Ô nhiễm không khí: Mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng

18/01/2017 03:11 AM




Báo cáo chất lượng không khí tại Việt Nam do GreenID thực hiện cảnh báo: Chất lượng không khí ở Việt Nam đang trong tình trạng báo động. Tại Hà Nội và TP.HCM- hai thành phố có mật độ dân cư đông nhất cả nước đều có lượng bụi trôi nổi trong không khí (PM2.5) vượt mức cho phép. Tuy nhiên, nếu như TP.HCM có lượng bụi PM2.5 trung bình năm ở mức 2,8 ug/m3- cao hơn một chút so với ngưỡng quy chuẩn cho phép của quốc gia (25 ug/m3); thì Hà Nội có chỉ số PM2.5 trung bình năm cao gấp đôi so với quy chuẩn cho phép.

Các nguồn gây ô nhiễm không khí được nhóm nghiên cứu chỉ rõ là từ các nhà máy nhiệt điện than, khí thải từ phương tiện giao thông, phát thải từ công nghiệp, hoạt động xây dựng, đốt chất thải, đun nấu hộ gia đình và ô nhiễm xuyên biên giới. Ô nhiễm không khí đã tác động đến sức khỏe con người, hệ sinh thái, môi trường và khí hậu. Trong đó, nghiêm trọng nhất là tác động đến sức khỏe, làm tốn kém chi phí lớn cho chăm sóc sức khỏe, đặc biệt nhóm dễ bị tổn thương nhất là trẻ em.

Làm rõ hơn nhận định này, TS.Đỗ Mạnh Cường- Phó Phòng Sức khỏe và Môi trường cộng đồng (Cục Quản lý Môi trường y tế- Bộ Y tế) cho biết: Trên thế giới có tới 94% trường hợp tử vong do ô nhiễm không khí là các bệnh không lây nhiễm, trong đó đột quỵ và nhồi máu cơ tim chiếm tỉ lệ cao. Còn với trẻ em dưới 5 tuổi, nguy cơ từ ô nhiễm không khí chủ yếu gây ra các bệnh về đường hô hấp. Tại Việt Nam, trong 5 bệnh có tỉ lệ mắc cao nhất trong cơ cấu bệnh tật, thì bệnh đường hô hấp có tỉ lệ mắc cao nhất, với tỉ lệ tử vong chỉ đứng thứ hai (16,9%) sau bệnh hệ tuần hoàn.

Ông Cường cũng dẫn chứng báo cáo hiện trạng môi trường không khí (2013) của Bộ TN-MT, trong đó chỉ rõ: "Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỉ lệ người mắc các bệnh đường hô hấp cao gấp nhiều lần các đô thị khác. Các bệnh hô hấp cấp tính và mãn tính ở vùng gần các khu vực sản xuất công nghiệp cao hơn rõ rệt so với các vùng đối chứng khác".

Sở TN-MT Hà Nội cũng đã dự báo, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có gần 44.000 trẻ em mắc bệnh viêm phổi cấp tính; gần 4.900 người mắc viêm phổi mạn tính; số trường hợp nhập viện vì đường hô hấp, tim mạch, khó thở tăng gấp đôi so với năm 2010... Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí trong nhà, nơi làm việc cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư, đau đầu, kích thích mắt- mũi- họng, bệnh nghề nghiệp, tử vong…

Theo các chuyên gia, một trong các vấn đề của Việt Nam hiện nay là tiêu chuẩn quốc gia về phát thải không khí đang cho phép mức giới hạn khí thải ở mức độ cao; và cần được điều chỉnh, cập nhật để kiểm soát phát thải tốt hơn. Đặc biệt, Việt Nam cần khẩn trương thực hiện ngay các hành động để kiểm soát ô nhiễm không khí và giảm thiểu tác động gây ra bởi loại ô nhiễm này; nhanh chóng giảm các nguồn gây ô nhiễm nhân tạo từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, sản xuất điện năng, đốt rác thải, xây dựng, giao thông và đun nấu.

Xác định nhiệt điện than là nguyên nhân gây tác động nghiêm trọng đến chất lượng không khí, các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ cần xem xét lại kế hoạch đẩy mạnh phát triển xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than mới; tập trung hỗ trợ phát triển cơ cấu nguồn điện sạch hơn. Đồng thời, cần thực hiện công bố thông tin hàng ngày về ô nhiễm không khí; những tác động của ô nhiễm không khí với sức khỏe con người, môi trường và hướng dẫn cách phòng chống phơi nhiễm với không khí ô nhiễm; tăng cường thực thi các quy đinh hiện hành về quy chuẩn đốt chất thải rắn và hoạt động xây dựng; đẩy mạnh hoạt động cải thiện chất lượng không khí tại mỗi gia đình; đưa đánh giá tích lũy chất lượng không khí và đánh giá tác động sức khỏe vào quá trình quy hoạch, lập kế hoạch phát triển các nhà máy điện và hoạt động công nghiệp, các phương tiện, công trình giao thông…

Đặc biệt, để thúc đẩy các hoạt động cộng đồng, mỗi cá nhân cần có những hiểu biết cặn kẽ về nguyên nhân gây nên ô nhiễm không khí, cách chúng tác động lên sức khỏe con người…/.



Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội