Nghiên cứu, học tập & làm theo phong cách Hồ Chí Minh

10/01/2017 02:35 AM



Hồ Chí Minh là một hiện tượng văn hóa đặc sắc, độc đáo, mang sắc thái, diện mạo riêng, là sự thống nhất biện chứng giữa tư tưởng, phương pháp với phong cách; giữa đạo đức, lối sống và nhân cách; giữa con người, cuộc đời và sự nghiệp. Sự thống nhất đó lan tỏa trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Người, phản ánh những khía cạnh văn hóa đặc trưng. Người có trình độ uyên bác, nắm vững và sâu văn hóa, triết học cổ, kim, Đông, Tây, nhưng nói chuyện với người trình độ học vấn thấp, thậm chí mù chữ vẫn có thể hiểu được. Còn những học giả, trí thức lỗi lạc lại cảm nhận hết sức sâu sắc, thú vị khi nghiên cứu các tác phẩm của Người, thậm chí còn chưa hiểu hết về Người. Điều tưởng như “nghịch lý” này được giải thích bởi sự thống nhất, hòa quyện giữa tư tưởng và hành vi của Người. Tư tưởng Hồ Chí Minh có trong câu chữ, đằng sau câu chữ, thấm sâu vào trong toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp của Người. Hành vi, phong cách của Người, ẩn chứa tư tưởng, chuyển tải tư tưởng. Triết lý Hồ Chí Minh là triết lý hành động. Người là nhà triết học hành động.

Phong cách Hồ Chí Minh chứa đựng trí tuệ, tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, phong thái, phong độ, phẩm cách, lề lối làm việc từ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn và khảo cứu lý luận, thành nền nếp ổn định, tạo nên những nét riêng biệt ở lối sống, hành vi, ứng xử hết sức đặc sắc, độc đáo, riêng có, mang đậm dấu ấn, sắc thái, diện mạo Hồ Chí Minh, thể hiện nhân cách lớn của một nhà văn hóa kiệt xuất. Phong cách Hồ Chí Minh thể hiện sự sáng tạo thật sự, tự nhiên, chứa đựng giá trị về chân, thiện, mỹ, có sức lan tỏa tới mọi người. Phong cách Hồ Chí Minh chính là đạo làm người, văn hóa làm người chính con người Người.

Với những giá trị bền vững, phong cách Hồ Chí Minh đem lại lòng tin cho nhân dân và cán bộ, đảng viên; đồng thời, cho ta hiểu ý nghĩa toàn diện về giá trị của một con người, một chính đảng. Người dạy rằng: “Muốn biết một chính đảng, hay một người có phải là Đảng hay chiến sĩ tiên phong của vô sản hay không, ta không nên chỉ xem những tuyên ngôn, nghị quyết và nghe lời nói của họ; ta cần xét hành vi chính trị của họ, lập trường và thái độ của họ trong những cuộc đấu tranh chính trị thế nào”.

Phong cách Hồ Chí Minh bắt đầu hình thành từ tuổi thiếu niên, dần dần phát triển cùng với hoạt động thực tiễn. Từ lúc bắt gặp ánh sáng cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, vừa nghiên cứu lý luận vừa hoạt động thực tiễn, phong cách Hồ Chí Minh từng bước hoàn thiện. Đặc biệt khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, trên cương vị Chủ tịch Đảng và đứng đầu Chính phủ, Người không ngừng tu dưỡng phong cách bản thân, giáo dục cán bộ, đảng viên rèn luyện phong cách để xứng đáng với một đảng chân chính cách mạng, đạo đức, văn minh. Đến tận cuối đời, khi viết tài liệu “Tuyệt đối bí mật”, Người vẫn giữ phong cách của một người cộng sản, người cách mạng, người cán bộ, đảng viên. Người lạc quan, yêu đời, tin tưởng tuyệt đối vào nhân dân, tin tưởng chắc chắn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Viết Di chúc, Người không cầu kỳ, mà chỉ là “để lại mấy lời” tựa như một lá thư. Người tự cảm thấy “tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt, thân thể vẫn khỏe mạnh”. Ở tuổi 78, tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây, Người coi đó là chuyện bình thường, quy luật tự nhiên, vì tuổi càng cao sức khỏe càng thấp. Di chúc không những cho thấy một phong cách tư duy luôn đổi mới, sáng tạo, mà toát lên phong độ, phong thái, phong cách làm việc, phong cách ứng xử, toát lên lòng tin mãnh liệt ở dân, dựa vào dân và tất cả vì dân. Người dặn Đảng phải có kế hoạch thật tốt, sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Đảng, cán bộ đảng viên phải toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Lời dặn đầu tiên của Di chúc là công việc đối với con người và cuối cùng phải dựa vào nhân dân. Di chúc viết: “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.

Hồ Chí Minh cả một đời đã hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, đến khi phải từ biệt thế giới này, không có điều gì phải ân hận, chỉ tiếc không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Đó là sự toàn vẹn, trọn vẹn của một cuộc đời, một con người, một phong cách từ tuổi niên thiếu đến khi đi vào cõi vĩnh hằng. Viết về phong cách Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng cho rằng: “Một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp thống nhất với nhau, sản sinh ra và kết tinh ở một con người, đó là bản chất và tầm vóc của Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là một con người phi thường và xuất chúng. Chất con người Hồ Chí Minh là chất Việt Nam, chất cách mạng, chất cộng sản, chất nhân văn, tất cả gặp gỡ, hòa quyện trong một con người và được nâng lên do sứ mệnh lịch sử của con người đó”.

Phong cách Hồ Chí Minh - Một số nội dung cơ bản

Phong cách tư duy Hồ Chí Minh phù hợp với mọi thời đại. Đó là cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo gắn với tính cách mạng và khoa học; xuất phát từ thực tế Việt Nam; mở rộng tầm nhìn ra thế giới, nghiên cứu, chắt lọc giá trị văn hóa cổ, kim, Đông, Tây, để làm giàu trí tuệ của mình. Kiểu tư duy đó hoàn toàn xa lạ với những gì xơ cứng, giáo điều. Với bản lĩnh, trí tuệ của một người yêu nước, nhà cách mạng chân chính, người cộng sản mẫu mực, Hồ Chí Minh là con người rất trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin nhưng không phải trên câu chữ mà thể hiện ở lập trường, quan điểm, phương pháp, nắm tinh thần cách mạng, học tinh thần xử trí của các bậc thầy. Nhờ đó, Người đã xây dựng một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, để lại một dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại. Phong cách tư duy đó đã, đang và mãi mãi soi sáng phong cách tư duy của cán bộ, đảng viên hiện nay.

Phong cách làm việc Hồ Chí Minh là một giá trị trường tồn. Thể hiện ở tác phong quần chúng như trọng lợi ích nhân dân; liên hệ chặt chẽ với nhân dân; mọi việc bàn, giải thích cho nhân dân; có khuyết điểm thì tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; học hỏi nhân dân; gương mẫu thực hành cần, kiệm, liêm, chính để nhân dân noi theo. Cùng với tác phong quần chúng là tác phong lãnh đạo tập thể - dân chủ; tác phong làm việc khoa học, tác phong nêu gương, là những nội dung thiết thực, cần thiết với mỗi cán bộ, đảng viên hằng ngày, hàng giờ trong mọi hoàn cảnh, thời gian và không gian.

Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh (phong cách nói, viết) chân thực, trong sáng, mộc mạc, dung dị, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người, dễ thực hiện. Người dạy rằng để đạt được mục đích nói và viết, phải nêu và trả lời được các câu hỏi: Nội dung nói, viết là gì? Đối tượng nói, viết là ai? Mục đích nói, viết để làm gì? Cách nói, viết như thế nào? Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh cho thấy “một cái tối đa về ý trong một cái tối thiểu về lời”. Người là “nhà lý luận thực tiễn hóa, nhà thực tiễn lý luận hóa”.

Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là phong cách ứng xử văn hóa, hài hòa, nhuần nhị, tinh tế, có lý có tình. Đó là phong cách ứng xử ở tầm nghệ thuật, hoàn thiện. Nghiên cứu phong cách ứng xử Hồ Chí Minh, nhiều người cho rằng “Hồ Chí Minh có cách ứng xử rất tự nhiên, bình dị đến hồn nhiên, rất cởi mở, chân tình, vừa chủ động, linh hoạt, lại vừa ân cần, tế nhị đối với nhân dân, bạn bè, đồng chí, anh em, dù đó là những nguyên thủ quốc gia, lãnh tụ đảng hay chỉ là những người nông dân, công nhân bình thường... Phong cách ứng xử đó cho thấy, với tư cách là chủ thể, Hồ Chí Minh thể hiện thái độ yêu thương, quý mến con người, trân trọng con người, vừa nghiêm khắc vừa độ lượng khoan dung để nâng con người lên chứ không phải hạ thấp, vùi dập con người. Hồ Chí Minh còn cho thấy thái độ khiêm nhường, một phong cách giấu mình. Với các đối thủ, Hồ Chí Minh thể hiện phong cách ứng xử của một nhà hoạt động chính trị lão luyện, một nhà ngoại giao từng trải, một chiến sĩ ngoài trận tiền cực kỳ dũng cảm và thông minh để giành thắng lợi trong từng trận đánh. Đó là phong cách lịch lãm và tự chủ, bình tĩnh và đĩnh đạc, chủ động và tỉnh táo, thể hiện một sự tinh tế rất cao trong từng chữ, từng lời, từ một cái nhìn đến bước đi, thế đứng. Tất cả cho thấy Hồ Chí Minh am tường “ngũ tri” (năm cái biết) của văn hóa phương Đông: tri kỷ, tri bỉ, tri thời, tri túc (tri chỉ), tri biến”. Phạm Văn Đồng viết về Hồ Chí Minh - con người: “Hồ Chí Minh là người năng động và linh hoạt trong ứng biến, minh  triết và thanh thản trong tâm hồn và phong độ… Bản lĩnh ứng biến năng động và linh hoạt đi đôi với sự minh triết và thanh thản trong tâm hồn, sự ung dung, thoải mái trong phong độ, Hồ Chí Minh hoàn toàn không theo kiểu hiền triết thời xưa, coi mọi thứ trên đời đều là phù du, không đáng kể. Hồ Chí Minh luôn luôn sống giữa cuộc đời, và đúng như câu phương ngôn mà Mác ưa thích, không có cái gì thuộc về con người đối với Hồ Chí Minh lại là xa lạ. Phong độ ung dung của Hồ Chí Minh là phong độ của người nhận thức được quy luật của lịch sử, tin ở nhân dân và có nhân dân, con người biết mình muốn gì và đi đến đâu, biết tránh thác ghềnh, biết thắng quân địch, con người tĩnh như núi, động như biển, nắm vững nghệ thuật của điều có thể và không ngừng mở rộng giới hạn của điều có thể”.

Phong cách sinh hoạt của Hồ Chí Minh trong cuộc sống thường ngày có nhiều nét đã trở thành huyền thoại. Hồ Chí Minh là con người sinh ra từ nhân dân, sống trong lòng dân và cuối đời lại muốn về với nhân dân: “Làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc, câu cá trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”. Không tự giam mình trong tháp ngà, Người là con người của quần chúng, vì quần chúng, không nghĩ gì đến mình, giản dị và khiêm tốn, có sự kết hợp hiếm có giữa lòng khoan dung tột độ với thái độ kiên quyết nhất. Thế giới nói Hồ Chí Minh là nhà hiền triết, “vị thánh của chủ nghĩa cộng sản”. Chúng ta nói phong cách sinh hoạt Hồ Chí Minh, “đó là sự giản dị, thanh đạm, thanh cao trong sinh hoạt hàng ngày. Đó là cách sống chừng mực, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, rất quý trọng thời gian… Đó là tình yêu thương con người, quyện với tình yêu thiên nhiên, tạo nên tinh thần lạc quan của người chiến sĩ kết hợp chặt chẽ với những rung động say mê của một tâm hồn nghệ sĩ. Cách sống của Người xuất phát từ một triết lý nhân sinh lấy khiêm tốn giản dị làm nền, lấy chừng mực điều độ làm chuẩn, lấy trong sạch thanh cao làm vui, lấy gắn bó với con người, với thiên nhiên làm niềm say mê vô tận”.

Phong cách sinh hoạt Hồ Chí Minh cho thấy, người ta không thể là nhà cách mạng trong những việc lớn mà lại thiếu sót trong những việc nhỏ. Hồ Chí Minh là con người bình thường nhưng rất vĩ đại, vĩ đại từ những việc bình thường. Cái vĩ đại, cái bất tử của Hồ Chí Minh không chỉ ở những tư tưởng lớn, mà còn ở cả tác phong, phong cách, đạo đức. Cái vĩ đại của Hồ Chí Minh không tách khỏi cái bình thường. Cái bình thường của Hồ Chí Minh chứa đựng những giá trị lớn, có sức lan tỏa, hấp dẫn, lôi cuốn để vươn tới cái cao đẹp, có tác dụng giáo dục mọi người. Hồ Chí Minh giản dị nhưng không giản đơn, bình thường nhưng không tầm thường. Mỗi việc làm, hành vi dù nhỏ, mỗi câu, mỗi ý của Người dù ngắn gọn như “hai lần hai là bốn” luôn luôn chứa đựng những giá trị lớn, đạt đến chỗ tận cùng của sự sâu sắc, chạm đến cốt lõi của vấn đề, có sức thuyết phục, thu phục tất cả mọi người.

Hồ Chí Minh đã tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân, trước thế giới rằng: “Tôi không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài”. Xa lạ với mọi thứ chủ nghĩa cá nhân, cả đời Người “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Hồ Chí Minh là con người cống hiến cực đại cho dân tộc nhưng với bản thân không có gì, đến tận cuối đời, trên ngực không có một tấm huân chương. Hồ Chí Minh không có một cái gì riêng tư cho mình, việc riêng của Người gắn liền, hòa quyện với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đó là “hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Từ biệt chúng ta, Người vẫn dặn lại đừng tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.

Hồ Chí Minh toàn vẹn, trọn vẹn một cuộc đời với “79 mùa xuân” từ tuổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam nhấn mạnh: “Cả cuộc đời vĩ đại của Hồ Chủ tịch là tấm gương mãi mãi sáng ngời chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu nhân dân thắm thiết, đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị”.

Giá trị bền vững của phong cách Hồ Chí Minh hết sức cần thiết đối với cán bộ, đảng viên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay./.


Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội