm gần đây, do tình hình kinh tế gặp khó khăn chung trên phạm vi cả nước cũng như tại địa phương, giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương như cà phê, cao su biến động thất thường đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, thua lỗ kéo dài, phải ngừng sản xuất, không có khả năng đóng BHXH, BHYT cho người lao động, nợ với số tiền lớn thời gian nợ kéo dài, số lao động giảm vì không có việc làm… như Công ty TNHH MTV cà phê 715 A, 715 C, Ea Tul, Đray H’ling…

Trong lĩnh vực xây dựng, cầu đường công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, tình trạng công trình đã bàn giao xong nhưng chưa có vốn thanh toán hoặc khối lượng thi công nhiều nhưng nguồn vốn thanh toán rất hạn chế..., làm cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn để tiếp tục hoạt động và thanh toán tiền lương, đóng BHXH, BHYT cho người lao động dẫn đến nợ BHXH, BHYT ngày càng tăng... như Công ty Cổ phần đường bộ Đắk Lắk…

Có những doanh nghiệp đăng ký thành lập nhưng không có trụ sở giao dịch, thành lập xong không hoạt động hay hoạt động thời gian ngắn rồi giải thể, bỏ địa  chỉ kinh doanh và ngừng hoạt động, một số doanh nghiệp đăng ký tham gia BHXH, BHYT để được đấu thầu công việc, sau đó ngừng tham gia, ngừng giao dịch trong thời gian dài... Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho số đơn vị và số tiền nợ ngày càng tăng lên, đặc biệt là tại địa bàn thành phố BMT, nợ BHXH từ 01 tháng đến dưới 03 tháng là 119 đơn vị với 1.318 lao động, nợ BHXH từ 03 tháng trở lên là 288 đơn vị với 1.600 lao động.

- Thứ hai là do công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm sau thanh tra kiểm tra:

Công tác phối hợp kiểm tra xử phạt các đơn vị vi phạm hành chính về BHXH, BHYT chưa nhiều và chưa thường xuyên, việc xử lý thiếu triệt để bởi nhiều nguyên nhân như: Quy định pháp luật về kiểm tra xử phạt phải qua nhiều khâu và có sự phối hợp của nhiều cơ quan liên quan nên khó thực hiện... dẫn đến tình trạng vi phạm về chính sách BHXH, BHYT còn phổ biến. Đa số các đơn vị được thanh tra chỉ nộp tiền cầm chừng đồng thời có biên bản cam kết nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng theo cam kết bởi nhiều lý do khác nhau.

Khởi kiện: Là giải pháp cuối cùng, là việc "cực chẳng đã", nhưng “Hiệu ứng” của việc khởi kiện đã khiến nhiều doanh nghiệp đang nợ BHXH có thái độ đúng đắn hơn, chủ động thanh toán tiền nợ BHXH cho cơ quan BHXH. Tuy nhiên, hình thức khởi kiện bị gián đoạn từ năm 2014, Tòa án các cấp không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH với lý do Bộ Luật Lao động 2012 có hiệu lực pháp luật vào ngày 01/5/2013 không có Điều luật nào quy định Tòa án thụ lý giải quyết vụ án khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH. 

Hội nghị tuyên truyền chế độ, chính sách BHXH, BHYT cho công ty cao su Đắk Lắk

Giải pháp đặt ra


Để khắc phục tình trạng nợ BHXH nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động, thiết nghĩ cần phải có những giải pháp sau:
- Tập trung, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH BHYT, BHTN cho doanh nghiệp, người lao động, người sử dụng lao động và thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phù hợp, bảo đảm các đối tượng của truyền thông tiếp cận đầy đủ với thông tin về chính sách BHXH, BHYT, BHTN và cách thức tham gia, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

- Một giải pháp không kém phần quan trọng được nêu tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần II/2015 của tỉnh, đó là: Nâng cao năng lực của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, góp phần đưa tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp đến với các cấp, các ngành nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo đời sống cho người lao động như tiền lương, chế độ BHXH, BHYT và khả năng hoạt động của doanh nghiệp.

Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp năm 2016

- Triển khai thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN theo Nghị định số 21/2016/NĐ-CP ngày 31/3/2016 của Chính phủ quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT của cơ quan BHXH.

- Khởi kiện ra Tòa án: ngày 01/01/2016 thời điểm Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực. Theo đó, Tổ chức Công đoàn được quyền khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động. Trách nhiệm của cơ quan BHXH là trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu cho Tổ chức Công đoàn khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động./.



Lê Xuân Khánh - Phòng Khai thác và thu nợ